Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Lao động miền Tây xứ Thanh thoát nghèo nhờ đi làm ở Nhật Bản, Hàn Quốc...

Thu Hương
Thu Hương

Những năm gần đây, hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài tại các huyện miền núi Thanh Hoá có nhiều khởi sắc. Nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo, có thu nhập cao, làm giàu cho quê hương.

Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

XKLĐ.jpg
Những năm gần đây, hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài tại các huyện miền núi Thanh Hoá có nhiều khởi sắc (Ảnh minh họa: Thu Hương).

 

Tính đến nay, tại 11 huyện miền núi Thanh Hoá đang có hơn 3.000 người đi xuất khẩu lao động tại các thị trường lao động như Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Các lao động này đều có việc làm ổn định, thu nhập tốt, đem lại nguồn thu ngoại tệ cho gia đình, góp phần vào công tác giảm nghèo ở các huyện miền Tây xứ Thanh.

Từ năm 2022 đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã hỗ trợ cho 124 người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, lao động là người dân tộc tiểu số đi làm việc ở nước ngoài với số tiền là hơn 544 triệu đồng. 

Thanh Hoá cũng đã tổ chức tập huấn, tư vấn, giới thiệu việc làm gần 15.000 lượt người là cán bộ cấp xã, thôn, bản và người dân về chính sách, pháp luật đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. 

Đến nay, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Thanh Hoá đã thực hiện hỗ trợ cho 560 người lao động thuộc đối tượng hỗ trợ được vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ.

Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH tỉnh Thanh Hoá Hoàng Ngọc Trung cho biết: “Lao động Thanh Hóa đi làm việc ở nước ngoài có trình độ tay nghề chiếm khoảng 60%; trong đó, có khoảng 05% lao động là sinh viên đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học tham gia đi làm việc ở nước ngoài ngành kỹ sư xây dựng, kỹ sư cơ khí, chế tạo máy, tin học và điều dưỡng viên…

Trong những năm qua, thị trường thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc là các thị trường trọng điểm, truyền thống, luôn tiếp nhận lao động Việt Nam nói chung, lao động Thanh Hóa nói riêng với quy mô lớn nhất, chiếm trên 90% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài". 

"Đây cũng là các thị trường được người lao động Thanh Hóa lựa chọn do có điều kiện làm việc tốt, trang thiết bị, công nghệ hiện đại, thu nhập tốt, đặc biệt là sự quan tâm của Chính phủ các nước về bảo vệ quyền lợi cho người lao động”, ông Trung chia sẻ thêm.

Anh Lò Văn Liệu, ở bản Pùng, xã Quang Chiểu dù có hoàn cảnh hết sức éo le, bản thân anh Liệu thuộc đối tượng hưởng chế độ tàn tật, không có khả năng lao động. Những tưởng gia đình anh sẽ mãi là hộ nghèo, hai vợ chồng mạnh dạn vay 52 triệu đồng cùng với vốn vay từ anh em người nhà, chị Pẹn (vợ anh Liệu) đi XKLĐ sang Đài Loan. 

Anh Liệu cho biết: “Nhận thức rõ việc Nhà nước trao cơ hội vay vốn ngân hàng chính sách đi xuất khẩu, gia đình đã làm hồ sơ vay với mong muốn có cơ may thoát nghèo, nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn. Hơn 1 năm đi làm, vợ tôi đã có tiền gửi về cho 3 bố con trả hết nợ ngân hàng, có tiền tích cóp”.

A Nguyên XKLD.jpeg
Ngôi nhà anh Cao Văn Nguyên, xã Điền Lư, (Bá Thước, Thanh Hoá) được xây dựng từ nguồn đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc (Ảnh: Thu Hương)

Có nghề cơ khí trong tay, tuy nhiên do không có vốn để mở rộng sản xuất, anh Cao Văn Nguyên, xã Điền Lư, Bá Thước mãi loay hoay trên con đường thoát nghèo, ổn định cuộc sống. 

Qua tìm hiểu, anh được biết Hàn Quốc đang “mở rộng cửa” đón lao động ngoài nước làm việc theo Chương trình EPS, có sẵn nghề cơ khí trong tay, anh Nguyên đăng ký học tiếng Hàn tại Trung tâm Ngoại ngữ Việt Anh đóng trên địa bàn xã Điền Lư. 

Sau khi hoàn thiện các thủ tục, năm 2022, anh bắt đầu sang Hàn Quốc làm việc. Những tháng đầu công việc chưa quen nên đồng lương anh gửi về chưa cao, tuy nhiên đến nay, do đã quen công việc, nên hàng tháng trừ chi phí, anh Nguyên gửi về cho gia đình từ 35 đến 40 triệu đồng.

Lao động Thanh Hóa được các doanh nghiệp nước ngoài đánh giá cao về tính cần cù, chăm chỉ, khéo léo, học hỏi và tiếp thu tay nghề nhanh. Bên cạnh đó, người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã tích lũy được kinh nghiệm làm việc, kỹ năng nghề, ngoại ngữ, ý thức tổ chức, kỷ luật nên khi về nước có cơ hội việc làm và tự tạo việc làm tốt hơn.

 Nhiều người lao động sau khi đi làm việc tại nước ngoài về đã đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, làm trang trại tạo việc làm thêm cho nhiều lao động khác hoặc làm việc cho các doanh nghiệp FDI trên địa bàn.

Hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã trở thành phong trào sâu rộng, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho hàng ngàn người lao động, nhất là đối tượng chính sách, người dân tộc thiểu số, người nghèo... được đi làm việc ở nước ngoài. 

Góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thúc đẩy tăng năng suất lao động, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Ông Hoàng Ngọc Trung thông tin thêm: “Để đẩy mạnh hơn nữa công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong thời gian tới, Thanh Hoá tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đặc biệt là Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để khuyến khích người lao động, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp tham gia”. 

“Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện xuất khẩu lao động; trong đó, tỉnh chú trọng thực hiện Tiểu dự án 3 - Phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tổ chức các hội nghị tuyên truyền và các lớp đào tạo nghề hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài”, ông Trung nhấn mạnh.