Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Lao động nữ và áp lực cạnh tranh trong thị trường lao động

Quang Dương
Quang Dương

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, lao động nữ đang có đóng góp rất lớn vào sự phát triển của đất nước, tuy nhiên họ cũng đang gặp nhiều khó khăn và rào cản trong công việc.

Theo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐ), với 72% phụ nữ Việt Nam tham gia làm việc, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động cao trên thế giới.

Lao động nữ đang đóng góp rất lớn vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước, tuy vậy, họ đang gặp nhiều khó khăn và rào cản hơn trong công việc.

Trên thực tế, sự bất bình đẳng tồn tại cả về điều kiện việc làm, trả lương, lẫn trong thăng tiến nghề nghiệp. Khoảng cách lương giữa nam và nữ đang là gần 13%.

lao_dong_nu_ok.jpg
Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động cao trên thế giới.

Số liệu của Tổng cục Thống kê (2023) cũng cho thấy, số lượng lao động nữ giảm mạnh trong thời kỳ nền kinh tế chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 từ 25,9 triệu năm 2019 xuống 22,8 triệu người năm 2021, sau đó đã bắt đầu cải thiện trong năm 2022.

Điều này cho thấy tình trạng việc làm của nữ giới vẫn dễ bị tổn thương hơn nhiều so với nam giới khi nền kinh tế suy giảm.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng với rất nhiều những khó khăn và rào cản đối với lao động nữ xét từ cả góc độ khách quan và chủ quan, đòi hỏi phải có những giải pháp căn cơ hơn nữa, mới có thể thúc đẩy sự tham gia nhiều hơn của phụ nữ vào thị trường lao động, tạo việc làm, thu nhập, góp phần vào tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy sự tham gia lãnh đạo, quản lý nhiều hơn của nữ giới.  

Tổ chức Công đoàn Việt Nam với chức năng, nhiệm vụ là đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ đã nhận ra những bất cập của tình trạng này. Vì vậy, rất nhiều chỉ đạo sâu sát, kịp thời từ Tổng Liên đoàn tới các cấp công đoàn cả nước để có thể tháo gỡ những khó khăn hiện nay của lao động nữ. 

Cụ thể: Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có những đề xuất tích cực với Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng chế độ, chính sách đối với lao động nữ, điển hình như: việc góp ý vào dự thảo Bộ luật Lao động 2019 và dự thảo Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.

Trong đó, chú trọng các nội dung về lao động nữ và đảm bảo bình đẳng giới, thực hiện chính sách cho phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi (không sa thải, chấm dứt hợp đồng …);

Đảm bảo việc làm cho lao động nữ sau khi nghỉ thai sản, hỗ trợ lắp đặt phòng vắt, trữ sữa cho lao động nữ tại nơi làm việc, hỗ trợ chi phí gửi trẻ cho lao động có con dưới 6 tuổi;  đào tạo thêm nghề dự phòng phù hợp với đặc điểm cơ thể, sinh lý và chức năng làm mẹ của phụ nữ… 

Đặc biệt, góp ý vào luật BHXH sửa đổi theo hướng đề xuất giảm thời gian đóng BHXH của người lao động trong đó có lao động nữ xuống còn 15 năm để khi đủ tuổi nghỉ hưu họ có 1 khoản lương hưu để duy trì cuộc sống, không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội…

Nhằm chăm lo tốt hơn cho lao động nữ, đặc biệt là lao động nữ đang trong quá trình tìm kiếm và ổn định việc làm, trong thời gian tới, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị công đoàn các cấp tập trung triển khai một số hoạt động sau:

Thứ nhất, các cấp công đoàn cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan LĐ-TB&XH đồng cấp tìm hiểu thị trường lao động, nhu cầu việc làm của người lao động cũng như khả năng cung ứng việc làm của NSDLĐ để có chính sách, biện pháp kết nối giữa các bên cung - cầu.

Thứ hai, tham gia cùng NSDLĐ tuyên truyền và thực hiện các chế độ, chính sách đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho lao động nữ theo đúng quy định của pháp luật, giúp lao động nữ gắn bó với công việc đồng thời cũng giúp cho doanh nghiệp phát triển bền vững.

Thứ ba, cần thường xuyên trao đổi, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của lao động nữ để hỗ trợ người lao động ổn định việc làm, cuộc sống, tránh nguy cơ nhảy việc, mất việc làm.

Thứ tư, phối hợp và kết nối với các cơ sở đào tạo nghề tổ chức các khóa học ngắn, trung hạn dể giúp người lao động học tập nâng cao tay nghề, nghiệp vụ, đáp ứng được yêu cầu công việc đặt ra hoặc có nghề dự phòng, sẵn sàng ứng phó với nguy cơ mất việc làm.