Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Lao động tự do chật vật mưu sinh ngày giáp tết

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Với những lao động tự do, tết đến lại chồng chất khó khăn, họ chỉ mong có nhiều việc làm, thêm thu nhập để chi tiêu dịp tết…

“Chợ người” ế ẩm…

Những ngày giáp tết, thời tiết Hà Nội khá lạnh, lao động tự do có mặt từ sáng sớm tại “chợ người” - nơi tập trung người từ nhiều địa phương và “bán” sức lao động để kiếm sống. Họ có thể làm bất cứ công việc gì vào mọi thời điểm trong ngày. 

Anh Nguyễn Minh Hà (35 tuổi, quê Hà Tĩnh) ra Hà Nội kiếm sống đã 10 năm nay cho biết, trước anh làm bảo vệ cho một công ty với mức lương 5 - 6 triệu đồng/tháng. Sau 2 năm làm bảo vệ, anh Hà quyết định xin nghỉ và gia nhập “chợ người”.

Lao động tự do chật vật mưu sinh ngày giáp tết - 1
"Chợ người" những ngày giá rét - người thì đông và việc thì ít.

Với mức lương 5 - 6 triệu đồng/tháng ở Hà Nội, anh Hà phải ăn uống, chi tiêu tằn tiện, thuê phòng trọ cấp bốn lụp xụp ở chung với 5 anh em khác, mỗi tháng mới có thể để dành không quá 1 triệu đồng gửi về quê nuôi con. Đó là chưa kể, tháng nào ở quê có giỗ chạp, ngày mùa lại phải về thì tháng đó chẳng còn đồng nào.

“Bằng cấp, tay nghề không có nên muốn xin việc ở công ty rất khó. Trước đây mức lương 5 - 6 triệu đồng/tháng còn tiết kiệm gửi về quê 1 triệu đồng nuôi con, còn nay mức lương đó chỉ đủ mình tôi ăn ở, sinh hoạt phí. Làm công việc tự do tuy vất vả nhưng nếu việc đều thì thu nhập mỗi tháng cũng được gần 10 triệu đồng.

Thường cuối năm nhiều việc nhưng năm nay kém quá. Có hôm đứng hóng từ 5 giờ sáng đến tận tối đêm mà không có người thuê…”, anh Hà, người có thâm niên gần 8 năm ở “chợ người” đường Mai Chí Thọ (Long Biên) chia sẻ.

Cùng cảnh rời quê lên thành phố bán sức lao động kiếm thu nhập, chị Dương Thị Lý (quê Hà Nam) cho biết, những năm trước thời điểm cuối năm rất nhiều việc nên mấy chị em trong làng làm xong mùa vụ lại kéo nhau lên thành phố làm thêm.

Chị bảo, làm nông nghiệp chăm chỉ lắm cũng chỉ đủ ăn, lo cho con cái học hành. Trước gia đình còn nuôi thêm lợn nhưng sau mấy đợt dịch bệnh triền miên khiến gia đình cụt vốn và sợ không dám tái đàn.

Chị Lý bảo: “Năm nay lợn hơi giá cao thì không có bán nhưng nghĩ đến mấy đợt lợn bị bệnh là sợ không dám liều vay vốn nuôi tiếp. Làm xong mùa màng tôi lại lên “chợ người” làm thuê. Vì chỉ tranh thủ làm thời gian nông nhàn nên tôi không thể xin việc cố định, chấp nhận làm tự do kiếm ít tiền về lo tết cho gia đình”. 

Thế nhưng năm nay, “chợ người” khá ế ẩm. Người đông mà việc thì ít. Những năm trước lao động tự do như chị Lý làm không hết việc. Người thuê dọn nhà đón tết, người thuê phụ bán hàng dịp cao điểm.

Năm nay, tháng gần tết mà có những ngày những lao động như chị Lý, anh Hà… không ai thuê. Lao động nam lủi thủi về phòng trọ, chờ đến ngày mai với hy vọng có việc làm; lao động nữ lại xách túi đi dọc xe chở rác nhặt phế liệu, kiếm vài chục nghìn mua mớ rau, cân gạo…

Nỗi lo tết cận kề

Chỉ khoảng 3 tuần nữa là Tết Nguyên đán. Với nhiều lao động tự do đã khó khăn lại càng thêm vất vả mưu sinh lo tết gia đình. Dù mưa hay rét, cứ 4 giờ sáng, bà Bùi Thị Tươi (quê Hưng Yên) dậy đạp xe ra chợ Long Biên mua rau đi bán tại chợ dân sinh trên địa bàn quận Long Biên.

Hôm nào đắt hàng, bà kiếm được khoảng 200 nghìn đồng nhưng cũng có hôm ế không đủ tiền đong gạo. Thu nhập bấp bênh nên tết đến bà lại thêm nỗi lo. “Dù khó khăn mấy thì tết vẫn phải sắm sửa đầy đủ mâm cúng gia tiên ba ngày tết, cũng phải có quà biếu hai bên nội, ngoại, mua cho con tấm áo mới…

Năm nay buôn bán không đắt hàng nên gần như tháng nào kiếm đủ tiêu tháng đó. Bây giờ người bán nhiều, người mua thì ít vì người có tiền họ mua ở siêu thị, số đông mua online nên những người bán rong như chúng tôi ngày càng ế. Buôn bán khó khăn nhưng cũng không có nghề gì phù hợp nên tôi vẫn phải bám trụ đến khi nào không đủ sức khỏe thì nghỉ”, bà Tươi ngậm ngùi nói.

2 tháng nay, ngày nào anh Nguyễn Minh Tuấn (tài xế giao hàng của Ahamove) cũng chăm chỉ làm việc từ 7 giờ sáng đến 22 giờ đêm, thậm chí có hôm còn về muộn hơn nếu có đơn hàng cần giao.

Làm tài xế giao hàng công nghệ, bình thường mỗi ngày nếu chăm chỉ anh kiếm được khoảng 350.000 đồng. Mỗi tháng trừ chi phí nhà trọ, ăn uống tằn tiện, anh gửi về quê cho vợ khoảng 5 - 6 triệu đồng. Tết gần đến, anh muốn kiếm nhiều hơn để có tiền lo tết cho gia đình.

Thế nhưng dịp này đơn hàng nhiều hơn nhưng đường tắc nên có muốn chạy thêm cũng không thể. Để có tiền mua cho các con bộ quần áo mới, bánh kẹo biếu ông bà nội, ngoại, lì xì cho con cháu… anh Tuấn cặm cụi làm việc không ngừng nghỉ. Anh Tuấn bảo: “Chỉ mong có sức khỏe, có đơn hàng giao đều để có tiền sắm tết. Cũng có lúc mệt lắm nhưng vẫn phải cố gắng”.

Không phải ai cũng may mắn cứ cuối năm lại có thêm nhiều việc, kiếm được nhiều tiền hơn để có một khoản dành tiêu tết. Với lao động tự do như anh Hà, chị Lý… tết đến đồng nghĩa thêm nhiều nỗi lo khi công việc ít hơn. Họ chấp nhận làm nhiều việc, nhiều thời gian hơn chỉ mong có việc, thu nhập lo tết cho gia đình.

Bởi ngày thường, những người mưu sinh tự do vốn đã bấp bênh với giấc mơ đủ sống qua ngày, nay vào những dịp đặc biệt như lễ, tết, họ lại càng lao đao với bài toán làm sao cho gia đình có một cái tết.

Khánh Vân

Báo Lao động và Xã hội số 3