Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Lao động Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản và Ba Lan có thu nhập tốt

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Ngày 24/9, tại trụ sở Bộ LĐ-TB&XH, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan tiếp Phó Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Ishikawa Isamu và Đại diện lâm thời Ba Lan Justyna Pabian nhằm thúc đẩy hợp tác lao động.

Hợp tác lao động Việt Nam - Nhật Bản có bước phát triển vượt bậc

Cảm ơn Thứ trưởng đã dành thời gian tiếp, ngài Ishikawa Isamu cho biết, hiện khoảng 570.000 người Việt Nam sinh sống, làm việc tại Nhật Bản. Việt Nam cũng là quốc gia đứng đầu trong số 15 nước phái cử thực tập sinh, lao động sang Nhật Bản.

Để thu hút người lao động, vừa qua Quốc hội Nhật Bản thông qua 2 dự luật sửa đổi Luật Quản lý xuất nhập cảnh và công nhận tị nạn, sửa đổi Luật về thực hiện nghiêm Chương trình thực tập kỹ năng cho người nước ngoài và bảo hộ lao động nước ngoài, thể hiện sự mở cửa và linh hoạt trong chính sách nhập cư lao động của Chính phủ Nhật Bản. 

Lao động Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản và Ba Lan có thu nhập tốt - 1
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan chúc mừng Phó Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Ishikawa Isamu bắt đầu nhiệm kỳ mới tại Việt Nam (Ảnh: Thùy Hương).

Chúc mừng ngài Ishikawa Isamu bắt đầu nhiệm kỳ mới tại Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho biết, nhiều chương trình, dự án như: Chương trình Thực tập sinh kỹ năng, Chương trình Lao động kỹ năng đặc định, Chương trình Đưa điều dưỡng viên và hộ lý Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản theo Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA)... đã được Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với phía Nhật Bản triển khai và đạt nhiều kết quả. 

“Số lao động Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản chiếm trên 50% số lao động đi làm việc ở nước ngoài hàng năm. Đây là kết quả rất tích cực, thể hiện chương trình phái cử và tiếp nhận thực tập sinh, lao động Việt Nam sang Nhật Bản đã có sự phát triển vượt bậc thời gian gần đây”, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan nhấn mạnh.

Nhằm tăng cường, thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực lao động, đào tạo nguồn nhân lực, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan đề nghị cơ quan chức năng phía Nhật Bản sớm triển khai việc đàm phán với cơ quan chức năng phía Việt Nam để tiến đến ký kết Thỏa thuận hợp tác cấp chính phủ (MOC) về phái cử và tiếp nhận người lao động theo Chương trình Đào tạo lao động;

Đồng thời, đề nghị Nhật Bản bổ sung vào kế hoạch tổ chức kỳ thi đối với lao động kỹ năng đặc định tại Việt Nam trong 2 ngành nghề phục vụ nhà hàng và sản xuất thực phẩm, đồ uống - những ngành nghề nhiều lao động Việt Nam mong muốn được làm tại Nhật Bản.

Về Dự án “Hỗ trợ kết nối thông tin việc làm cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng” phối hợp với JICA thực hiện, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan mong muốn hai bên đẩy nhanh tiến độ để dự án về đích trước năm 2027 nhằm cung cấp thông tin về thị trường đầy đủ chính xác cho người lao động, giảm bớt khâu trung gian, giảm chi phí cho người lao động.

Liên quan đến Hiệp định BHXH giữa Việt Nam và Nhật Bản, Thứ trưởng mong muốn và đề nghị hai bên thúc đẩy nhanh hơn để tiến tới Hiệp định được ký kết và có hiệu lực. 

Ghi nhận và đồng tình với những ý kiến của Thứ trưởng, ngài Phó Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam cam kết trong nhiệm kỳ mới tại Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ LĐ-TB&XH nhằm tăng cường, thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực lao động, đào tạo nguồn nhân lực giữa hai nước.

Tiếp tục hoàn thiện Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực lao động và xã hội giữa Việt Nam và Ba Lan

Lao động Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản và Ba Lan có thu nhập tốt - 2
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan trao đổi với Đại biện lâm thời Ba Lan tại Việt Nam (Ảnh: T.G)

Cùng ngày, tại buổi tiếp bà Justyna Pabian, Đại biện lâm thời Ba Lan tại Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho biết, từ năm 2018 đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã đưa khoảng 1.400 lao động đi làm việc tại Ba Lan.

Đặc biệt trong năm 2022, số lao động Việt Nam được đưa đi làm việc tại Ba Lan là 551 lao động, chiếm 40% tổng số lao động làm việc tại thị trường này từ năm 2018 đến nay.

Lao động Việt Nam làm việc tại Ba Lan trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, thực phẩm với các ngành nghề chủ yếu là thợ hàn, thợ xây, thợ sơn, công nhân chế biến thực phẩm, vệ sinh công nghiệp, thợ làm bánh… Phần lớn lao động Việt Nam làm việc tại Ba Lan có việc làm và thu nhập tương đối ổn định, thích nghi nhanh với điều kiện sinh sống và làm việc tại đây. Đến nay, 24 doanh nghiệp đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại Ba Lan.

Trao đổi về hợp tác giữa hai quốc gia trong lĩnh vực lao động và xã hội, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan thông tin, năm 2022, Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam và Bộ Gia đình, Lao động và Chính sách xã hội Ba Lan đã cùng nhau trao đổi, thảo luận xây dựng “Bản ghi nhớ giữa hai Bộ về hợp tác trong lĩnh vực lao động và xã hội”.

“Theo kế hoạch, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung sẽ có chuyến công tác sang Hy Lạp và Ba Lan vào cuối tháng 9. Tuy nhiên, do tình hình ứng phó, khắc phục hậu quả do thiên tai, chuyến công tác sẽ dời sang thời điểm thích hợp. Dự kiến trong dịp Bộ trưởng Đào Ngọc Dung sang thăm và làm việc tại Ba Lan, hai bên chưa tiến hành ký kết Bản ghi nhớ do phía Ba Lan chưa thông qua Chiến lược di cư mới giai đoạn 2025 - 2030.

Tuy nhiên, việc tăng cường gặp gỡ ở các cấp bộ, ngành liên quan giữa hai nước (Quốc hội, các bộ, ngành) để vận động chính sách, tìm hiểu thêm về thị trường tiềm năng này và hoàn thiện Bản ghi nhớ trên trong chuyến công tác là rất cần thiết nhằm chuẩn bị cho việc ký kết nhân dịp lãnh đạo cấp cao Việt Nam thăm chính thức Ba Lan”, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan thông tin.

Đồng thời đề nghị bà Justyna Pabian trao đổi với Bộ Gia đình, Lao động và Chính sách Xã hội Ba Lan sớm chọn thời điểm phù hợp để hai Bộ ký Bản ghi nhớ nhân kỷ niệm 75 năm Việt Nam và Ba Lan thiết lập quan hệ ngoại giao (1950 - 2025).

Liên quan đến việc cấp thị thực (visa) cho lao động Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan đề nghị bà Justyna Pabian và các cộng sự tại Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan tạo thuận lợi trong việc đăng ký, phỏng vấn và cấp visa cho người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước bạn trong thời gian tới.

Trao đổi với Thứ trưởng, Đại biện lâm thời Ba Lan tại Việt Nam  đánh giá cao những đóng góp tích cực của cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan, khẳng định cộng đồng người Việt cần cù, chịu khó, đoàn kết và luôn là cầu nối vững chắc cho quan hệ hai nước. 

Về việc cấp visa, bà Justyna Pabian cho biết, thủ tục cấp visa của Ba Lan giống tất cả các nước thành viên trong Liên minh châu Âu nên cũng bị hạn chế bởi nguyên tắc chung của EU. 

Đại biện lâm thời Ba Lan tại Việt Nam khẳng định sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng của hai bên để chuyến thăm của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung sang Ba Lan trong thời gian tới được thuận lợi và đạt kết quả cao, đồng thời sẽ có đề xuất về các cơ chế triển khai cho hợp tác về lao động, góp phần củng cố và thắt chặt hơn nữa quan hệ truyền thống hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa hai nước.

Thuỳ Hương

Báo Lao động và Xã hội số 116