Sự mất cân đối nhân lực theo vùng miền khiến nhiều khu vực tăng trưởng nóng về khách du lịch nhưng chất lượng dịch vụ thấp và không ổn định.
Thiếu về số lượng, yếu về chất lượng
Theo Tổng cục Thống kê, doanh thu hoạt động dịch vụ quý I tăng cao nhờ sự đóng góp tích cực của ngành du lịch. Tính chung quý I, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 195.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, để đạt mục tiêu, ngành du lịch đòi hỏi nhiều hơn về chất lượng nguồn nhân lực - đóng vai trò tiên quyết trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.
Tình trạng dịch chuyển lao động, "chảy máu" nhân lực du lịch sang các ngành khác diễn ra mạnh mẽ không chỉ trong đại dịch mà còn sau đại dịch, đã để lại khoảng trống về nhân lực của ngành du lịch.
Trong khi đó, nhiều lao động chuyển ngành đã tìm được công việc mới ổn định nên cũng không muốn quay trở lại. Ðiều này khiến ngành du lịch phải đối mặt với thách thức rất lớn trong việc phục hồi, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của thị trường đang nóng lên từng ngày.
Báo cáo của 46/63 địa phương cuối năm 2023 về thực trạng nguồn nhân lực du lịch cho thấy, hầu hết tỉnh, thành phố là trọng điểm du lịch như: Hà Nội, TPHCM, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Ninh Bình… đều rơi vào cảnh thiếu lao động.
Chỉ một số ít địa phương như: Ðà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Cà Mau... đánh giá nguồn nhân lực tạm thời đáp ứng được yêu cầu phục vụ khách du lịch do lượng khách phục hồi chậm, công suất buồng phòng còn thấp.
Về nhu cầu nhân lực, bà Cao Thị Ngọc Lan cho biết, để đạt công suất trên 70% cơ sở lưu trú, ngành du lịch cần khoảng 485.000 lao động, trong đó nhân sự quản trị cần khoảng 45.000 người. Dự báo tăng trưởng du lịch Việt Nam 10 năm tới khá lạc quan.
Đến năm 2025, riêng tổng cầu về lao động khối cơ sở lưu trú du lịch là hơn 800.000 và năm 2030 là hơn 1 triệu. Như vậy, giai đoạn 2022-2030, trung bình cần bổ sung mỗi năm trên 60.000 lao động.
Trong khi đó, hàng năm, các trường chỉ đào tạo được 20.000 sinh viên, trong đó tỷ lệ lao động du lịch được đào tạo chuyên nghiệp còn thấp, chỉ chiếm 43% tổng số lao động du lịch và gần một nửa không biết ngoại ngữ.
Theo Tổng giám đốc Công ty Thương mại dịch vụ Dân chủ Hà Nội Nguyễn Hồng Hải, dịch Covid-19 đã khiến ngành khách sạn mất khoảng 20-30% nhân viên nên rơi vào tình trạng "đói" lao động.
Không chỉ thiếu về số lượng, chất lượng nhân lực của ngành khách sạn cũng còn hạn chế, nhất là về ngoại ngữ, kỹ năng mềm, kinh nghiệm thực tế.
Theo Tổng giám đốc Công ty VietSense Travel Nguyễn Văn Tài, do thời gian “đóng băng” du lịch quá dài, người lao động không có điều kiện thường xuyên mài giũa kỹ năng nghiệp vụ, khả năng ngoại ngữ, dẫn đến chất lượng nhân lực suy giảm.
Chuẩn hóa chương trình đào tạo
Theo Tổng cục Du lịch, Việt Nam có gần 200 cơ sở đào tạo nghề du lịch, trong đó: 62 trường đại học có khoa du lịch, 55 trường cao đẳng, 71 trường trung cấp, 4 trung tâm dạy nghề.
Tuy nhiên, công tác đào tạo nhân lực du lịch còn khoảng cách khá xa về chất lượng so với yêu cầu của doanh nghiệp và xã hội...
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch Nguyễn Anh Tuấn, để duy trì phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, doanh nghiệp cần chủ động tham gia vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao với các hệ thống đào tạo trong nước và quốc tế…
Ở chiều ngược lại, cơ sở đào tạo phải thu hút đầu tư vào hệ thống đào tạo, cơ sở vật chất đội ngũ giảng dạy; đưa vào chương trình đào tạo kiến thức mới về các loại hình du lịch mới…
Bên cạnh việc đẩy mạnh đào tạo, Nhà nước nên có chính sách thu hút, khuyến khích nhân lực du lịch có kinh nghiệm đã chuyển nghề quay lại làm việc.
Theo PGS, TS Bùi Thanh Thủy, Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, các bộ, ngành, địa phương cần điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo du lịch bảo đảm phù hợp sự phát triển của từng vùng, miền;
Đồng thời, hình thành bộ phận đào tạo du lịch ở các trường nghề của địa phương; khuyến khích mở cơ sở đào tạo du lịch ở các doanh nghiệp, ngoài công lập, có vốn đầu tư của nước ngoài và cần đa dạng hóa phương thức đào tạo:
Tại chỗ, từ xa, phối hợp các doanh nghiệp xây dựng trường học thực hành, học, thi tại cơ sở; đào tạo theo chương trình liên kết hay chương trình nhượng quyền, đào tạo qua mạng… tạo môi trường thuận lợi cho người học.
TS Nuno Ribeiro, Trưởng nhóm Nghiên cứu ngành quản trị du lịch và khách sạn (Đại học RMIT) hiến kế, trước mắt, cần ưu tiên xây dựng và thực hiện chuẩn hóa chương trình đào tạo nhân lực du lịch phù hợp các hệ thống tiêu chuẩn khu vực và quốc tế về lao động.
Để lấp khoảng trống thiếu nhân sự du lịch trong ngắn hạn, doanh nghiệp có thể tuyển mới lao động từ những ngành nghề liên quan để đào tạo.
Hà Phương