Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Lễ bàn giao, tiếp nhận 10 trường thuộc Bộ Xây dựng về trực thuộc Bộ LĐ-TBXH

Thành Công
Thành Công

(Dân sinh) - Để thực hiện nhiệm vụ đổi mới và phát triển giáo dục nghề nghiệp, đối với 10 trường cao đẳng, trung cấp trực thuộc Bộ Xây dựng chuyển về trực thuộc Bộ LĐ-TB&XH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu các trường tới đây nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt và liên thông.

Chiều ngày 26/6, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng và Bộ LĐ-TB&XH tổ chức bàn giao, tiếp nhận 10 trường cao đẳng, trung cấp trực thuộc Bộ Xây dựng về trực thuộc Bộ LĐ-TB&XH theo Quyết định số 996/QĐ-TTg ngày 25/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ. 

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị chủ trì buổi lễ.

2.jpg
Lễ ký kết biên bản bàn giao, tiếp nhận 10 trường cao đẳng, trung cấp trực thuộc Bộ Xây dựng về trực thuộc Bộ LĐ-TB&XH (Ảnh: Tống Giáp).

 

Phát biểu tại Lễ bàn giao, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, 10 trường được bàn giao hôm nay đều là những đơn vị có bề dày hình thành và phát triển, thời gian gắn bó lâu dài với Bộ Xây dựng.

Ngay sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Xây dựng đã tổ chức hội nghị triển khai việc chuyển nguyên trạng các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Xây dựng về Bộ LĐ-TB&XH.

Để công tác chuyển giao thuận lợi, Bộ đã chỉ đạo Vụ Kế hoạch - Tài chính phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ và Vụ Khoa học công nghệ và môi trường rà soát tình hình thực hiện các nhiệm vụ, quản lý tài chính của các đơn vị chuyển giao;

Các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ, nỗ lực triển khai, đến hôm nay hai Bộ tiến hành Lễ ký kết bàn giao, tiếp nhận, đảm bảo quá trình hoạt động của các đơn vị không bị gián đoạn.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị tin tưởng, sau khi được bàn giao về Bộ LĐ-TB&XH, các Trường vẫn sẽ tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Xây dựng nói riêng, đất nước nói chung.

3.jpg
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị chủ trì buổi lễ. (Ảnh: Tống Giáp).

 

Tại buổi lễ, bà Đào Thị Thanh Yên, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng xây dựng số 1 đại diện cho 10 trường chuyển giao chia sẻ một số tâm tư, nguyện vọng, đồng thời khẳng định, tập thể cán bộ, giảng viên, người lao động các đơn vị chuyển giao nghiêm túc chấp hành sự chỉ đạo, phân công của Đảng, Nhà nước, Chính phủ. 

“Đồng thời, luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới. Ở bất kỳ vị trí nào cũng sẽ nỗ lực hoàn thành tốt nhất vai trò, trách nhiệm được giao”, nữ Hiệu trưởng nói.

Vui mừng khi tiếp nhận 10 trường cao đẳng, trung cấp trực thuộc Bộ Xây dựng về trực thuộc Bộ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp có bề dày phát triển. 

Ông cho hay, lịch sử phát triển Giáo dục nghề nghiệp có giai đoạn trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng, có giai đoạn trực thuộc Bộ GD&ĐT, hơn 30 năm trực thuộc Bộ LĐ-TB&XH, rồi lại cả Bộ LĐ-TB&XH và Bộ GD&ĐT.

Đến năm 2017, theo sự phân công của Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH được giao quản lý Nhà nước về lĩnh vực Giáo dục nghề nghiệp, điều đó được chính thức hóa trong Luật Giáo dục, và Luật Giáo dục nghề nghiệp cũng như Bộ Luật Lao động về quản lý Nhà nước khối này.

Ông Dung nhấn mạnh, Bộ LĐ-TB&XH có 64 đơn vị, trong đó có 21 đơn vị quản lý nhà nước, giúp việc trực tiếp cho Bộ trưởng, và trên 40 đơn vị sự nghiệp. Tổng số công chức, viên chức, người lao động trên 4.000 người. 

4.jpg
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tin tưởng, tất cả 10 trường khi chuyển giao về Bộ LĐ-TB&XH quản lý nhà nước, các trường sẽ năng động, đổi mới hơn và hoạt động hiệu quả hơn. (Ảnh: Tống Giáp).

 

“Việc bàn giao hôm nay, là bàn giao đơn vị chủ quản từ Bộ Xây dựng về Bộ LĐ-TB&XH. Từ nay chủ quản là Bộ LĐ-TB&XH, nhưng chắc chắn Bộ Xây dựng vẫn sẽ quan tâm đến 10 trường này, bởi đây vẫn là những “địa chỉ đỏ” đào tạo nhân lực chính cho ngành xây dựng; Thì sự chuyển giao này giúp chúng ta “thuận lợi hơn, chứ không phải khó khăn hơn”, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung.

Do đó, đây là bàn giao nguyên trạng về quản lý Nhà nước, còn tất cả các trường vẫn giữ nguyên toàn bộ, chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện và về mọi mặt, về tổ chức, tài chính, con người… không có gì thay đổi, và đây là chủ trương đúng. 

"Về mặt quản lý nhà nước thì Bộ LĐ-TB&XH vẫn đang thực hiện quản lý với 1.982 cơ sở Giáo dục nghề nghiệp”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, tiến tới xây dựng các mô hình trường điểm, không làm đại trà, bởi với 1.982 cơ sở Giáo dục nghề nghiệp, sẽ phấn đấu khoảng 45% là trường tư thục, còn lại công lập chiếm phần nhỏ. 

“Hướng tới, mỗi tỉnh thành chỉ có 1 trường cao đẳng đa ngành, đa nghề, đa chương trình; và trong trường cao đẳng có cả hệ trung cấp và hệ sơ cấp”, ông Dung nói.

Đối với 10 trường cao đẳng, trung cấp chuyển giao, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu các trường phải nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt và liên thông trong thời gian tới. 

Ngược lại, Bộ trưởng cho biết, Bộ LĐ-TBXH sẽ sẵn sàng “phục vụ” các trường để các trường hoạt động tốt hơn.

Bộ trưởng cam kết, Bộ LĐ-TB&XH và cá nhân Bộ trưởng sẽ tạo điều kiện tối đa cho các trường hoạt động theo đúng tinh thần Chỉ thị 21 của Ban Bí thư, làm sao để Giáo dục nghề nghiệp phải “thực học, thực hành, thực nghiệm”.

Và cuối cùng, Bộ trưởng kỳ vọng và tin tưởng, tất cả 10 trường khi chuyển giao về Bộ LĐ-TB&XH quản lý nhà nước, các trường sẽ năng động, đổi mới hơn và hoạt động hiệu quả hơn.

Tại Quyết định số 996/QĐ-TTg, ngày 25/8/2023, Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển nguyên trạng các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Xây dựng sau đây về Bộ LĐ-TB&XH quản lý, bao gồm: 

Trường Cao đẳng xây dựng số 1 

Trường Cao đẳng xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh

Trường Cao đẳng xây dựng công trình đô thị

Trường Cao đẳng xây dựng Nam Định

Trường Cao đẳng nghề Việt - Xô số 1 

Trường Cao đẳng công nghệ quốc tế LILAMA 2

Trường Cao đẳng cơ giới xây dựng 

Trường Cao đẳng nghề xây dựng

Trường Cao đẳng kỹ thuật và nghiệp vụ Hà Nội 

Trường Trung cấp nghề Cơ khí xây dựng.

Nội dung bàn giao nguyên trạng toàn bộ: tổ chức, nhân sự; cơ sở vật chất, trang thiết bị; tài chính, tài sản, đầu tư và các nội dung khác có liên quan đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.