Tuy nhiên, không ít trẻ cũng phải đối mặt với những áp lực vô hình, từ việc bị so sánh, đánh giá cao hơn bạn bè, đến những kỳ vọng lớn từ gia đình và xã hội. Chính những điều này đã tạo ra cả động lực lẫn thách thức với trẻ có bố mẹ làm nghề giáo.
Lợi thế khi có bố mẹ là giáo viên
Các nghiên cứu trong lĩnh vực giáo dục và tâm lý học cho thấy, trẻ em nhận được nhiều lợi ích khi có cha mẹ là giáo viên. Trẻ em được tiếp cận sớm với phương pháp giáo dục khoa học và phát triển tư duy một cách bài bản.
Trẻ được giáo dục sớm: Một trong những lợi thế khi có bố mẹ làm giáo viên là trẻ được giáo dục sớm và có bài bản. Việc áp dụng phương pháp giáo dục sớm không chỉ dừng lại ở việc dạy trẻ biết đọc, biết viết sớm mà còn bao gồm khuyến khích sự khám phá, phát triển khả năng tư duy sáng tạo và xây dựng các kỹ năng xã hội cần thiết.
Giáo dục sớm không nhằm tạo áp lực mà giúp trẻ phát triển tự nhiên, đồng thời nuôi dưỡng niềm yêu thích học tập, tạo nền tảng cho thành công trong tương lai.
Giúp trẻ hiểu sâu sắc hơn về ý nghĩa của giáo dục: Có cha mẹ là giáo viên, trẻ dễ dàng nhận ra giá trị của giáo dục qua các tài liệu, sách vở và hành vi chuẩn mực của họ. Lối sống văn hóa và thái độ đối với tri thức của cha mẹ ảnh hưởng trực tiếp đến cách trẻ hiểu về giáo dục và khơi gợi niềm đam mê học hỏi.
Kiềm chế hành vi nổi loạn: Con không đến trường, bỏ tiết, đánh nhau, điểm kém… là một trong những lo ngại của các bậc phụ huynh về tính kỷ luật, sự an toàn của trẻ mỗi ngày.
Là giáo viên, thông qua những kênh tin tức nội bộ, cha mẹ có thể dễ dàng nắm được hoạt động của con ở trường dù không trực tiếp đứng lớp. Lợi thế này sẽ giúp trẻ “biết sợ” và ý thức hơn với mỗi hành vi của mình ở trường.
Giảm thói quen xấu và củng cố hành vi tích cực: Sự nghiêm khắc cùng kỹ năng gắn kết giữa giáo viên và con cái tạo nền tảng cho hành vi tích cực. Trẻ có cha mẹ là giáo viên thường ít tham gia vào các hành vi nguy hiểm như hút thuốc lá, uống rượu hoặc gặp phải các vấn đề kỷ luật nghiêm trọng.
Ít phải đi học thêm: Khi có cha mẹ là giáo viên, nhất là giáo viên dạy các môn chính, trẻ sẽ ít phải đi học thêm. Với lợi thế về kiến thức cùng phương pháp sư phạm, việc hướng dẫn, kiểm tra và nhắc nhở trẻ thường xuyên về chuyện học hành đúng giờ, ôn tập kiến thức, làm hết bài tập… sẽ giúp trẻ học chắc, hiểu sâu kiến thức ở trên lớp. Đây cũng chính là nền tảng để trẻ có được tính tự chủ, tự giác trong học tập.
Áp lực khi là con của giáo viên
Bên cạnh lợi ích, trẻ em có cha mẹ là giáo viên cũng phải đối mặt với nhiều áp lực từ kỳ vọng của xã hội và chính cha mẹ. Các áp lực này không phải lúc nào cũng dễ dàng ứng phó và chỉ những đứa trẻ trong cuộc mới cảm nhận được.
Áp lực về thành tích: Trẻ em có cha mẹ là giáo viên thường phải chịu áp lực về thành tích, không được phép học “dốt” hoặc phạm lỗi trong học tập.
Bị theo dõi chặt chẽ: Các hành vi sai trái ở trường của trẻ có thể nhanh chóng đến tai cha mẹ, khiến trẻ phải “cẩn thận” hơn trong mọi hành vi.
Áp lực từ dư luận: Khi trẻ đạt thành tích, có thể bị đánh giá là nhờ có cha mẹ làm giáo viên, khiến trẻ cảm thấy không được công nhận một cách công bằng.
Không được phá vỡ quy tắc: Phụ huynh sẽ không cho phép trẻ phá vỡ bất kỳ quy tắc nào, bởi con của giáo viên luôn phải cư xử đúng mực. Điều này có thể khiến trẻ cảm thấy “giằng xé” giữa việc trung thành với bố mẹ và sử dụng “quyền lên tiếng” của học sinh để phàn nàn về mọi thứ.
Bị “kẹt” ở trường: Nếu cha mẹ làm việc cùng trường, trẻ thường phải chờ đợi vì những cuộc họp đột xuất. Phải chờ đợi trong sân trường với cái bụng rỗng có thể khiến trẻ cảm thấy nhàm chán.
Mặc dù những lợi thế và áp lực có thể khác nhau tùy vào hoàn cảnh mỗi gia đình, nhưng có một điều chắc chắn là công việc của cha mẹ luôn đóng vai trò quan trọng trong hành trình trưởng thành của trẻ.
Nhìn từ một góc độ tổng quát, sự đồng hành của cha mẹ làm giáo viên không chỉ mang lại tri thức mà còn truyền tải những giá trị giáo dục sâu sắc. Và dù đối diện với lợi thế hay áp lực, trẻ em có cha mẹ là giáo viên nên tự hào về công việc của cha mẹ mình. Cha mẹ không chỉ truyền đạt tri thức mà còn đóng góp to lớn vào sự phát triển của thế hệ tương lai.
Quang Hưng
Ấn phẩm Vì trẻ em số 21