Lớp học đặc biệt
Chiều muộn dần buông xuống, trong cái giá lạnh nơi rẻo cao, nơi mà ngày đến sớm, đêm về muộn ở huyện vùng cao Mường Lát (Thanh Hóa), những dải mây mù dày đặc như nặng hơn, chìm xuống, vần vũ bao quanh sườn núi vùng biên giới. Ánh đèn pha từ chiếc xe ô tô chở đoàn chúng tôi ngược về phía biên giới như lọt thỏm giữa màn đêm của núi rừng. Phải mất gần một giờ từ Đồn biên phòng Quang Chiểu vượt núi qua những khúc cua khúc khuỷu đoàn chúng tôi mới đến được trung tâm bản Lách, xã Mường Chanh.
Nằm ép mình hai bên sườn núi, trung tâm bản Lách như bé nhỏ hơn giữa bốn bề của núi rừng. Những nóc nhà sàn nằm san sát nhau được thắp sáng bởi những ngọn đèn tiết kiệm điện compact nhìn xa chẳng tỏ mặt người. Trong không gian vắng lặng của núi rừng, những tiếng đồng thanh đánh vần "ê, a" của một lớp học đặc biệt phía sườn đồi như càng rõ hơn.
7 giờ tối, sau khi sắp xếp hết công việc gia đình, những người học trò đặc biệt của lớp xóa mù chữ lại tập trung về khu trường lẻ Chai – Lách, của trường Tiểu học xã Mường Chanh để học chữ. Nói là lớp học đặc biệt bởi có những đứa trẻ chưa dứt hơi sữa cũng theo bố mẹ lên lớp, có những gia đình cả nhà hay những ông bố, bà mẹ, trưởng bản cũng theo học. Và càng đặc biệt hơn khi người đứng lớp lại là những thầy giáo "mang quân hàm xanh" của Đồn biên phòng Quang Chiểu.
Có mặt đều đặn vào buổi tối tại lớp học để lo điện thắp sáng, theo dõi sĩ số lớp và làm "người phiên dịch", trưởng bản Lách Trịnh Văn Sôm (56 tuổi) cho biết: "Bản Lách có 53 hộ với 255 nhân khẩu đều là người Khơ Mú. Do điều kiện kinh tế khó khăn, người dân định cư ở vùng đồi núi cao, lại là một trong những bản xa nhất trong địa giới tỉnh Thanh Hóa (bản cách TP Thanh Hoá gần 300 km) nên nhiều người dân nơi đây thất học, tỉ lệ tái mù chữ cao. Dù đã biết đọc, biết viết nhưng ngày nào tôi cùng phó bản Lương Văn Mày đều đến lớp học với dân bản. Hầu hết các anh chị em ở lớp học đặc biệt này đều là người lớn tuổi ở bản Lách và một số ít ở bản Chai, xã Mường Chanh. Sau những giờ làm việc vất vả trên nương rẫy, cứ đến giờ, các anh chị em trong bản ới nhau cắp sách vở đi học. Lớp học bắt đầu lúc 19h đến 21h, đều đặn từ thứ 2 đến thứ 6. Các anh cán bộ đồn biên phòng rất nhiệt tình, từ đồn biên phòng Quang Chiểu lên đây hơn chục km, nhưng hôm nào các chiến sỹ cũng lên dạy cho bà con. Bà con cũng nhiệt tình tham gia lớp học" – ông Sôm cho biết.
Nói tiếng kinh chưa thành thạo, phải nhờ đến trưởng bản làm phiên dịch, chị Cút Thị Bao (38 tuổi) cho biết: "Gia đình tôi có 3 người con, đứa con trai đầu và đứa út thì đi làm ở công ty. Đứa thứ hai thì đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan. Giờ tôi cũng đã có 2 đứa cháu nội, một đứa học lớp 3, một đứa học lớp 2. Ngày trước khi đang còn ở với bố mẹ do điều kiện quá khó khăn, hoàn cảnh, không được đi học nên phải lấy chồng sớm. Bây giờ có chủ trương của Đồn biên phòng xóa mù chữ cho nhân dân nên tôi muốn đi học, muốn biết viết, biết đọc. Cả bà, cả cháu nội cùng đi học với nhau" – chị Bao nói.
Cùng với chị Bao, trưởng bản Sôm, phó bản Mày, lớp học này còn có hơn 30 học viên là người bản Lách và bản Chai theo học. Dù ban ngày, các "học sinh đặc biệt" đều phải lao động vất vả trên nương rẫy, nhưng đúng 7 giờ tối hàng ngày, các học viên gác lại công việc gia đình đều đặn tới lớp.
Những thầy giáo mang quân hàm xanh
Lên công tác, gắn bó gần 4 năm với bà con vùng biên, Đại úy Nguyễn Văn Cường, Đội trưởng Đội Hoạt động quần chúng Đồn Biên phòng Quang Chiểu – một trong 3 người trực tiếp đứng lớp tại khu trường lẻ Chai – Lách cho biết: "Thực hiện chương trình Bộ đội biên phòng đồng hành cùng phụ nữ vùng biên, sau khi rà soát tỉ lệ tái mù chữ tại các địa bàn, chúng tôi xác định bản Lách có tỉ lệ tái mù chữ cao, vì thế Đồn Biên phòng Quang Chiểu đã xây dựng kế hoạch báo cáo với Phòng Giáo dục và Đào tạo của huyện rồi triển khai lớp học tại bản này. Để mở lớp học này, các chiến sĩ phải cắt rừng, lội suối nhiều tuần liền, tới từng bản, từng nhà để vận động người dân đi học. Lúc đầu, do tâm lý e ngại, tự ti nên lớp học chỉ hơn chục người. Nhưng dần dần, người nọ rủ người kia và ai cũng hiểu được ý nghĩa của việc đi học chữ nên lớp ngày càng đông, anh e chúng tôi cũng phấn khởi hơn" – Đại úy Cường cho biết.
Đại úy Cường cũng chia sẻ: "Điều khó khăn nhất trong việc dạy lớp xóa mù chữ là khác biệt ngôn ngữ và độ tuổi chênh lệch. Có những người tuổi đã quá cao, có những cháu 9-10 tuổi cũng theo học lớp này. Trong khi đó, đa phần các học viên không nói được tiếng Kinh, thầy giáo lại là những người Kinh, người Thái nên những lời giáo viên truyền đạt người học không hiểu được hết. Anh em cán bộ trong Đồn lại không phải người được đào tạo bài bản về nghiệp vụ sư phạm. Quá trình học tập tại trường Sỹ quan chính trị và tại nơi công tác hầu hết anh em cán bộ đều phải tự học, tự nghiên cứu giáo án nghiệp vụ sư phạm.
Lớp chủ yếu là phụ nữ lớn tuổi, mục đích họ tới lớp cũng chỉ để biết đọc, biết viết, cộng trừ nhân chia thành thạo nên khi soạn giáo án, anh em chúng tôi thường sử dụng từ ngữ đơn giản, dễ hiểu, gần gũi mà người dân thường gặp trong giao tiếp để truyền đạt.
Những ngày đầu, việc tập trung các học viên đến lớp còn khó khăn vì nhiều người đi nương rẫy, nhưng một thời gian làm quen lớp học, các chị em đã tự giác đến lớp đúng giờ, các giờ học cũng chăm chú và tập trung nghe giảng. Hiện tại nhiều học viên đã có thể đánh vần được mặt chữ và tự viết được tên mình. Trong vòng 3 năm nay, cùng với các lực lượng khác, chúng tôi đã mở được 2 lớp xóa mù chữ, một lớp ở bản Lách xã Mường Chanh và một lớp ở bản Con Dao – Suối Tút, xã Quang Chiểu"- Đại úy Cường nói.
Học chữ để phát triển kinh tế
Không chỉ giúp bà con học chữ, trong các buổi học, các chiến sĩ Đồn Biên phòng Quang Chiểu còn lồng ghép các mô hình làm kinh tế giỏi để giúp bà con trong công tác xóa đói giảm nghèo, tổ chức các buổi giao lưu văn hóa theo lối sống văn minh. Đặc biệt, Đồn cũng tập trung tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, góp phần nâng cao ý thức người dân cùng lực lượng vũ trang bảo vệ an ninh trật tự khu vực biên giới.
"Thông qua các buổi học, chúng tôi thường lồng ghép các chương trình, cách làm kinh tế, áp dụng các tiến bộ khoa học như trồng lúa nước thế nào, nuôi lợn ra sao... để lớp học thêm phong phú, thiết thực. Qua đó bà con dân bản vừa biết chữ, lại có thêm kiến thức để phát triển kinh tế gia đình" - Thiếu tá Lê Thế Chiến, Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng Quang Chiểu nói.
Các học viên đặc biệt của lớp xóa mù chữ
Sau một thời gian theo học, biết đọc, biết viết, lại có thể tính toán, chị Cút Thị Yêng (SN 1991) ngụ bản Lách cho biết: "Vì không biết chữ mà việc giao tiếp hằng ngày gặp nhiều khó khắn. Trước đây em có đi học nhưng không biết được nhiều. Tuy nhiên, sau gần 1 tháng tham gia lớp học này, em đã có thể viết được tên mình, biết cộng trừ nhân chia những bài toán cơ bản. Được đi học thế này tốt lắm. Nhờ biết chữ, biết làm tính mà việc bán ngô, bán sắn hằng ngày của gia đình hay việc giao tiếp với người dưới xuôi cũng đỡ vất vả hơn trước" - chị Yêng hào hứng nói.
Đã có chồng và 3 đứa con, cuộc sống gia đình vẫn còn khó khăn vất vả, thế nhưng chị Lương Thị Yên (29 tuổi) vẫn hăng hái đến lớp học với khát khao được biết chữ. Chị Yên kể rằng ngày nhỏ, do gia đình nghèo, đông anh em, lại phải ở nhà phụ giúp bố mẹ làm nương rẫy nên không được đi học: "Không biết chữ khổ lắm, muốn dùng điện thoại để đọc tin tức, hay gọi điện, nhắn tin cũng không biết. Khi nghe cán bộ đến nhà động viên đi học, tôi liền đăng ký ngay", chị Yên nói.
Chia sẻ tình cảm của mình về những người lính Biên phòng, ông Trịnh Văn Sôm phấn khởi cho biết: "Các anh cán bộ Biên phòng không chỉ nỗ lực bảo vệ vành đai biên giới, đảm bảo trật tự an ninh mà còn giúp đỡ bà con xóa mù chữ và phát triển kinh tế. Cũng nhờ những lớp học này mà người dân khi ra xã làm giấy tờ, có thể tự viết tên mình, không phải điểm chỉ như trước, việc giao thương buôn bán với bên ngoài cũng thuận lợi hơn rất nhiều. Bà con chúng tôi rất biết ơn các chiến sĩ bộ đội biên phòng" - ông Sôm xúc động.
Thiếu tá Lâu Văn Lâu, Chính trị viên phó, Đồn biên phòng Quang Chiểu cho biết: "Cùng với việc giữ vững trật tự, an toàn đường vành đai biên giới, từ năm 1991 tới nay, Đồn đã phối hợp mở 13 lớp, xóa mù cho hơn 600 người dân trong vùng. Các lớp học thường mở từ 3-5 tháng, khi kết thúc khóa học, 100% học viên đều biết đọc, biết viết, sử dụng thành thạo các phép tính cộng, trừ, nhân, chia đơn giản. Thông qua các lớp học, các học viên lại có thêm kiến thức để phát triển kinh tế, xóa đói nghèo. Các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng được tuyên truyền sâu rộng hơn, mối quan hệ giữa Đồn và bà con dân bản ngày càng bền chặt hơn" - Thiếu tá Lâu khẳng định.