Theo đó, Dự thảo nêu rõ, sách giáo khoa được lựa chọn phải thuộc danh mục đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt; mỗi môn học, hoạt động giáo dục ở mỗi khối lớp lựa chọn 1 sách giáo khoa và việc lựa chọn đảm bảo công khai, minh bạch, đúng pháp luật.
Tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa phải phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương và điều kiện tổ chức dạy học tại cơ sở giáo dục phổ thông.
Theo dự thảo, hội đồng lựa chọn sách của cơ sở giáo dục phổ thông sẽ do người đứng đầu thành lập. Mỗi trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông thành lập 1 hội đồng. Đối với trường phổ thông có nhiều cấp học, mỗi cấp học thành lập 1 hội đồng.
Hội đồng này sẽ bao gồm người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện giáo viên dạy các môn học, hoạt động giáo dục có sách giáo khoa lựa chọn, đại diện Ban cha mẹ học sinh trường. Số lượng thành viên hội đồng là số lẻ, tối thiểu là 11 người, trong đó có ít nhất 2/3 là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên.
Hội đồng làm việc theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, khách quan, minh bạch. Cuộc họp của Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa được coi là hợp lệ khi có ít nhất 2/3 số thành viên tham gia, trong đó có Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Thư ký. Sách giáo khoa được lựa chọn phải được trên 50% số thành viên của Hội đồng bỏ phiếu đồng ý.
Dự thảo cũng nêu rõ, người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông công bố công khai danh mục sách giáo khoa được lựa chọn để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông và niêm yết tại cơ sở giáo dục phổ thông trước khi bắt đầu năm học mới ít nhất là 5 tháng.
Cơ sở giáo dục phổ thông có trách nhiệm báo cáo sở hoặc phòng Giáo dục và Đào tạo kết quả lựa chọn sách giáo khoa tùy theo từng cấp quản lý. Cùng với đó, chịu trách nhiệm trước học sinh, cha mẹ học sinh và các cơ quan quản lý giáo dục về quyết định lựa chọn sách giáo khoa.
Mọi ý kiến xin gửi về: Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT, số 35 Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội; địa chỉ thư điện tử: vugdtrh@moet.gov.vn.