Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Một kiến nghị thiếu trách nhiệm với Nhân dân

(Dân sinh) - "Giáo dục nghề nghiệp đang phát triển tốt, ổn định, đúng luật, đúng với chủ trương đường lối của Đảng, đúng với sự phân công của Chính phủ, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế và đang được người dân tin tưởng, doanh nghiệp ghi nhận. Vậy tại sao phải kiến nghị chuyển cao đẳng về Bộ GD&ĐT quản lý, xáo trộn mọi thứ đang ổn định? Đây là một kiến nghị thiếu trách nhiệm với Nhân dân, nếu không nói là vô trách nhiệm", ông Lâm Văn Quản, Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP. Hồ Chí Minh cho biết.

 Một kiến nghị thiếu trách nhiệm với nhân dân  - Ảnh 1.

Thực hành nghề Công nghệ ô tô.

Theo ông Lâm Văn Quản, để có hệ thống giáo dục nghề nghiệp như ngày hôm nay, Đảng, Chính phủ và Quốc hội cũng như các Bộ, ngành, trong đó có cả Bộ GD&ĐT đã nghiên cứu trong nhiều năm, có đủ luận cứ khoa học và thực tiễn xuất phát vì người dân, vì sự phát triển thì Quốc hội mới ban hành luật (Luật Giáo dục nghề nghiệp), Chính phủ mới ra quyết định giao Bộ LĐ-TB&XH quản lý, chứ không phải chuyện tùy tiện. 

"Vậy mà luật vừa ban hành, đang trong quá trình triển khai. Tốn bao nhiêu tiền của của Nhân dân, thì lại kiến nghị thay đổi. Tôi cho rằng đây là một kiến nghị không xuất phát mục tiêu vì Nhân dân, vì sự phát triển an sinh xã hội, việc làm bền vững cho người lao động. Nếu không nói là một kiến nghị vô trách nhiệm với Nhân dân", ông Lâm Văn Quản, Chủ tịch Hội giáo dục nghề nghiệp TP. Hồ Chí Minh, Uỷ viên Ban thường vụ Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề Công tác xã hội Việt Nam bức xúc nói.

Trao đổi về kiến nghị của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, các chuyên gia lâu năm về giáo dục nghề nghiệp (dạy nghề) cho biết, câu chuyện không mới. Đây không phải lần đầu tiên lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp nói chung (trong đó có các trường cao đẳng sau khi về Bộ LĐ-TB&XH quản lý hồi sinh và phát triển) "bị"  kiến nghị chuyển về Bộ GD&ĐT quản lý.

Tuy nhiên thực tế, cả 3 nhiệm kỳ Thủ tướng Chính phủ trước đây: Thủ tướng Phan Văn Khải;Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (từ 1997 - 2020) đều có chung quyết sách giao Bộ LĐ-TB&XH quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.

Theo Liên hiệp quốc, phát triển nguồn nhân lực bao gồm giáo dục, đào tạo và sử dụng tiềm năng con người nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống. Yếu tố con người, vốn con người đã trở thành một nguồn lực quan trọng trong tăng trưởng kinh tế. Nhờ có nền tảng đào tạo nghề, người lao động nâng cao được kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp của mình, qua đó nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập; góp phần đảm bảo an sinh xã hội quốc gia. Đối với nước ta, Hiến pháp năm 1992 và 2013 đã qui định rõ vị trí của giáo dục nghề nghiệp trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Điều 36 Hiến pháp năm 1992 qui định:  "Nhà nước phát triển cân đối hệ thống giáo dục: Giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học và sau đại học, phổ cập giáo dục tiểu học, xoá nạn mù chữ; phát triển các hình thức trường quốc lập, dân lập và các hình thức giáo dục khác"

Khoản 2 và 3 Điều 61 Hiến pháp 2013 qui định: "Nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục; chăm lo giáo dục mầm non; bảo đảm giáo dục tiểu học là bắt buộc, Nhà nước không thu học phí; từng bước phổ cập giáo dục trung học; phát triển giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp; thực hiện chính sách học bổng, học phí hợp lý.

"Nhà nước ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; ưu tiên sử dụng, phát triển nhân tài; tạo điều kiện để người khuyết tật và người nghèo được học văn hoá và học nghề"

Lịch sử phát triển của giáo dục nghề nghiệp đã trải qua 60 năm, trong đó: 40 năm thuộc Bộ LĐ-TB&XH quản lý, 9 năm trực thuộc Chính phủ và 11 năm thuộc Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp quản lý.

Giai đoạn thuộc quản lý của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, dạy nghề phát triển rất hạn chế, bộ máy quản lý ở trung ương chỉ là một bộ phận trong Vụ Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề.

Trước yêu cầu phát triển nguồn nhân lực trực tiếp phục vụ nền kinh tế, ngày 23/5/1998, Chính phủ đã ban hành Nghị định 33/1998/NĐ- CP về việc thành lập Tổng cục Dạy nghề thuộc Bộ LĐ-TB&XH.

Ngày 27/11/2014, Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Giáo dục nghề nghiệp và có hiệu lực từ 1/7/2015.

Ngày 3/9/2016 tại Nghị quyết số 76/NQ -CP, Chính phủ tiếp tục giao Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan quản lý nhà nước về GDNN. Thực hiện sự phân công của Chính phủ, ngày 30/12/2016 Bộ GD&ĐT đã ký Biên bản bàn giao chức năng quản lý nhà nước về GDNN đối với các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp về Bộ LĐ-TB&XH.

Theo đó từ 1/1/2017, Bộ LĐ-TB&XH quản lý toàn bộ cơ sở GDNN cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp (trừ các trường cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm do Bộ GD&ĐT quản lý).

Đánh giá hiệu quả hoạt động GDNN, TS Phan Chính Thức, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN cho biết, kể từ khi tái lập Tổng cục Dạy nghề đến nay, hệ thống GDNN không ngừng được đổi mới, phát triển. Sự phát triển này không phải chỉ nói chung chung mà có tiêu chí đánh giá kiểm định chất lượng rõ ràng. Đến nay, cơ bản đã hình thành được hành lang qui phạm pháp luật về GDNN với Luật Giáo dục nghề nghiệp và hàng trăm văn bản, thông tư, nghị định, chỉ thị, nghị quyết làm cơ sở pháp lý cho GDNN phát triển.

 Mạng lưới cơ sở GDNN, nhất là các trường cao đẳng phát triển và phân bố tương đối hợp lý ở các ngành kinh tế, địa phương, vùng, miền. (Tính đến hết năm 2020, cả nước có 399 trường cao đẳng.Trong đó, gần 100 trường được quy hoạch thành trường chất lượng cao đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt). Các điều kiện bảo đảm chất lượng ngày càng được tăng cường, nhất là các trường cao đẳng với trên 60 trường cao đẳng đạt tiêu chuẩn chất lượng của Úc, Đức, Anh và Mỹ để đào tạo chương trình của nước ngoài tại Việt Nam.

Chất lượng hiệu quả đào tạo đã được nâng lên. Công tác tuyển sinh GDNN những năm gần đây đều đạt và vượt chỉ tiêu đặt ra từ 100,2% đến 100,9%.Tỷ lệ HSSV các cơ sở GDNN ra trường có việc làm đạt 80 – trên 90%. Một số nghề như công nghệ ô tô, điện, tỷ lệ HSSV giáo dục nghề nghiệp ra trường có việc làm đạt trên 80%, một số nghề như hàn, công nghệ ô tô, cơ điện tử, 90 - 100% SV tốt nghiệp có việc làm; trên 80% học sinh, sinh viên trong các chương trình chuyển giao từ nước ngoài đã trở thành những chuyên gia, kỹ thuật viên nòng cốt trong các doanh nghiệp FDI, một số tham gia thị trường lao động nước ngoài.

Việt Nam đã 3 lần đạt giải nhất toàn đoàn trong 10 lần dự thi tay nghề ASEAN, 3 lần đạt huy chương và nhiều chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc tại các cuộc thi tay nghề thế giới. Nổi bật như tại Kỳ thi tay nghề thế giới tổ chức tại Kazan (Nga), Đoàn Việt Nam đã giành 1 Huy chương Bạc, 8 Chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc, đứng thứ 25/63 quốc gia và vũng lãnh thổ dự thi. 

Theo Bộ LĐ-TB&XH, mặc dù chưa có công bố chính thức nhưng trong khu vực ASEAN, trình độ kỹ năng nghề của học sinh, sinh viên Việt Nam luôn được đánh giá trong nhóm đầu các nước trong khu vực.

Ông Thức nhấn mạnh thêm, năm 2019, Chính phủ đã tổ chức Diễn đàn quốc gia Nâng tầm Kỹ năng lao động Việt Nam do đích thân Thủ tướng Chính phủ chủ trì. Chính phủ cũng như nhiều bộ, ngành và các chuyên gia quốc tế đều khẳng định, nguồn nhân lực có kỹ năng là chìa khóa để Việt Nam nâng cao năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.

Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định lấy ngày 4/10 hàng năm là Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam.

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII vừa qua cũng chọn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược để hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng hùng cường của Việt Nam vào năm 2030 - 2045.

Như vậy, sứ mệnh và nhiệm vụ chính trị của giáo dục nghề nghiệp rất nặng nề. Việc đưa ra những kiến nghị thay đổi lúc này thực sự là phản cảm, không xuất phát từ thực tiễn, không vì người học.