Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Một số trường dạy nghề ở Hòa Bình nhiều năm không tuyển đủ chỉ tiêu

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Thời gian qua, tỉnh Hòa Bình đã đẩy mạnh công tác giáo dục nghề nghiệp (GDNN) nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển thị trường lao động.

Tỉnh Hòa Bình có 25 cơ sở đã được kiểm tra, cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động GDNN. Trong đó, 12 cơ sở GDNN, gồm: 6 trường cao đẳng, 4 trường trung cấp, 2 trung tâm giáo GDNN; 13 cơ sở khác có tham gia đào tạo nghề nghiệp. Phân theo loại hình sở hữu có 16 cơ sở công lập, 9 cơ sở tư thục. Các cơ sở GDNN cơ bản đáp ứng nhu cầu giáo dục và đào tạo của tỉnh. 

Thống kê đến tháng 6, quy mô tuyển sinh của các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 19.640 người/năm. Trong đó, quy mô tuyển sinh trình độ cao đẳng là 860 người, trung cấp là 3.780 người, sơ cấp là 6.500 người; đào tạo thường xuyên và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác khoảng 8.500 người. 

Một số trường dạy nghề ở Hòa Bình nhiều năm không tuyển đủ chỉ tiêu - 1
Sinh viên Trường Cao đẳng kỹ thuật công nghệ Hòa Bình thực hành nghề công nghệ ô tô.

Tuy nhiên, cơ cấu tuyển sinh, đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh còn bất cập, chủ yếu vẫn là trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng; chất lượng đầu vào của người học tham gia học nghề thấp, một số cơ sở GDNN có năng lực đào tạo còn hạn chế; công tác tuyển sinh ở một số cơ sở GDNN còn nhiều khó khăn, nhiều năm không tuyển đủ chỉ tiêu; công tác hướng nghiệp trong các trường THCS, THPT chưa được quan tâm đúng mức, kết quả chưa cao...

Để tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng GDNN, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Kế hoạch số 248-KH/TU ngày 26/4/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị 21-CT/TW ngày 4/5/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng GDNN đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.

 Đẩy mạnh hoạt động truyền thông về GDNN, nhân rộng các mô hình đào tạo nghề có hiệu quả, kịp thời biểu dương khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác GDNN.

Tiếp tục rà soát điều chỉnh, bổ sung kịp thời các ngành nghề nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của doanh nghiệp được cụ thể hóa tại các Đề án của tỉnh. Đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị đào tạo có chiều sâu, tập trung chuyên sâu cho các mô đun chuyên ngành, có tính chất kế thừa, phát triển, đặc biệt những nghề trọng điểm quốc gia đã được Bộ LĐ-TB&XH phê duyệt. 

Thực hiện có hiệu quả các dự án, tiểu dự án thuộc 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 về lĩnh vực GDNN. Tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề ở các cấp trình độ, thực hiện tốt công tác kiểm định chất lượng đào tạo.

 Chỉ đạo các cơ sở GDNN hoạt động trên địa bàn tỉnh thực hiện rà soát, chuyển đổi, bổ sung ngành nghề đào tạo phù hợp với thị trường lao động; tập trung các nghề thuộc ngành công nghiệp phụ trợ, dịch vụ hỗ trợ để phát triển ngành công nghiệp khác; đào tạo nguồn nhân lực nhằm giải quyết nhu cầu lao động cho khu công nghiệp, cụm công nghiệp để đảm bảo thanh niên học nghề có việc làm ngay khi tốt nghiệp.

Tăng cường công tác thống kê dữ liệu về thị trường lao động; phân tích dự báo, cung cấp thông tin về cung - cầu lao động làm căn cứ cho các cơ sở GDNN xây dựng và thực hiện mục tiêu, kế hoạch đào tạo đáp ứng nguồn nhân lực tham gia thị trường lao động trên địa bàn tỉnh.

Phương Minh

Báo Lao động và Xã hội số 118