Theo đánh giá của Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH), sau 3 năm triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN) và hỗ trợ phòng ngừa từ Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN, nhìn chung các địa phương đều quan tâm chỉ đạo trong việc tổ chức thực hiện chính sách và sự phối hợp giữa các ban, ngành, các Hội đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về BHXH nói chung, bảo hiểm TNLĐ, BNN nói riêng để mở rộng, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHTNLĐ, BNN. Nhiều doanh nghiệp và NLĐ có chung nhận xét, chính sách bảo hiểm TNLĐ, BNN có lợi và hỗ trợ tốt hơn cho NLĐ như: Giải quyết hưởng trợ cấp một lần cho NLĐ; quy định về hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị TNLĐ khi trở lại làm việc; hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về TNLĐ, BNN. Điều đáng nói, các thủ tục hồ sơ chi trả không phức tạp, thời hạn giải quyết hưởng chế độ khá nhanh và linh hoạt… giúp NLĐ không may bị TNLĐ bớt được phần nào gánh nặng trong cuộc sống.
Báo cáo của Cục An toàn lao động cho thấy, tính đến cuối năm 2018, số người tham gia bảo hiểm TNLĐ, BNN là 14.324.832 người, tăng 7,4% (tương ứng tăng 992.491 người). Số thu quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN là 4.290 tỷ đồng, giảm 18,3% so với năm 2017 (tương ứng giảm 958 tỷ đồng), do mức đóng TNLĐ, BNN giảm từ 1% xuống còn 0,5% trên tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. Thực hiện giải quyết hưởng mới cho 2.872 người, giảm 1,6% so với năm 2017 (tương ứng số người giảm 47 người). Thực hiện giải quyết hưởng mới cho 6.550 người, tăng 18,8% so với năm 2017 (tương ứng với số người tăng 1.037 người).
Về tình hình chi trả bảo hiểm TNLĐ, BNN: Số chi khám giám định thương tật bình quân giai đoạn 2016 – 2018 là 1.840 triệu đồng/năm, giai đoạn 2013 – 2015 chưa phát sinh. Trong số các chế độ chi trả TNLĐ, BNN, số chi trợ cấp TNLĐ, BNN hàng tháng chiếm tỷ trọng lớn nhất là giai đoạn 2016 – 2018, chiếm 65,2% tổng số chi các chế độ từ nguồn quỹ TNLĐ, BNN; giai đoạn 2013 – 2015 chiếm 7,1% tổng số chi các chế độ từ nguồn quỹ TNLĐ, BNN. Số chi phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình chiếm tỷ trọng nhỏ nhất: Giai đoạn 2016 – 2018 chiếm 0,007% tổng số chi các chế độ từ nguồn quỹ TNLĐ, BNN; giai đoạn 2013 – 2015 chiếm 0,001% tổng chi các chế độ từ nguồn quỹ TNLĐ, BNN.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra những khó khăn, vướng mắc về chính sách, thủ tục hành chính. Cụ thể: Hoạt động hỗ trợ điều tra lại các vụ TNLĐ, BNN theo đề nghị của cơ quan Bảo hiểm xã hội chưa được quy định rõ ràng và khó thực hiện; đặc biệt, chưa có quy định cụ thể việc cơ quan Bảo hiểm xã hội đề nghị và việc thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ điều tra lại. Hoạt động hỗ trợ huấn luyện ATVSLĐ còn nhiều vướng mắc do mức hỗ trợ thấp, chỉ 30% mức giá dịch vụ huấn luyện theo quy định. Mức giá huấn luyện theo quy định nhưng không có quy định cụ thể nào đã dẫn đến việc khó khăn trong triển khai thực hiện. Ngoài ra, mức đóng và phương thức đóng bảo hiểm TNLĐ, BNN theo quy định cũng cần xem xét để sửa đổi phù hợp.
Hơn thế, việc quy định thủ tục, hồ sơ khám chữa bệnh của người lao động bắt buộc phải có kết quả quan trắc môi trường của người sử dụng lao động được đánh giá là chưa phù hợp. Do trách nhiệm tổ chức quan trắc môi trường lao động là của người sử dụng lao động, vì vậy, nếu người sử dụng lao động không tiến hành quan trắc hoặc không có hồ sơ quan trắc sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chế độ của người lao động. Do đó, cần phải có quy định trong trường hợp người sử dụng lao động không tiến hành quan trắc hoặc không có hồ sơ quan trắc môi trường lao động…
Theo lãnh đạo Cục An toàn lao động, những vướng mắc nêu trên đã dẫn tới việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN gặp khó khăn từ việc quy định mức hỗ trợ thấp, thủ tục hành chính rườm rà và sự thiếu thốn về nguồn nhân lực, tài chính để triển khai hoạt động tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và công tác quản lý… dẫn tới việc tồn dư quỹ lớn, trong khi nhu cầu được hỗ trợ cao, đã hạn chế khả năng tiếp cận chính sách của các đối tượng, làm giảm hiệu quả chính sách theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động.