Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số

Rào cản ngôn ngữ cùng với phương pháp giảng dạy hạn chế và điều kiện kinh tế khó khăn là hai trong số những nguyên nhân chính dẫn đến việc trẻ em dân tộc miền núi bỏ học hoặc có kết quả học tập kém.

 

Tiết học song ngữ có phụ huynh trợ giảng.


Ngày 23/11/2018, Hà Nội, Aide et Action Vietnam phối hợp với Viện Tư vấn Phát triển Kinh tế Xã hội Nông thôn và Miền núi (CISDOMA) tổ chức Hội thảo tổng kết dự án “Nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số và khó khăn tại Lai Châu, Việt Nam”. Với sự tham dự của 60 đại biểu tới từ Phái đoàn Liên Minh Châu Âu tại Việt Nam, Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT tỉnh Lai Châu, các tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội dân sự, đại diện phụ huynh học sinh và các trường tại 3 xã vùng dự án.

Từ nhiều năm nay, rào cản ngôn ngữ cùng với phương pháp giảng dạy hạn chế và điều kiện kinh tế khó khăn là hai trong số những nguyên nhân chính dẫn đến việc trẻ em dân tộc miền núi bỏ học hoặc có kết quả học tập kém. Để giải quyết vấn đề này, từ năm 2016, Aide et ActionvàCISDOMA đã áp dụng thí điểm phương pháp dạy học lấy trẻ em làm trung tâm, sử dụng bộ tài liệu song ngữ Việt-Mông, để lồng ghép vào các lớp học ngoại khóa tại các trường Mầm non và Tiểu học thuộc vùng dự án.

 

Bộ tài liệu song ngữ.


Nhờ phản ánh rõ nét cuộc sống hàng ngày và tập quán văn hóa của cộng đồng người Mông tại Lai Châu, những bài học song ngữ trong bộ tài liệu này đã góp phần khơi dậy lòng tự tôn dân tộc và tình yêu bản làng của trẻ. “Khi các tiết học có nội dung sinh động và phong phú hơn, tôi thấy các em học sinh cũng hứng thú hơn trong những giờ ngoại khóa mà tôi lên lớp. Chất lượng học tập nhờ đó mà được nâng cao hơn,” cô giáo Ngô Thị Hồng Lam, trường PTDTBT TH Nùng Nàng, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu chia sẻ.

Bộ tài liệu song ngữ còn giúp cải thiện kĩ năng học tập chủ động và sự tự tin của trẻ. Phương pháp dạy học lấy trẻ làm trung tâm giúp khuyến khích trẻ đóng vai trò chính trong hoạt động học tập, khác so với trước đây khi học sinh thường học một cách thụ động và đều do giáo viên chỉ định. Đáng chú ý, theo báo cáo khảo sát gần đây của dự án, tỷ lệ chuyên cần ở trẻ đã tăng từ 96% trong năm 2016 lên 98% vào năm 2018.

 

Trẻ em ỏ Khun Há, Lai Châu.


Ông Phạm Thế Chỉnh, Trưởng phòng Tiểu học (Sở GD&ĐT tỉnh Lai Châu) cho biết, được sự giúp đỡ của dự án, mô hình này cũng đã được Sở phê duyệt để áp dụng tại tất cả các trường mầm non và tiểu học trên toàn tỉnh Lai Châu, nơi tập trung các em dân tộc Mông. Bộ  tài liệu song ngữ sẽ được dùng để dạy trong các tiết học ngoại khóa tại các trường từ năm học 2018.

Do hạn chế về thời gian và quy mô địa lý của dự án, hiệu quả lâu dài từ việc áp dụng các phương pháp này tại các trường chưa được đánh giá hết. Tuy nhiên, tổ chức Aide et Action cam kết sẽ tiếp tục triển khai mô hình này để đảm bảo tính bền vững trong công tác cải thiện chất lượng giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số. Đại diện tổ chức Aide et Action, ông Savy Lach, Giám đốc Vùng Đông Nam Á và Trung Quốc chia sẻ: “Nâng cao chất lượng giáo dục và đầu tư vào chăm sóc trẻ em, đặc biệt là giúp đỡ trẻ em tiếp cận tài liệu học tập bằng tiếng mẹ đẻ, vẫn là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Aide et Action sẽ áp dụng và nhân rộng những thực hành tốt. Kết quả vận động chính sách thành công từ Lai Châu sẽ được phổ biến rộng rãi cho các chương trình về người dân tộc thiểu số của chúng tôi ở Việt Nam cũng như trên toàn khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc”.