Trong thời kỳ 4.0, năng lực thiết kế được xem là một trong những yếu tố có tính chiến lược tạo nên sức cạnh tranh của các sản phẩm, dịch vụ mang tính cá nhân hoặc lớn hơn là các công ty, tập đoàn.
Thiết kế sáng tạo là một hợp phần quan trọng trong nền “kinh tế sáng tạo”, đóng vai trò như một hạt nhân của nền công nghiệp sáng tạo.
Theo học chương trình cử nhân Thiết kế sáng tạo, người học được trang bị năng lực cần thiết để trở thành “nhà sáng tạo” đa năng, vừa có khả năng thiết kế, vừa có hiểu biết dày dặn về văn hóa, nghệ thuật, có trách nhiệm xã hội, tầm nhìn về phát triển bền vững và năng lực quản trị dự án, quản trị kinh doanh… để có thể phát huy hiệu quả tối ưu trong nền kinh tế sáng tạo thời kỳ 4.0.
Bên cạnh đó, học Thiết kế sáng tạo ở Khoa Các khoa học liên ngành, sinh viên sẽ được tiếp nhận kiến thức và triển khai thực hiện theo hướng liên ngành - một xu hướng của toàn thế giới. Khi góc độ nhìn nhận vấn đề đa chiều hơn, khả năng thích ứng trong môi trường đa văn hóa và khả năng hội nhập quốc tế của người làm công tác sáng tạo sẽ được nâng cao.
Chương trình đào tạo cử nhân Thiết kế sáng tạo được xây dựng trên cơ sở góp ý của các chuyên gia đầu ngành tại Việt Nam và tiếp thu kinh nghiệm từ chương trình giảng dạy của các trường đại học hàng đầu thế giới như: Chương trình thiết kế đồ họa và phương tiện tương tác (ĐH Wisconsin, Stout, Hoa Kỳ); Chương trình cử nhân thiết kế đồ họa, Cử nhân thiết kế thời trang, Cử nhân thiết kế không gian (Ecole De Design, CH Pháp); Chương trình cử nhân Thiết kế đồ họa và nghệ thuật truyền thông (Southern New Hampshire University, Anh); Chương trình cử nhân Thiết kế thời trang (ĐH Politecnico Milano, Italy); Chương trình cử nhân nghệ thuật (FIDM, Hoa Kỳ).
Sinh viên tốt nghiệp từ chương trình cử nhân Thiết kế sáng tạo có thể làm việc ở cả khối nhà nước, khối tư nhân và khối phi chính phủ, cụ thể tại một số cơ quan, đơn vị, tổ chức của Nhà nước và tư nhân hoạt động trong lĩnh vực Thiết và phát triển sản phẩm.
Vị trí việc làm mà sinh viên có thể đảm nhiệm sau khi tốt nghiệp gồm: Nhân viên thiết kế; Chuyên viên sáng tạo; Giám sát và Quản lý thiết kế; Giám đốc Sáng tạo; Giám đốc Thiết kế; Giảng dạy và Nghiên cứu: Giảng dạy về lĩnh vực Thiết kế trong các cơ sở đào tạo; Nghiên cứu khoa học thuộc các lĩnh vực về chuyên ngành Thiết kế và Mỹ thuật ứng dụng ở các Viện nghiên cứu, các trung tâm và cơ quan nghiên cứu của các Bộ, ngành, các trường Đại học và Cao đẳng trong và ngoài nước; Kinh doanh và Khởi nghiệp: Phát triển ý tưởng và tạo dựng doanh nghiệp kinh doanh và khởi nghiệp, cung cấp dịch vụ thiết kế và sáng tạo; Làm các công việc kỹ thuật, quản lý chất lượng, tại các sở sản xuất sản phẩm thiết kế đa phương tiện hoặc đồ họa; Làm việc ở các cơ quan quản lý có liên quan đến ngành mỹ thuật công nghiệp và văn hoá nói chung.
Cử nhân Thiết kế sáng tạo có thể học lên cao học các ngành liên quan đến Mỹ thuật ứng dụng, kiến trúc và các chuyên ngành phù hợp khác trong danh mục thống kê ngành đào tạo của Bộ GD&ĐT.
Ngày 31/3, Khoa Các khoa học liên ngành (SIS), Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Lễ ra mắt chương trình đào tạo cử nhân thiết kế sáng tạo, nhằm góp phần nào đáp ứng nhu cầu xã hội đối với nguồn nhân lực về các lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật.