Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Nhà trường khổ vì học sinh, phụ huynh không đến nhận bằng

(Dân sinh) - Số lượng bằng tốt nghiệp trung học phổ thông của các thế hệ học sinh lưu giữ tại văn phòng nhà trường ngày càng nhiều mà vẫn chưa thấy có chủ nhân đến nhận.

Trường Trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng (thành phố Quảng Ngãi) mỗi năm có từ 500 đến 700 học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông.

Gần một năm sau khi thi tốt nghiệp trung học phổ thông, các em đỗ tốt nghiệp có thể tự đến lấy bằng hoặc ủy quyền cho người thân (có giấy tờ hợp lệ) đến trường mình học để nhận hộ bằng tốt nghiệp (bản chính và các bản sao).

Nhưng có một thực tế là, số lượng bằng tốt nghiệp trung học phổ thông của các thế hệ học sinh được trường lưu giữ tại văn phòng nhà trường ngày càng nhiều mà vẫn chưa thấy có người thân hoặc chủ nhân của nó đến nhận.

Nhiều tấm bằng tốt nghiệp trung học phổ thông cấp cách đây đã trên 20 năm, cho những khóa học sinh tốt nghiệp đầu tiên của nhà trường vẫn còn nằm im ỉm trong các ngăn, hộp đựng hồ sơ, văn bằng của nhà trường.

Nhà trường khổ vì học sinh, phụ huynh không đến nhận bằng - Ảnh 1.

Số lượng bằng tốt nghiệp trung học phổ thông lưu giữ tại văn phòng nhà trường ngày càng nhiều mà không ai đến nhận.

Các năm trước đây, đến mùa mưa, bão, nước lụt đổ về, ngập trường, lớp, cán bộ, thầy cô giáo túc trực bão lụt lo ngay ngáy, phải vất vả tìm mọi cách khuân, chuyển những hồ sơ, văn bằng quan trọng lên tầng lầu hoặc ôm qua nhờ gửi bên trường bạn trong điều kiện bão lụt khắc nghiệp.

Một tình huống khác, ngày 18/3/2019, kẻ  trộm đã lẻn vào văn phòng trường lấy cắp gần 200 bằng tốt nghiệp xảy ra tại trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Đinh Thiện Lý (quận 7, TP.HCM) buộc nhà trường và Sở Giáo dục và Đào taọ thành phố Hồ Chí Minh phải làm tường trình và đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép được cấp lại bằng tốt nghiệp chính thức.

Nhiều trường phổ thông ở các địa phương cũng rất lo lắng trước tình trạng học sinh và phụ huynh sau khi được cấp phát bằng tốt nghiệp song không chịu nhận về nhà cất, giữ, bỏ mặc tại nhà trường hết năm này qua năm khác.


" Đến bây giờ em vẫn chưa xuống trường rút học bạ và nhận bằng tốt nghiệp vì từ khi ra trường tới nay, các công việc của em chẳng liên quan gì đến học bạ, bằng tốt nghiệp cả."

Hưng, ở xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh ( Quảng Ngãi) một học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2004 cho biết.

Chính sự chậm trễ, không quan tâm hoặc vì một lý do nào khác của các học sinh và phụ huynh đã đẩy nhà trường vào thế khó - nơi chứa hồ sơ, văn bằng tốt nghiệp.

Từ đó dẫn tới nguy cơ cao của việc mất mát, thất lạc hồ sơ, học bạ, bằng tốt nghiệp do các nguyên nhân thường nảy sinh: Lũ lụt, cháy, rơi giấy tờ, di chuyển nơi trường mới, bị trộm cắp….

Theo Thông tư 19/2015/TT-BGDĐT về ban hành quy chế quản lý bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, trunghọc phổ thông, văn bằng giáo dục đại học và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân, quy định: Sau thời gian 1 năm, trường phát chưa hết bằng tốt nghiệp trung học phổ thông thì nộp về cho Sở Giáo dục và Đào tạo để lưu giữ lại, khi nào học sinh có nhu cầu thì đến lấy. Các bằng này sẽ được lưu vĩnh viễn cho đến khi các em đến nhận lại.

Quy định là vậy song thực tế, rất ít đơn vị trường nộp văn bằng học sinh chưa nhận về cho Sở Giáo dục và Đào tạo để lưu giữ.

Để giải quyết hồ sơ, văn bằng tồn đọng lâu nay tại các cơ sở giáo dục, các nhà trường phổ thông cần tuyên truyền, nhắc nhở thật kỹ học sinh lớp 9 và lớp 12 sau khi hoàn thành chương trình, thi tốt nghiệp trung học phổ thông, đúng khoảng 1 năm sau phải đến trường nhận học bạ, văn bằng.

Nếu không sử dụng cho mục đích học tập, tuyển dụng lao động tiếp theo thì hồ sơ, học bạ, tấm bằng của các em được lưu giữ tại gia đình vẫn tốt hơn, gợi nhiều kỷ niệm đẹp về quá trình học tập trước đây.

Tin liên quan
10 lợi ích của việc học ngoại ngữ

10 lợi ích của việc học ngoại ngữ

(VTE) - Trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, việc học ngoại ngữ đã trở thành một nhu cầu thiết yếu đối với mỗi người.