Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Nhiều sinh viên phải “giấu” bằng đại học để xin việc phổ thông

Hiện nhiều sinh viên phải “giấu” tấm bằng đại học để xin việc phổ thông chưa qua đào tạo, gây nên sự lãng phí với người học và xã hội.

Hiện nhiều doanh nghiệp khi tuyển dụng lao động phổ thông chỉ cần tốt nghiệp THPT và đã qua đào tạo nghề. Chính vì vậy, nhiều sinh viên cầm tấm bằng tốt nghiệp đại học đến xin việc bị doanh nghiệp từ chối.

Để xin được việc làm nuôi sống bản thân khi chưa tìm được công việc đúng chuyên môn, nhiều sinh viên, thanh niên tốt nghiệp đại học đành “giấu” đi tấm bằng đại học.

Một bất cập khác nảy sinh là khi sinh viên “giấu” đi tấm bằng đại học được tuyển dụng vào làm việc ở doanh nghiệp lại chưa được đào tạo về kỹ năng làm việc như lao động phổ thông nên bắt buộc các doanh nghiệp phải đào tạo lại. Điều này đã gây nên sự lãng phí rất lớn với chính sinh viên và cả doanh  nghiệp.

Cần có sự phân luồng nghề nghiệp từ cấp học phổ thông

Tại diễn đàn “Đảng viên trẻ tích cực học tập, sáng tạo theo lời Bác dạy” vừa được tổ chức tại Hà Nội, chị Trần Thị Hoàn, Bí thư huyện đoàn Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang cho biết, để góp phần giải quyết những bất cập trên, Thành đoàn ở các địa phương đã và đang tích cực phối hợp với các doanh nghiệp tìm kiếm việc làm cho những sinh viên, thanh niên tốt nghiệp đại học đúng với chuyên ngành đã học.

Nhiều sinh viên phải “giấu” bằng đại học để xin việc phổ thông - Ảnh 1.

Chị Trần Thị Hoàn, Bí thư huyện đoàn Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Thông qua đó, các bạn trẻ có thể sử dụng được kiến thức, chuyên ngành đã được đào tạo ở trường đại học để làm việc và có thu nhập cao.

Ngoài ra, các địa phương cũng đã có chính sách hỗ trợ vốn để thanh niên khởi nghiệp. Ví dụ như sinh viên tốt nghiệp đại học chuyên ngành về Nông nghiệp có thể được hỗ trợ vốn để chăn nuôi, trồng rừng ở địa phương.

Tuy nhiên, số lượng sinh viên không làm đúng chuyên môn, phải giấu đi tấm bằng tốt nghiệp đại học vẫn còn nhiều. Do đó, các cấp, ngành và các trường học cần tích cực giải quyết vấn đề này.

Theo chị Trần Thị Hoàn, để không còn tình trạng trên, ngay từ khi học ở cấp THCS, THPT, các trường phải có sự đánh giá năng lực, năng khiếu của học sinh như thế nào để có định hướng, tư vấn kỹ cho các em. Người nào có năng lực học tập tốt hoặc có khả năng tìm kiếm được việc làm sau khi tốt nghiệp đại học thì có thể học tiếp lên bậc học cao hơn. Còn em nào chỉ ở mức học trung bình khá thì có thể chuyển sang học nghề hay công việc khác.


Việc phân luồng nghề nghiệp nên bắt đầu từ cấp học phổ thông chứ không nên để đến khi học sinh thi vào đại học, học tập lãng phí nhưng tốt nghiệp lại không xin được việc làm đúng ngành nghề và sở thích.

Ngoài ra, ngành giáo dục cần siết chặt việc tuyển sinh của các trường đại học, không nên để các trường đào tạo tràn lan, tuyển được nhiều sinh viên mà không chú trọng đến đào tạo chất lượng.

Sinh viên phải trang bị kiến thức, kỹ năng tốt

Đề cập việc làm cho thanh niên sau khi tốt nghiệp đại học, anh Phạm Tuân, Bí thư Chi đoàn Đồn biên phòng Cửa khẩu Ma Lù Thàng, tỉnh Lai Châu nêu quan điểm: Việt Nam đang trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, một số ngành nghề đòi hỏi lao động không cần trình độ quá cao chỉ là thực trạng tức thời.

Nhiều sinh viên phải “giấu” bằng đại học để xin việc phổ thông - Ảnh 3.

Anh Phạm Tuân, Bí thư Chi đoàn Đồn biên phòng Cửa khẩu Ma Lù Thàng, tỉnh Lai Châu phát biểu.

Còn về lâu dài, theo xu thế ứng dụng công nghệ ngày càng phát triển thì các doanh nghiệp vẫn yêu cầu tìm kiếm lao động hội tụ nhiều yếu tố: Trình độ cao, tay nghề giỏi, kỹ năng thành thạo, giao tiếp tốt...

Để có thể xin được việc làm đúng chuyên ngành sau khi tốt nghiệp ĐH thì bản thân các bạn sinh viên không chỉ trang bị kiến thức mà cần phải có kỹ năng, giao tiếp và biết cách xử lý tình huống phát sinh. Bên cạnh đó, các em cũng cần trau dồi kiến thức ngoại ngữ thật tốt để có thể cạnh tranh với lao động từ các nước khác đến Việt Nam hay có hội nhập với thị trường lao động nước ngoài.

Mặt khác, các trường học cần có nhiều giải pháp như: tư vấn hướng nghiệp, tìm hiểu năng lực của các học sinh một cách chính xác và phù hợp nhất. Điều này sẽ giảm thiểu được tình trạng sinh viên học tập tốn kém ở giảng đường đại học nhưng lại phải đi lao động phổ thông chưa được qua đào tạo. Còn lao động phổ thông thì tay nghề chưa cao, làm việc chưa hiệu quả cũng phải đào tạo thêm.