Trạng thái bình thường mới đã kích nhu cầu chi tiêu của người dùng quay trở lại, tuy nhiên việc mở cửa giao thương giữa các nước đến nay vẫn chưa có dấu hiệu tái thiết lập. Điều này dẫn đến xuất hiện sự đối nghịch trong phục hồi tuyển dụng giữa lĩnh vực dịch vụ cho người dùng và dịch vụ cho doanh nghiệp.
Theo thống kê của Navigos Search, các lĩnh vực đã phục hồi và có dấu hiệu trên đà phục hồi trong quý 2/2020 hầu hết đều thuộc mảng dịch vụ cho người tiêu dùng. Trong khi đó, mảng dịch vụ cho doanh nghiệp vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi, thậm chí các ngành trong mảng này đều thuộc nhóm có nhu cầu tuyển dụng giảm mạnh nhất so với quý 1.
Ngành thể hiện sự phục hồi rõ rệt nhất, có tăng trưởng dương là Du lịch/Nhà hàng với nhu cầu tăng đến 11%. Tiếp theo, 3 ngành có dấu hiệu đang trên đà phục hồi lần lượt là: Tài chính/Ngân hàng; Chăm sóc sức khỏe và Khoa học cuộc sống; Bất động sản.
Trong khi đó, 3 ngành giảm nhiều nhất trong nhu cầu tuyển dụng (tỷ lệ giảm mạnh so với quý 1/2020) lần lượt là: Dịch vụ vận tải, giảm 58%; Truyền thông và Quảng cáo, giảm 58%; Bán hàng và Marketing (B2B) cho doanh nghiệp sản xuất, giảm 38%.
Trong quý 2, nhu cầu tuyển dụng các vị trí quản lý cấp trung và cấp quản lý của ngành May mặc tăng nhẹ, hầu hết đến từ các nhà máy đệt may có vốn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, trong quý 2, các nhà máy gia công những đơn hàng quần áo phân khúc siêu thị, giá rẻ đã phục hồi hoạt động sản xuất về trạng thái bình thường nhờ bắt đầu nhận được các đơn đặt hàng trở lại, đáng kể đến là các nhà máy gia công các đơn hàng cho các hãng bán lẻ hàng đầu của Mỹ.
Theo quan sát của Navigos Search, sau khi hiệp định thương mại EVFTA được thông qua và các nước mở cửa biên giới trở lại sẽ xuất hiện nhiều cơ hội việc làm cho người lao động do các làn sóng đầu tư vào các ngành sản xuất mũi nhọn. Theo đó, ngành Dệt may/Da giày do được hưởng nhiều quy chế ưu đãi nên Việt Nam sẽ trở thành điểm đầu tư lý tưởng của doanh nghiệp nước ngoài từ châu Á, châu Âu, châu Mỹ. EVFTA cũng là động lực thúc đẩy ngành Nông nghiệp xuất khẩu mạnh mẽ hơn.
Đối với ngành Điện tử, quý 2 ghi nhận một số doanh nghiệp đã tái khởi động kế hoạch dịch chuyển các dự án nhà máy mới đến Việt Nam khiến nhu cầu tuyển dụng trong lĩnh vực này cũng bắt đầu tăng nhẹ. Các doanh nghiệp đã và đang có kế hoạch đầu tư và triển khai các dự án mới trong ngành điện tử, ô tô tại các thành phố công nghiệp như: Hà Nam, Hải Phòng, Hải Dương. Ngành Công nghiệp phụ trợ hứa hẹn cũng sẽ “lên ngôi” khi được chú trọng thu hút nguồn vốn nước ngoài FDI nhiều hơn từ các nước châu Âu và trong khu vực.
Đáng chú ý, trong quý 2, nhu cầu tuyển dụng mảng năng lượng tăng mạnh, đặc biệt là lĩnh vực điện gió và điện mặt trời. Nguyên nhân do tăng mạnh nhu cầu sử dụng năng lượng nói chung và điện nói riêng, đồng thời là sự tác động từ chính sách quy hoạch và phát triển năng lượng tái tạo của Chính phủ. Dự kiến nhu cầu tuyển dụng sẽ tiếp tục tăng mạnh trong quý 3 và 4, tập trung chủ yếu ở khu vực miền Trung (Ninh Thuận, Trà Vinh…).
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng thu hút nhiều sự chú ý của các nhà đầu tư từ Mỹ và châu Âu trong lĩnh vực năng lượng. Nhiều dự án lớn đã và đang trong giai đoạn nghiên cứu và phát triển. Một số dự án khác đang tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn và hứa hẹn sẽ phát triển nhanh thời gian tới.
Các dịch vụ tư vấn tuyển dụng cấp trung, cấp cao đang là kênh hiệu quả nhất đối với các doanh nghiệp năng lượng do đáp ứng được nhu cầu nhân sự trong thời gian ngắn, đảm bảo được tiến độ dự án theo quy định Chính phủ. Về yêu cầu tuyển dụng, do các dự án đều có sự tham gia của các đối tác nước ngoài nên nhà tuyển dụng yêu cầu khá khắt khe về chuyên môn, đồng thời yêu cầu khả năng tiếng Anh tốt, nhất là đối với các vị trí quản lý.
Có xu hướng dịch chuyển của nhiều chuyên gia nước ngoài trong mảng năng lượng khi họ chủ động tiếp cận các dịch vụ tư vấn nhân sự và tìm kiếm các cơ hội được làm việc tại Việt Nam. Bên cạnh đó, các chuyên gia/kỹ sư cao cấp Việt Nam đang làm việc tại các dự án nước ngoài cũng thể hiện mong muốn quay về Việt Nam mặc dù thu nhập có thể thấp hơn, nhiều chuyên gia đã không tiếp tục gia hạn hợp đồng làm việc tại nước ngoài và sẵn sàng đón nhận các cơ hội việc làm tại quê nhà.
Do nhu cầu tuyển dụng nhân sự trong nước tăng lên nhanh chóng, dẫn đến xuất hiện tình trạng thiếu hụt nhân sự đối với các vị trí quản lý, đặc biệt là các ứng viên có kinh nghiệm làm việc và triển khai các dự án có yếu tố nước ngoài. Trong bối cảnh này, ngành Năng lượng hứa hẹn sẽ mở ra rất nhiều cơ hội việc làm cho chuyên gia người Việt muốn hồi hương lẫn chuyên gia nước ngoài muốn làm việc tại Việt Nam.
Trong quý 2, Navigos Search ghi nhận các công ty của Nhật mới thành lập tại Việt Nam chưa thể đi vào hoạt động sản xuất được do ảnh hưởng từ dịch Covid-19.
Đặc biệt, nhiều chuyên gia cấp cao người Nhật hiện giữ vị trí chủ chốt trong nhà máy chưa có điều kiện sang Việt Nam, dẫn đến việc ra quyết định tuyển dụng cho một số vị trí cũng bị trì hoãn theo.
Trong bối cảnh sản xuất và kinh doanh khó khăn, một số công ty đang áp dụng chính sách giảm giờ làm, giảm lương hoặc điều chỉnh lại nhân sự. Một số công ty khác, do tình hình của công ty mẹ bên Nhật cũng gặp nhiều khó khăn nên phải tạm đóng cửa nhà máy trong một thời gian, hiện chưa xác định được khi nào thì hoạt động sản xuất kinh doanh của họ sẽ được tái khởi động. Trong bối cảnh này, rất ít các công ty Nhật có kế hoạch mở rộng mà chỉ tập trung duy trì bộ máy nhân sự, chỉ tuyển dụng thay thế khi có phát sinh.
Tuy nhiên, dự kiến trong quý 4 tới sẽ có những sự biến động rõ rệt trong dịch chuyển đầu tư, từ đó sẽ có ảnh hưởng lớn đến nhu cầu tuyển dụng của một số doanh nghiệp. Đặc biệt, nửa cuối năm sẽ có rất nhiều nhà đầu tư Nhật Bản chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam. Dự kiến các nhà đầu tư mới sẽ tập trung vào khu vực Khu công nghiệp Thăng Long 3 thuộc tỉnh Vĩnh Phúc và Khu công nghiệp Đồng Văn 3 thuộc tỉnh Hà Nam.
Với ngành Ngân hàng, các nhu cầu tuyển dụng vẫn đang chững lại và chưa có dấu hiệu tái khởi động mạnh mẽ, đặc biệt đối với phân khúc tuyển dụng các ứng viên cao cấp. Tuy nhiên, đối với phân khúc nhân viên và chuyên viên, tại các ngân hàng từ quý 2 bắt đầu xuất hiện xu hướng tuyển dụng nhiều các vị trí kinh doanh để phục vụ cho dịch vụ bán chéo (cross sales) các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ.
Đối với ngành Bán lẻ, sức tiêu thụ chậm và lượng khách hàng giảm dẫn đến tình trạng tồn kho tăng (đặc biệt là ngành Thời trang, mỹ phẩm và dịch vụ ăn uống). Điều này dẫn tới kế hoạch kinh doanh và doanh thu chịu nhiều ảnh hưởng nên doanh nghiệp buộc phải cắt giảm các chi phí đến mức tối đa (bao gồm chi phí tuyển dụng). Đồng thời, nhiều doanh nghiệp buộc phải cơ cấu lại bộ máy tổ chức nên đã phải cắt giảm nhân viên, hoặc đề nghị nhân viên kiêm nhiệm thêm công việc của các vị trí khác thay vì tuyển thêm người mới.
Các dự án giáo dục “ấm” dần, khắt khe tuyển nhân tài “chất” và có tư duy chiến lược.
Theo quan sát của Navigos Search, thị trường đã ấm lại so với giai đoạn từ tháng 3 – 5 năm nay, sự thay đổi rõ rệt nhất có thể nhìn thấy thông qua nhu cầu tuyển dụng ở các dự án mới trong mảng giáo dục (thiết lập hệ thông các trường quốc tế mới, các trường song ngữ ở phân khúc tầm trung trở lên). Xuất hiện các dự án mới phần lớn được đầu tư bởi các nhà đầu tư nước ngoài, xu hướng đầu tư này một phần đến từ nhận định về tiềm năng của thị trường Việt Nam trong giai đoạn dài hạn và hiểu được nguyện vọng của các gia đình trong việc đầu tư về giáo dục cho con.
Trong lĩnh vực giáo dục, mặc dù nhu cầu tuyển dụng vẫn ổn định nhưng khả năng sự cạnh tranh sẽ tăng cao hơn đối với ứng viên khi tìm việc, do doanh nghiệp bắt đầu có những tiêu chí tuyển dụng kỹ lưỡng hơn và cẩn thận hơn trong việc lựa chọn ứng viên phù hợp.
Theo đó, do nhiều doanh nghiệp vẫn chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhà tuyển dụng vẫn ưu tiên tìm được nhân tài chất lượng và có “ngân sách lương” hợp lý, đồng thời kỳ vọng các ứng viên phải có tư duy chiến lược nhằm đề xuất được những kế hoạch phù hợp giúp doanh nghiệp phát triển trong trạng thái “bình thường mới”.