Thêm các địa điểm thi và điều chỉnh lệ phí
Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh dự kiến hai đợt thi đánh giá năng lực năm 2023, vào ngày 26/3 và 28/5.
Theo TS. Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, thí sinh có thể đăng ký dự thi đánh giá năng lực đợt 1 từ ngày 1 đến 26/2/2023, đợt 2 từ ngày 5 đến 28/4/2023. Ngoài 17 điểm thi như năm 2022, năm 2023, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh có thể mở thêm điểm thi tại Lâm Đồng, Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, Thừa Thiên - Huế.
Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh dự kiến dành ít nhất 45% tổng chỉ tiêu xét tuyển từ điểm thi đánh giá năng lực, tăng so với mức 40% của năm 2022. Riêng trường Đại học Bách khoa xét kết hợp giữa điểm thi đánh giá năng lực, điểm thi tốt nghiệp và điểm học tập THPT khoảng 70-90% chỉ tiêu.
Về cơ bản cấu trúc đề thi của kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh được giữ cơ bản ổn định. Đề thi gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm, thời gian làm bài 150 phút, tính theo thang điểm 1.200, với ba phần thi: Sử dụng ngôn ngữ; Toán học, tư duy logic và phân tích số liệu; Giải quyết vấn đề. Lĩnh vực của đề thi rộng khắp, từ khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, tiếng Anh, ngôn ngữ.
Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội thông báo, năm 2023, trung tâm dự kiến tổ chức thi 8 đợt thi đánh giá năng lực học sinh THPT (HSA), với khoảng 70.000 lượt thí sinh tham gia.
Thời gian từ 10/3 đến 4/6, tại các địa điểm: Hà Nội, Thái Nguyên, Hưng Yên, Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An. Một điểm mới trong kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội là căn cứ quy mô của kỳ thi, trung tâm khảo thí giới hạn thí sinh chỉ đăng ký thi tối đa 2 lượt/năm, mỗi lần thi cách nhau tối thiểu 28 ngày. Theo lý giải của Trung tâm khảo thí thì việc giới hạn số lượt dự thi xuất phát từ thực tiễn năm 2022 với hơn 20.000 lượt thi của thí sinh dự thi từ 2 lần trở lên nhưng điểm bài thi không thay đổi, gây lãng phí xã hội, đồng thời ảnh hưởng đến các thí sinh khác mong muốn được thi HSA.
Quy chế thi Đánh giá năng lực quy định thí sinh bị đình chỉ thi sẽ bị hủy toàn bộ kết quả đăng ký dự thi, kết quả đã thi hoặc hồ sơ đăng ký các ca chưa thi. Ngoài ra, đơn vị tổ chức thi sẽ thông báo cho các bên liên quan biết mức độ vi phạm của thí sinh.
Năm 2023, Trung tâm Khảo thí đã trình Đại học Quốc gia Hà Nội phê duyệt Đề án thi HSA năm 2023 với mức lệ phí là 500.000 đồng/thí sinh/lượt thi theo nguyên tắc chi phí tính đúng, tính đủ, lấy thu bù chi. Đại học Quốc gia Hà Nội chỉ còn hỗ trợ phần nhỏ trong chi phi phí tổ chức kỳ thi HSA năm 2023.
Được công nhận kết quả chéo
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội dự kiến tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực năm 2023 với nhiều điểm thay đổi và mở rộng phạm vi. Kỳ thi đánh giá năng lực của trường Đại học Sư phạm Hà Nội gồm 8 môn. Thời gian thi dự kiến một hoặc hai đợt vào cuối tháng 4 và 5 hằng năm, sau khi học sinh học xong chương trình THPT và trước khi thi tốt nghiệp. Ngoài điểm thi chính tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội sẽ có một số điểm thi ở các cơ sở giáo dục đại học ở miền Trung, miền Nam.
Đối tượng dự thi là thí sinh học sinh lớp 12 hoặc đã tốt nghiệp THPT có nhu cầu thi đánh giá năng lực để lấy kết quả xét tuyển vào các trường đại học; có hồ sơ đăng ký dự thi hợp lệ, đóng đầy đủ lệ phí thi theo quy định (160.000 đồng/lần), thí sinh đang không trong thời gian bị cấm thi theo quy định.
Đã có 7 trường đại học sư phạm lớn về cơ bản thống nhất sử dụng kết quả kỳ thi để xét tuyển gồm: Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên), Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Trường Đại học Vinh, Trường đại học Sư phạm (Đại học Huế), Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), Trường Đại học Quy Nhơn và Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh.
Năm nay, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh tiếp tục tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực với hai đợt thi vào tháng 4 và tháng 6/2023. Trong tháng 1, trường sẽ công bố chi tiết về kỳ thi và có thông tin chính thức về một số trường sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển.
Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh và Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã thống nhất quyết định công nhận chéo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của nhau. Theo đó, thí sinh muốn xét tuyển vào trường này có thể sử dụng kết quả của thi kỳ thi của trường kia và ngược lại.
Đại học Quốc gia Hà Nội cũng nghiên cứu đề xuất công cụ chuyển đổi điểm bài thi đánh giá năng lực và điểm bài thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Do đó, có thể nhiều trường đại học phía Nam sẽ sử dụng kết quả bài thi HSA để xét tuyển. Tương tự, các trường đại học phía Bắc có thêm cơ hội thu hút thí sinh từ miền Nam ra học từ nguồn tuyển thí sinh dự thi đánh giá năng lực.