Theo đó, hiện tỉnh Ninh Bình có 750 đơn vị, doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) từ 3 tháng trở lên, với số tiền 83 tỷ đồng, trong đó nợ nhiều nhất vẫn là các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Tình trạng nợ đọng này đã tồn tại nhiều năm và ngày càng trở nên phổ biến.
Thống kê của BHXH tỉnh Ninh Bình cho thấy, tính đến 30/10/2018, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh là 151 tỷ đồng (bằng 7,78% tổng số phải thu). Trong đó, có 750 đơn vị nợ từ 3 tháng trở lên với số tiền nợ là 83 tỷ đồng, nợ nhiều nhất vẫn là các doanh nghiệp ngoài quốc doanh.
Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 109 đơn vị mất tích, giải thể, phá sản, chủ đơn vị bỏ trốn với tổng số nợ là 14,8 tỷ đồng. Tình trạng nợ đọng này đã tồn tại nhiều năm nay và ngày càng trở nên phổ biến, có chiều hướng gia tăng. Địa bàn có tỷ lệ nợ cao là thành phố Ninh Bình (chiếm 11,44%); thành phố Tam Điệp (chiếm 11,38%); huyện Gia Viễn (chiếm 9,14%).
Việc các đơn vị, doanh nghiệp chây ỳ BHXH, BHYT, BHTN đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người lao động (Ảnh minh hoạ)
Để giải quyết tình trạng nợ đọng BHXH, thời gian qua, BHXH tỉnh Ninh Bình đã tăng cường công tác thanh, kiểm tra đối với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Qua các đợt thanh tra chuyên ngành và đột xuất về công tác BHXH, BHYT, BHTN, cho thấy, còn nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thu hồi nợ vốn, chưa có nguồn trả lương và đóng bảo hiểm cho người lao động.
Thực tế đến nay trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có doanh nghiệp nào bị xử lý theo luật định. Nguyên nhân là do, đến nay, những quy định này vẫn chưa có văn bản hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cũng như chưa có văn bản hướng dẫn về hồ sơ, trình tự thực hiện chuyển hồ sơ vi phạm có dấu hiệu tội phạm về BHXH, BHYT sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định.
Việc trốn đóng, chây ỳ nợ BHXH, BHYT, BHTN ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người lao động và chính sách an sinh xã hội. Hiện BHXH tỉnh Ninh Bình đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh đưa ra các giải pháp để thu hồi nợ, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.