Các tuyến cao tốc mang lại triển vọng phát triển cho vùng ĐBSCL
Tại hội nghị, Thủ tướng nêu rõ, ĐBSCL có nhiều lợi thế nhưng vẫn còn có hạn chế như khó khăn về hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, dẫn đến vận chuyển hàng hóa khó khăn, làm tăng chi phí logistics, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa, không tạo được không gian phát triển mới, không tái cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Thủ tướng cho biết, theo quy hoạch được phê duyệt, khu vực ĐBSCL có 6 tuyến cao tốc với tổng chiều dài khoảng 1.188km. Trước nhiệm kỳ này, toàn vùng chỉ có 39km đường cao tốc, không có dự án nào được chuẩn bị đầu tư xây dựng.
Đến nay, toàn vùng có 120km đường bộ cao tốc đã được đưa vào khai thác; 428km đường bộ cao tốc đang triển khai thi công và đang phấn đấu để cơ bản hoàn thành năm 2025; 215km đang nghiên cứu để chuẩn bị đầu tư. Hướng đến mục tiêu sau năm 2025, toàn vùng ĐBSCL sẽ có khoảng 548km đường bộ cao tốc được đưa vào khai thác; đến năm 2030 là 763km.
“Nhìn lại sau 3 năm từ khi bắt tay nghiên cứu, triển khai các dự án cao tốc vùng ĐBSCL, kết quả bước đầu cho thấy: Chúng ta đã biến cái không thể thành có thể - Từ chỉ có trong ý tưởng đến có các dự án cụ thể, hiện thực; từ không có tiền đến có đủ tiền; từ những cánh đồng lúa bát ngát đến các tuyến cao tốc hiện đại định hình rõ nét, mang lại triển vọng phát triển to lớn cho vùng ĐBSCL”, Thủ tướng nói.
Chỉ bàn làm, không bàn lùi
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thủ tướng cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức, trong đó nhấn mạnh khó khăn về công tác quản lý ở một số địa phương khi lần đầu được giao chủ quản dự án quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật phức tạp, nhất là giải phóng mặt bằng, bảo đảm vật liệu san lấp, đắp nền.
Theo Thủ tướng, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế là một số địa phương chưa chủ động, chậm triển khai các thủ tục về cấp phép và giao mỏ vật liệu xây dựng thông thường; chưa chủ động thông tin tuyên truyền vận động người dân để ủng hộ, đồng thuận…
Nhấn mạnh, kết cấu hạ tầng chiến lược về giao thông, nhất là hệ thống đường bộ cao tốc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển nhanh và bền vững của vùng ĐBSCL, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung quán triệt 3 quan điểm xuyên suốt là: GTVT đi trước mở đường;
Chỉ bàn làm, không bàn lùi, bảo đảm đúng và vượt tiến độ, an toàn, không tiêu cực, lãng phí; bàn để quyết chứ không bàn để đấy, đã bàn đã quyết là chỉ có làm, đã làm phải có kết quả cụ thể, nhân dân được hưởng thụ thật…
Thủ tướng chỉ rõ, khối lượng công việc trong thời gian tới của từng dự án là rất lớn, trong khi thời gian không còn dài, quá trình thực hiện sẽ không tránh khỏi những vướng mắc mới phát sinh.
Vì vậy, đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương phải hết sức khẩn trương, chủ động, linh hoạt, sáng tạo vận dụng các chủ trương, cơ chế, chính sách để tiếp tục rút ngắn thời gian, bảo đảm chất lượng các dự án.
Thủ tướng đề nghị các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Bí thư Tỉnh ủy/Thành ủy, Chủ tịch UBND các địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án; tập trung khắc phục những hạn chế, bất cập; vượt qua khó khăn, thách thức; phát huy hơn nữa những bài học kinh nghiệm; nỗ lực phấn đấu tiếp tục rút ngắn thời gian thực hiện, thi công và bảo đảm chất lượng công trình, dự án.
Trong đó, đặc biệt chú trọng giải quyết dứt điểm 3 vấn đề tiếp tục còn vướng mắc: Giải phóng mặt bằng; di dời đường điện cao thế; cung ứng vật liệu cát, đá, sỏi.
Các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu, đơn vị tư vấn giám sát tăng cường nhân lực, máy móc thiết bị thi công "vượt nắng, thắng mưa", "chỉ bàn làm, không bàn lùi", "3 ca, 4 kíp", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", "xuyên lễ, xuyên tết, xuyên ngày nghỉ", "làm việc nào dứt việc đó", "đã cam kết phải thực hiện", đẩy nhanh tiến độ các dự án;
Phối hợp chặt chẽ với các địa phương có nguồn vật liệu để kiểm soát tình hình cung ứng, chủ động giải quyết ngay tại cơ sở đối với những vướng mắc phát sinh.
Các doanh nghiệp lớn chia sẻ công việc với doanh nghiệp tại địa phương cùng làm, cùng chia sẻ kinh nghiệm; Quân khu 9, 7 hỗ trợ và lực lượng công an các địa phương cùng chia sẻ công việc với các dự án.
UBND các địa phương trong khu vực dự án tập trung hoàn thành 100% công tác giải phóng mặt bằng trong tháng 10, không để ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các địa phương có nguồn vật liệu và chỉ đạo quyết liệt các chủ đầu tư, nhà thầu đảm bảo nguồn vật liệu; xử lý nghiêm trường hợp cố tình làm chậm.
Theo Bộ GTVT, khu vực ĐBSCL đang triển khai 9 dự án giao thông quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT với tổng vốn đầu tư khoảng 106.000 tỷ đồng. Trong đó, 8/9 dự án đang tổ chức thi công. Dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh đang hoàn thiện thủ tục và dự kiến khởi công đầu năm 2025. Trong tổng số 8 dự án đang triển khai, 6 dự án có kế hoạch hoàn thành trong năm 2025, gồm 4 dự án đường bộ cao tốc với tổng chiều dài 207km thuộc kế hoạch thi đua hoàn thành 3.000km là các dự án đường bộ cao tốc: Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau; Cao Lãnh - Lộ Tẻ; Cao Lãnh - An Hữu; Lộ Tẻ - Rạch Sỏi. 2 dự án cầu, đường bộ khác là: Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận và dự án cầu Rạch Miễu 2. Riêng dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026, đưa vào khai thác sử dụng năm 2027; dự án Cao Lãnh - An Hữu và dự án cầu Đại Ngãi hoàn thành năm 2027. |
Huyền Minh
Báo Lao động và Xã hội số 125