Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Phạm nhân tham gia lao động để định hướng nghề nghiệp cho tương lai

Tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân đang chấp hành án góp phần định hướng, lựa chọn, xác định nghề nghiệp phù hợp sau khi chấp hành xong án phạt tù để tham gia vào cuộc sống xã hội...

Tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân giữ vai trò quan trọng

Liên hợp quốc đã xác định, những quy tắc tối thiểu để đối xử với các phạm nhân, trong đó có việc quy định nghĩa vụ phải lao động của phạm nhân cũng như trách nhiệm hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân của các trại giam. Theo đó, mọi phạm nhân đang chấp hành án đều phải lao động, tùy thuộc vào sức khỏe, thể chất và tâm thần của họ, do cán bộ y tế xác định. Cách tổ chức và những phương pháp làm việc trong nhà tù phải càng giống càng tốt với các công việc tương tự ngoài nhà tù, để chuẩn bị cho phạm nhân những điều kiện của cuộc sống có nghề nghiệp bình thường sau này.

Tại Việt Nam, công tác tổ chức thi hành án phạt tù có vị trí quan trọng trong cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm và bảo vệ pháp luật, trong đó trại giam có nhiệm vụ quản lý, giam giữ, giáo dục, cải tạo người bị kết án phạt tù, từ người phạm tội chịu hình phạt của pháp luật khi chấp hành xong án phạt tù trở thành công dân lương thiện, biết tuân thủ pháp luật, không tái vi phạm pháp luật.

Phạm nhân tham gia lao động để định hướng nghề nghiệp cho tương lai - Ảnh 1.

Phạm nhân tham gia lao động.

Theo quy định của Pháp lệnh Thi hành án phạt tù năm 1993; Luật Thi hành án hình sự năm 2010; Luật Thi hành án hình sự năm 2019 và các Nghị định của Chính phủ, tổ chức lao động cho phạm nhân đang chấp hành án là một trong những nội dung quan trọng của nhiệm vụ giáo dục, cải tạo phạm nhân. Điều 32 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 quy định chế độ lao động của phạm nhân.

Việc lao động là quyền và nghĩa vụ của phạm nhân và được quy định tại điều 27 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 không phải lao động là tự nguyện mà bắt buộc. Phạm nhân tham gia lao động vừa rèn luyện cho phạm nhân ý thức, kỷ luật, thói quen lao động, vừa giúp họ có được một nghề nhất định sau khi chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng. Đây cũng là đặc điểm cơ bản trong tổ chức lao động cho phạm nhân khác với việc tổ chức lao động cho các đối tượng khác ngoài xã hội.

Trong quá trình thực hiện công tác quản lý, giáo dục, cải tạo phạm nhân, tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân giữ một vai trò hết sức quan trọng. Hoạt động này không chỉ là việc thực hiện chính sách của Nhà nước trong công tác giáo dục, cải tạo người phạm tội, giúp họ trở thành người lương thiện, có ích cho xã hội, mà còn thông qua đó giúp họ ý thức được đầy đủ về giá trị của lao động, biết quý trọng lao động, tôn trọng lao động. Chính từ việc được tổ chức lao động, dạy nghề trong trại giam, giúp phạm nhân có được định hướng về nghề nghiệp và có được nghề nhất định để khi chấp hành xong án phạt tù có thể tìm kiếm được việc làm, ổn định cuộc sống, hòa nhập được vào với đời sống xã hội.

Thông qua tổ chức cho phạm nhân sản xuất giúp hình thành kỹ năng lao động

Chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta từ trước đến nay đối với phạm nhân là buộc họ phải chấp hành hình phạt tại các cơ sở giam giữ, phải lao động, học tập, học nghề để trở thành người có ích cho xã hội. Thông qua tổ chức cho phạm nhân lao động sản xuất giúp cho phạm nhân hình thành kỹ năng đối với lao động, ý thức tình yêu đối với lao động. Tổ chức cho phạm nhân lao động, dạy nghề trong trại giam là con đường để hồi phục và phát triển nhân cách cho phạm nhân, giúp cho họ sau khi ra trại có thể hòa nhập cộng đồng. Ngoài ra, những phẩm chất cơ bản mà phạm nhân có được trong quá trình lao động như: Yêu lao động, quý trọng kết quả lao động, thấy được ý nghĩa của lao động, tinh thần tương thân tương ái, hợp tác tập thể trong lao động... là những nhân tố vững chắc đảm bảo cho họ ít hoặc không tái phạm pháp luật sau khi chấp hành án phạt tù.

Tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân đang chấp hành án trong trại giam là một trong những biện pháp quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên, đất đai, cơ sở vật chất của trại giam. Các trại giam được Nhà nước giao quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên, đất đai, tài sản nhất định. Việc sử dụng nguồn nhân lực lao động là phạm nhân sẽ góp phần giúp các trại giam quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, đất đai, tài sản được giao, tránh bỏ hoang hóa, lãng phí. Thông qua lao động, dạy nghề tạo ra của cải vật chất phục vụ lại quá trình chấp hành án của phạm nhân tại trại; góp phần giảm chi phí của Nhà nước, cải thiện đời sống của phạm nhân và cán bộ chiến sĩ. Trong thời gian chấp hành án phạt tù ở trại giam, phạm nhân có quyền và nghĩa vụ phải lao động theo từng ngành nghề phù hợp với sức khỏe, độ tuổi, giới tính, mức án... của từng phạm nhân, đồng thời phù hợp với điều kiện đất đai, tài nguyên và điều kiện cụ thể của từng trại giam. Kết quả lao động, dạy nghề của phạm nhân, sau khi trừ các chi phí hợp lý được sử dụng để bổ sung mức ăn cho phạm nhân; lập quỹ tái hòa nhập cộng đồng để chi hỗ trợ cho phạm nhân sau khi chấp hành xong án phạt tù; chi thưởng cho phạm nhân có thành tích trong lao động; bổ sung quỹ phúc lợi, khen thưởng của trại giam; chi hỗ trợ đầu tư trở lại cho trại giam phục vụ việc tổ chức lao động cho phạm nhân... Điều này góp phần giảm chi phí đầu tư của Nhà nước, cải thiện đời sống của phạm nhân và cán bộ chiến sĩ.

Hiện, việc tổ chức lao động cho phạm nhân đang chấp hành án tại các trại giam vẫn còn những khó khăn, vướng mắc do phần lớn các trại giam đóng quân ở vùng có điều kiện kinh tế, giao thông đi lại khó khăn nên các tổ chức và cá nhân ngại đầu tư, ký kết hợp đồng. Đa số đối tượng quản lý phạm tội nghiêm trọng, thời gian chấp hành án dài, tính chất phạm tội đa dạng, phức tạp, trình độ học vấn thấp, không có ý thức lao động, không nhận thức được giá trị của lao động, trong quá trình cải tạo, lao động còn vi phạm nội quy trại giam nên gây khó khăn cho công tác tổ chức lao động cho phạm nhân trong thời gian chấp hành án tại trại giam. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất phục vụ công tác tổ chức lao động cho phạm nhân chưa được đầu tư đồng bộ. Việc giáo dục cải tạo thông qua lao động chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục.