Cuộc thi nhằm mục đích tuyên truyền về vai trò, giá trị của kỹ năng lao động trong đời sống kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế; tuyên truyền sâu rộng về Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam - 4/10.
Phát biểu tại Lễ phát động, TS Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, Trưởng Ban tổ chức Cuộc thi cho biết, kinh nghiệm thành công của nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, việc phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng, nhất là những người có tay nghề cao có vai trò đặc biệt quan trọng góp phần tạo ra năng suất lao động vượt trội.
Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng: Kỹ năng lao động không chỉ đơn thuần là trang bị kiến thức, kỹ năng, thái độ làm việc mà sau đó là vấn đề kinh tế, năng lực cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp, mỗi quốc gia.
“Ngày nay, kỹ năng lao động được xem là một đơn vị tiền tệ mới trên thị trường. Đây là yếu tố tạo sự cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp, mỗi quốc gia. Chúng ta càng có nhiều lao động kỹ năng, càng thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam”, Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Trương Anh Dũng, Diễn đàn kinh tế thế giới mới đây đã công bố báo cáo chuyên sâu với chủ đề nâng cao kỹ năng vì sự thịnh vương chung và những ảnh hưởng sâu sắc của phát triển công nghệ, toàn cầu hóa, đại dịch Covid-19. Báo cáo cung cấp một phân tích định lượng tác động của việc nâng cao kỹ năng lao động, qua đó cho thấy nhu cầu quan trọng và ngày càng cao của việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng. Báo cáo đồng thời cũng là lời kêu gọi hành động để nâng cao kỹ năng trên toàn thế giới.
Theo TS Trương Anh Dũng, các nghiên cứu đã đưa ra dự báo trong 15-20 năm tới, thị trường lao động có sự thay đổi nhanh chóng. Nhiều ngành nghề mới ra đời, nhiều kỹ năng mới đòi hỏi người lao động phải được trang bị để thích ứng với yêu cầu của sự thay đổi này.
Gần đây, một nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ quốc tế đã chỉ ra, mỗi năm khoảng 6% tăng trưởng kinh tế thế giới (tương đương 5.000 -6.000 tỷ đô la Mỹ) có thể bị mất đi nếu không chú trọng phát triển lực lượng lao động kỹ năng. Ở chiều ngược lại, theo một nghiên cứu được báo cáo tại Hội nghị Kỹ năng nghề thế giới năm 2020, phát triển kỹ năng lấy con người là trung tâm có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới thêm từ 0,5 - 2%/năm.
Do đó theo Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng, kỹ năng lao động không chỉ đơn thuần là trang bị kiến thức, kỹ năng, thái độ làm việc mà sau đó là vấn đề kinh tế, năng lực cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp, mỗi quốc gia.
Khẳng định vai trò đồng hành tích cực của báo chí trong việc lan tỏa giá trị kỹ năng lao động Việt Nam, tuy nhiên theo Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng, đó đây vẫn còn những cơ quan, tổ chức, những cá nhân chưa hiểu hết vai trò, giá trị của kỹ năng lao động. Việc tôn vinh, lan tỏa giá trị kỹ năng nghề vẫn còn nhiều hạn chế.
Ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Đây là một cuộc thi đầu tiên về lĩnh vực mà xã hội chưa nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa của nó đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam.
"Hội Nhà báo hàng năm được giao nhiệm vụ tổ chức các giải báo chí quan trọng, số lượng lên đến 15 cuộc thi. Thế nhưng, đây là cuộc thi mới nhất mà Hội Nhà báo tham gia. Việc này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Hội Nhà báo Việt Nam đối với vấn đề phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam; nhằm khẳng định vị trí, vai trò, nhận thức về kỹ năng lao động và kỹ năng nghề nghiệp của cả doanh nghiệp lẫn người lao động", ông Hồ Quang Lợi nhấn mạnh.
Cuộc thi viết kề kỹ năng lao động dành cho các loại hình báo chí: Báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình được đăng tải, phát sóng trong thời gian từ ngày 1/5 đến 31/8 trên các báo, đài được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động báo chí.
Theo đó, các nhà báo chuyên nghiệp hoặc không chuyên, các cộng tác viên, thông tin viên của các cơ quan thông tấn, báo chí và các cá nhân quan tâm đến chủ đề cuộc thi là công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài (viết bằng tiếng Việt) có tác phẩm báo chí với nội dung nêu trên và đáp ứng các điều kiện đều có thể gửi bài tham dự cuộc thi.
Về cơ cấu giải thưởng được xét theo từng loại hình báo chí, gồm: 4 giải A (mỗi giải 20 triệu đồng), 4 giải B (mỗi giải 15 triệu đồng), 8 giải C (mỗi giải 10 triệu đồng), 12 giải khuyến khích (mỗi giải 5 triệu đồng). Ngoài ra, Ban tổ chức cuộc thi có thể xem xét bổ sung thêm một số giải thưởng khác theo đề xuất của Hội đồng giám khảo.