Theo đó, Dự án “Phát triển Công tác xã hội và Tư vấn tâm lý trong trường học giai đoạn 2022-2024” (Dự án) được thực hiện tại 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hà Giang, Tuyên Quang, Hòa Bình và Thanh Hóa. Dự án nhằm nâng cao trách nhiệm, vai trò, sự phối hợp hiệu quả giữa Bộ GD&ĐT và GNI trong phát triển công tác xã hội và tư vấn tâm lý học đường tại các cơ sở giáo dục. Đẩy mạnh tư vấn, hỗ trợ, bảo vệ học sinh trong trường học, góp phần xây dựng và bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, bình đẳng. Từ đó, tạo ra một môi trường thuận lợi trong việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em.
Trong khuôn khổ dự án sẽ thực hiện khảo sát, đánh giá, tổ chức hội thảo rà soát các văn bản liên quan về công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong trường học. Trong đó, nghiên cứu quy định rõ vai trò, nhiệm vụ, quy trình thực hiện của cán bộ, giáo viên, nhân viên triển khai công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong các cơ sở giáo dục. Nghiên cứu chính sách khuyến khích xã hội hóa, thu hút doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong trường học. Cùng với đó, tăng cường phối hợp với bộ, ban, ngành và các đơn vị, tổ chức liên quan để phát triển công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong trường học.
Dự án cũng tiến hành xây dựng và phát triển mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong trường học. Xây dựng các phòng tư vấn tâm lý học đường, đa dạng hóa các hình thức và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong trường học, phù hợp với nhu cầu và bối cảnh xã hội. Đưa ra các tiêu chí hoạt động công tác xã hội và tư vấn tâm lý của các cơ sở giáo dục. Thông qua dự án các cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên triển khai công tác tư vấn tâm lý trong trường học cũng có cơ hội được đào tạo và đào tạo lại, nâng cao trình độ chuyên môn. Cùng với đó, công tác truyền thông để nâng cao nhận thức về công tác xã hội và tư vấn tâm lý học đường cũng được đẩy mạnh.
Dự kiến, khi thực hiện tại 5 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hà Giang, Tuyên Quang, Hòa Bình và Thanh Hóa sẽ có khoảng 2.017 cơ sở giáo dục mầm non, 27.800 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo; 3.704 trường học ở cấp học phổ thông được thu hưởng dự án. Nếu tính ở cấp độ cả nước sẽ có khoảng 12.000 cơ sở giáo dục mầm non, 144.000 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo; 25.400 trường học ở cấp học phổ thông được hưởng lợi từ dự án.