Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao: Yếu tố then chốt để phát triển kinh tế

“Với tổng lực lượng lao động gần 56 triệu người, tuy nhiên chỉ có 11% lao động Việt Nam có kỹ năng tay nghề cao… là khó khăn của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế. Do vậy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực luôn là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam hiện nay”, thông tin được đưa ra tại hội thảo “Hội nhập quốc tế và nguồn nhân lực trong tương lai - trang bị kỹ năng để lực lượng lao động trẻ Việt Nam thành công” do ManpowerGroup Việt Nam vừa phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH tổ chức ngày 3/12.

 

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp phát biểu khai mạc hội thảo

Dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp, ông Simon Matthews, Tổng Giám đốc ManpowerGroup Việt Nam, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp, cơ sở GDNN, các hiệp hội nghề nghiệp…

Theo đánh giá của ManpowerGroup Việt Nam, sự thay đổi nhanh chóng của thế giới việc làm trong bối cảnh CMCN 4.0 diễn ra trên toàn thế giới. Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, trí tuệ nhân tạo và robot, người lao động đang đứng trước nguy cơ bị thay thế bởi máy móc, tự động hóa ở quy mô toàn cầu. Tuy dấu ấn này chưa rõ nét, Việt Nam đang trong lộ trình hội nhập quốc tế, hòa mình vào dòng chảy CMCN 4.0 của thế giới, yêu cầu chất lượng nguồn nhân lực nâng cao như yếu tố then chốt để phát triển nền kinh tế đất nước.

 

Ông Simon Matthews, Tổng Giám đốc ManpowerGroup Việt Nam phát biểu tại hội thảo

 

Với tổng lực lượng lao động gần 56 triệu người, Việt Nam đang có lợi thế lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, theo Báo cáo thị trường quý 2 năm 2018 của ManpowerGroup, chỉ có 11% lao động Việt Nam có kỹ năng tay nghề cao. Khi tiến bộ công nghệ thay đổi các tổ chức, yêu cầu về kỹ năng tay nghề cũng thay đổi nhanh chóng và doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tìm kiếm nhân tài.

Sự thay đổi này khác nhau theo từng vị trí: Nhân sự vị trí IT sẽ có tỉ lệ tăng lớn nhất khi các tổ chức tích cực đầu tư vào số hóa, theo sau đó là nhân viên tuyến trên (lễ tân và chăm sóc khách hàng).

Ngược lại, số lượng nhân sự hành chính văn phòng được dự đoán sẽ sụt giảm mạnh do ảnh hưởng của tự động hóa. Việc phối hợp kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm chính là giải pháp tốt nhất giúp các cá nhân và doanh nghiệp vươn tới thành công trong bối cảnh cuộc cách mạng Kỹ năng.

 

Quang cảnh hội thảo


"Việt Nam có nhiều cơ hội lớn trong việc nâng cao kỹ năng cho lao động ở các lĩnh vực tăng trưởng mạnh" - ông Simon Matthews, Tổng Giám đốc ManpowerGroup Việt Nam, Thái Lan và Trung Đông chia sẻ và khuyến nghị.

Ông Simon Matthews cũng cho biết thêm: "Doanh nghiệp, Chính phủ và nhà trường cần phối hợp với nhau nhằm chuẩn bị cho thế hệ trẻ thích nghi với thế giới việc làm tương lai khi mức độ số hóa và tốc độ tăng trưởng nhanh hơn bao giờ hết. Đó là lý do ManpowerGroup mong muốn được góp phần kết nối và củng cố quan hệ hợp tác giữa ba bên, cùng giúp đỡ người lao động phát triển các kỹ năng cần thiết và thúc đẩy năng lực cạnh tranh toàn cầu của lực lượng lao động Việt Nam dài lâu."

Hòa cùng nỗ lực nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam cho tương lai và cũng là cam kết về trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng trên quy mô toàn cầu, ManpowerGroup đã công bố Chương trình học bổng thường niên nhằm hỗ trợ các sinh viên có thành tích học tập tốt nhưng hoàn cảnh kinh tế khó khăn trong hành trình vươn đến một tương lai tươi sáng. Thông qua phối hợp với các trường nghề, trường đại học và cao đẳng trên toàn quốc, ManpowerGroup thực hiện các khóa đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên năm 1-2; chương trình hướng nghiệp cho sinh viên năm 3-4 và tạo điều kiện thực tập cho sinh viên tại các doanh nghiệp.

Tại hội thảo, đại diện ManpowerGroup Việt Nam đã trao tặng Quỹ học bổng khuyến học năm 2018 nhằm khuyến khích các sinh viên giỏi nỗ lực học tập và phát huy tối đa tiềm năng của mình.

 

Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm.

 

Thứ trưởng Bộ LĐ -TB&XH  Doãn Mậu Diệp khẳng định, phát triển thị trường lao động, tăng cường năng lực cho hệ thống trung tâm giới thiệu việc làm trên cả nước; đồng thời củng cố kỹ năng, đặc biệt là các kỹ năng mới cho nguồn nhân lực Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế và CMCN 4.0 luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam. 

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp thừa nhận, chất lượng lao động Việt Nam cũng có những vấn đề quan ngại, chất lượng lao động còn thấp, tỷ lệ sinh viên thất nghiệp còn cao, nhiều sinh viên phải làm việc trái ngành nghề đào tạo, gây ra sự lãng phí lớn trong đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực. “Chính vì vậy, việc trang bị các kiến thức và kỹ năng mới cho NLĐ trong bối cảnh hội nhập là quan trọng và cần thiết”- Thứ trưởng Diệp khẳng định.