Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

“Phù thủy” máy nông nghiệp mới hết lớp 7 nhưng sáng chế hơn 40 máy móc

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Nông dân Phạm Văn Hát, người vẫn được gọi là "phù thủy” máy nông nghiệp mới học hết lớp 7 nhưng đã sáng chế hơn 40 máy móc, thiết bị nông nghiệp.

Đặc biệt với "robot đặt hạt", anh đã mang thương hiệu "made in Việt Nam" vươn tầm thế giới.

Anh Phạm Văn Hát (SN 1972, ở xã Ngọc Kỳ, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương) xuất thân trong gia đình thuần nông, từ nhỏ đã gắn bó với đồng ruộng. Học hết lớp 7, chàng trai Hát đã phải bươn chải nhiều nghề để kiểm sống. 

“Phù thủy” máy nông nghiệp mới hết lớp 7 nhưng sáng chế hơn 40 máy móc - 1
“Phù thủy” máy nông nghiệp Phạm Văn Hát cùng chiếc máy robot đặt hạt xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.

Sau khi thất bại với dự án trang trại sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn và gánh nợ 4 tỷ đồng, tháng 10/2010, anh Hát vay 200 triệu đồng để sang Israel - nơi có nền nông nghiệp phát triển để tìm câu trả lời cho sự thất bại đó. Anh đã làm nhiều công việc như rải phân, thu hoạch rau củ… để kiếm sống.

Mặc dù là quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhưng nông dân Israel vẫn phải rải phân bằng phương pháp thủ công. Nhận ra bất cập đó, anh Hát mạnh dạn đề xuất với ông chủ cho cải tiến chiếc máy đang dùng để giải phóng bớt sức lao động. Rất may, ông chủ đồng ý.

Ngày làm việc, đêm về thiết kế và tính toán, anh bắt tay vào chế tạo máy rải phân. Máy được làm xong, đem ra cánh đồng thử nghiệm và mang lại kết quả bất ngờ. 

“Chưa hài lòng, tôi tiếp tục làm tiếp chiếc thứ hai. Đến chiếc thứ ba thì kết quả mãn nguyện. Ông chủ thưởng cho tôi 10.000 USD và đề nghị mua bản quyền; đồng thời nâng lương cho tôi từ 1.000 lên 2.500 USD. Không dừng lại, tôi tiếp tục tìm tòi, cải tiến nhiều máy móc như máy thu hoạch hẹ, máy cắt xén cùng lúc nhiều bó theo một kích cỡ...

Nhờ sáng chế được nhiều máy móc hữu ích, tôi được ông chủ trả lương cao và rất ưu ái. Cùng với đó, tên tuổi và những sản phẩm máy nông nghiệp của tôi được nhiều người ở Israel và Việt Nam sinh sống, làm việc tại đó biết đến. Năm 2012, tôi trở về quê nhà khởi nghiệp lần hai”, anh Hát kể.

Gạt bỏ đàm tiếu về một nông dân học hết lớp 7, vỡ nợ, về quê khởi nghiệp, ngày đêm “vùi mình” bên máy cắt, máy hàn, anh Hát lấy những kinh nghiệm thực tế trên đồng ruộng để bù đắp những thiếu hụt về trường lớp.

Cuối cùng, sản phẩm đầu tiên sau 2 năm ấp ủ đã ra đời - “Robot đặt hạt” không chạy bằng điện mà chỉ có 1 mô tơ, 1 quạt gió, công suất tiêu thụ chỉ 200W nhưng tốc độ gieo hạt nhanh gấp đôi so với máy cùng loại. 

 “Mô tơ lắp đặt cho robot chỉ bằng cái chén nhưng có giá 3 triệu đồng. Có những ngày, tôi phải đi Hà Nội 2 - 3 lần, phóng xe máy ra chợ Giời mua. Về lắp thử không được, tôi khẩn trương mang trả, tối cũng đi vì chỉ được đổi hàng trong ngày. Được đồng nào nướng hết vào cái máy”, anh Hát chia sẻ.

Sau thành công của sản phẩm đầu tay, nhiều máy nông cụ thương hiệu “Hát chế tạo” lần lượt được trình làng. Trong đó, máy tiêm vaccine cho gia cầm được một tập đoàn của Đức đặt hàng với yêu cầu gọn nhẹ, giá thành rẻ hơn so với loại của Đức giá 35 triệu đồng/chiếc.

Khi anh Hát cho ra lò loại máy tương tự mà chỉ chi phí hơn 1 triệu đồng, cả tập đoàn ngạc nhiên, thán phục. Tiếng lành đồn xa, giờ đây các sản phẩm của anh đã có mặt tại 63 tỉnh, thành và “phủ sóng” 15 quốc gia, trong đó có những đất nước có nền khoa học phát triển như: Israel, Hàn Quốc, Nhật, Mỹ, Anh, Đức, Hà Lan, Canada…

Cách đây 3 năm, một tập đoàn máy nông nghiệp nổi tiếng thế giới đã mời anh sang làm việc với mức lương 7.000 USD/tháng nhưng Phạm Văn Hát từ chối. “Với tôi, hạnh phúc là được làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, giúp người nông dân giải phóng sức lao động, không phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” như trước…”.

Với những cống hiến của mình, năm 2015, anh được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, diện “đặc cách" vì những thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2014.

Anh được Hội Nông dân Việt Nam tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”. Năm 2018, Phạm Văn Hát được tuyên dương tại lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc; nhận bảng vinh danh "Nhân tài đất Việt”…

Khánh Vân

Báo Lao động và Xã hội số 117