Ngày 2/7/2021, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Kế hoạch số 1159/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Đề án "Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp" trên địa bàn tỉnh.
Mục tiêu của Kế hoạch nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Trong đó, tập trung về tổ chức bộ máy và nhân sự, cơ chế tài chính, trang thiết bị của Trung tâm DVVL Quảng Bình, đảm bảo tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả để chính sách BHTN thực sự trở thành công cụ chủ yếu quản trị thị trường lao động.
Theo đó, tỉnh Quảng Bình đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% người lao động đang đóng BHTN bị chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc được tư vấn miễn phí khi có nhu cầu; 80% người thất nghiệp được giới thiệu việc làm miễn phí khi có nhu cầu, trong đó 60% được giới thiệu việc làm thành công.
Tăng tỷ lệ người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ học nghề, bồi dưỡng kỹ năng, tỷ lệ người lao động đang tham gia BHTN được hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm; hoàn tất việc kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu về bảo hiểm thất nghiệp giữa Trung tâm DVVL Quảng Bình và bảo hiểm xã hội tỉnh; 100% nhân sự thực hiện BHTN tại Trung tâm DVVL Quảng Bình được đào tạo nghiệp vụ và bồi dưỡng chuyên sâu; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHTN đạt mức 85%.
Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh có 90% người thất nghiệp được tư vấn giới thiệu việc làm miễn phí khi có nhu cầu, trong đó 70% được giới thiệu việc làm thành công; tiếp tục tăng tỷ lệ người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ học nghề, bồi dưỡng kỹ năng, tỷ lệ người lao động đang tham gia BHTN được hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm.
Thực hiện việc chia sẻ, kết nối thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan quản lý Nhà nước về đầu tư, tài chính, thuế, lao động để nâng cao hiệu quả quản lý và thực thi chính sách BHTN; hiện đại hóa Trung tâm DVVL Quảng Bình; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHTN đạt mức 90%.
Để thực hiện được các mục tiêu này, Kế hoạch đặt ra 10 nhiệm vụ và giải pháp, trong đó có việc hoàn thiện hệ thống thực hiện chính sách BHTN đảm bảo tính liên kết chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị thực hiện nhằm phát huy vai trò của chính sách BHTN là chính sách về việc làm, quản trị thị trường lao động, tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề và duy trì việc làm.
Tổ chức thực hiện BHTN tại Trung tâm DVVL Quảng Bình, có sự liên thông, liên kết giữa các cơ quan, đơn vị và địa phương; tổ chức bộ máy thực hiện BHTN tại Trung tâm DVVL Quảng Bình đủ năng lực để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và đáp ứng nhu cầu người lao động trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, tăng cường tính tự chủ của Trung tâm DVVL tỉnh, gắn với sự phát triển của thị trường lao động để chia sẻ thông tin, tăng cường kết nối cung - cầu lao động đảm bảo hỗ trợ tốt nhất cho người thất nghiệp trong bối cảnh hội nhập khu vực và thế giới.
Tiến hành đánh giá quy trình nghiệp vụ thực hiện BHTN tại tỉnh, đề xuất các giải pháp điều chỉnh, hoàn thiện, chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ thực hiện BHTN có tính đến sự liên thông và yêu tố đặc thù của tỉnh. Đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm và các biện pháp hỗ trợ duy trì việc làm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện BHTN.
Đảm bảo nhân sự thực hiện chính sách BHTN phải có đủ năng lực và kỹ năng phù hợp để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ nhất là trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và thị trường lao động biến động nhanh chóng. Đẩy mạnh cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và tăng cường phân cấp kinh phí thực hiện BHTN cho Trung tâm DVVL để chủ động tổ chức thực hiện BHTN nhằm phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của Trung tâm DVVL...
Tiếp đó, triển khai thực hiện phần mềm BHTN đảm bảo theo quy định Chính phủ điện tử trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 theo hướng dẫn của Trung ương, nhằm nâng cao hiệu quả trong việc quản lý, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và giao dịch trong lĩnh vực BHTN; hỗ trợ việc kết nối giữa Trung tâm DVVL với các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn về nhu cầu sử dụng lao động, tình hình biến động lao động; thực hiện số hóa và điện tử hóa nghiệp vụ BHTN, kết nối chặt chẽ với công tác quản lý lao động, thị trường lao động.
Tỉnh tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong lĩnh vực BHTN, nhất là các hành vi trốn đóng, chậm đóng, gian lận, trục lợi bảo hiểm thất nghiệp. Đồng thời theo dõi, đôn đốc thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của đối tượng thanh tra, kiểm tra.
UBND tỉnh Quảng bình giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với BHXH tỉnh, các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người sử dụng lao động và người lao động về tầm quan trọng của các chính sách BHTN; tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan trong công tác tuyên truyền chính sách BHTN. Tập trung chỉ đạo Trung tâm DVVL Quảng Bình tiếp tục hoàn thiện hệ thống tổ chức thực hiện, nâng cao năng lực đội ngũ nhân sự, quy trình nghiệp vụ thực hiện BHTN; giải quyết thủ tục hưởng BHTN cho người lao động đúng quy định; tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề và duy trì việc làm cho người lao động đảm bảo hoạt động giao dịch việc làm; làm tốt công tác thông tin, dự báo thị trường lao động; tăng cường kết nối doanh nghiệp để giới thiệu việc làm cho người lao động…