Trong 10 năm qua, toàn tỉnh Quảng Bình có trên 125.000 lao động nông thôn đã tham gia học nghề, trong đó, gần 38.000 lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo nghề theo chính sách của Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020". Gần 80% lao động sau đào tạo nghề có việc làm đã góp phần quan trọng trong xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, Quảng Bình còn có hơn 7.500 lượt cán bộ, công chức cấp xã được đào tạo, bồi dưỡng.
Hàng năm, Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TT cấp tỉnh, cấp huyện tổ chức Hội nghị BCĐ và quán triệt công tác đào tạo nghề cho LĐNT đến cán bộ chủ chốt. Các cơ quan báo chí địa phương có nhiều tin, bài, phóng sự phản ánh hoạt động tổ chức các lớp đào tạo, giới thiệu các ngành nghề đào tạo phù hợp, các gương điển hình học nghề. Thông qua công tác tuyên truyển, tư vấn về các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã làm thay đổi nhận thức của lao động nông thôn trong vấn đề học nghề, việc làm. Người dân ngày càng quan tâm đến việc lựa chọn nghề học phù hợp với nhu cầu thị trường lao động
Các Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề cấp huyện được ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo từ kinh phí của Đề án với tổng kinh phí là 67.520 triệu đồng, góp phần hiện đại hóa cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng đào tạo nghề.
Các chương trình đào tạo được quan tâm chỉnh sửa, biên soạn phù hợp cho từng thời kỳ và sự phát triển của thực tế sản xuất, kinh doanh. Từ năm 2015 đến 2020, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với các đơn vị đảm bảo năng lực thực hiện biên soạn, chỉnh sửa và ban hành 30 chương trình đào tạo nghề phi nông nghiệp; Sở NN và PTNT đã thực hiện biên soạn, chỉnh sửa và ban hành 28 chương trình đào tạo nghề nông nghiệp và được các cơ sở đào tạo áp dụng để đào tạo nghề LĐNT.
Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt là kỹ năng nghề. Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức 35 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho hơn 832 lượt nhà giáo và tập huấn nâng cao năng lực cho 780 lượt cán bộ lãnh đạo, chuyên viên phụ trách GDNN, Kế toán của Phòng LĐ-TB&XH, phòng NN và PTNT và cán bộ quản lý của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; Tổ chức tập huấn nghiệp vụ quản lý, tư vấn giám sát đào tạo nghề cho LĐNT cho cán bộ phụ trách công tác giáo dục nghề nghiệp cho 3.361 lượt cán bộ cấp xã.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Đề án còn gặp một số khó khăn, tồn tại như: Việc thông tin, tuyên truyền chính sách hỗ trợ học nghề, việc làm đến với người dân vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là người dân tộc thiểu số có trình độ dân trí thấp, nhận thức về học nghề còn hạn chế nên chưa tích cực tham gia học nghề; công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện ở một số địa phương còn chậm và chưa quyết liệt, chưa gắn đào tạo nghề với các lợi thế sẵn có ở địa phương, chưa thực hiện lồng ghép, phối hợp công tác hỗ trợ đào tạo nghề với các chương trình đề án hỗ trợ phát triển sản xuất, bao tiêu sản phẩm, phát triển thị trường cho người lao động sau đào tạo. Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện các mô hình đào tạo nghề gắn với các doanh nghiệp, làng nghề, làng nghề truyền thống còn ít nên hiệu quả đào tạo chưa cao; mức hỗ trợ đào tạo cho lao động nông thôn còn thấp nên lao động nông thôn còn khó khăn trong lựa chọn ngành nghề đào tạo, nhiều nghề chi phí đào tạo cao, người lao động phải tự bù đắp thêm chi phí đào tạo; một số Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề tuy đã được đầu tư cơ sở vật chất thiết bị nhưng hiệu suất sử dụng thiết bị chưa cao, phần lớn các Trung tâm còn thiếu giáo viên dạy nghề cơ hữu, trình độ chuyên môn và kỹ năng thực hành nghề của một bộ phận giáo viên còn hạn chế và chưa phù hợp với hoạt động giáo dục nghề nghiệp; thiếu năng lực xây dựng, đổi mới chương trình đào; ngành nghề đào tạo chưa phong phú, đa dạng, chưa đáp ứng được nhu cầu người lao động.
Trong thời gian tới, các cấp, các ngành, địa phương tỉnh Quảng Bình cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh, người lao động; huy động nguồn lực cho công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, chú trọng thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, ưu tiên hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người khuyết tật, lao động nữ, lao động nông thôn. Chú trọng công tác bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ sản xuất, kinh doanh cho người lao động sau đào tạo.