Dẫn chúng tôi xuống dãy nhà xưởng thực hành, Th.S Lê Công Sơn-Trưởng khoa Cơ khí-Chế tạo trao đổi: Mô hình học nghề bây giờ đòi hỏi rất nhiều sáng tạo để làm sao đào tạo ra những "tay thợ" lành nghề. Ngoài việc được trang bị đầy đủ thiết bị hiện đại, cập nhật giáo trình tiên tiến thì bước tiếp theo là phải gắn học nghề với nhu cầu của doanh nghiệp. Câu chuyện nghe có vẻ đơn giản.
Nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng có thể giải được "đề bài" mà doanh nghiệp đặt ra. Với nhiều mô hình cơ khí mới với cấu trúc phức tạp, đến "thầy còn chưa thông" thì làm sao mà dạy được cho học sinh. Vì vậy, cử giảng viên đi đào tạo nâng cao tay nghề ở trong và ngoài nước luôn là khâu phải làm thường xuyên hàng năm.
Nhưng chỉ có thầy giỏi thì vẫn chưa đủ, làm sao để học sinh có thể thạo việc ngay khi còn trên ghế nhà trường mới là mục đích cuối cùng của đào tạo. Mô hình "dạy và học" theo nhu cầu doanh nghiệp đã được khoa Cơ khí-Chế tạo thực hiện trong nhiều năm nay. Thay vì khi mới nhập môn là áp ngay một đống lý thuyết lê thê vào đầu học sinh thì chúng tôi lại làm theo cách khác. Chỉ dạy khái niệm cơ bản, cho thực hành trên máy móc tại trường và kết nối với doanh nghiệp xem họ cần gì thì đáp ứng theo nhu cầu của họ.
Với cách dạy này, chúng ta sẽ tạo 2 cái lợi cơ bản cho các bên đó là thời gian học và chi phí đào tạo. Là bởi, với nhu cầu như hiện nay, học viên của trường sau 1 năm đào tạo sẽ có lương cơ bản khi thực tập tại doanh nghiệp.
Sinh viên Lê Hữu Nhật là học viên nghề hàn vừa tu nghiệp 1 năm tại Nhật Bản trở về làm việc tại trường cho biết: Sau 2 năm học nghể tại trường em đã trúng tuyển khóa tu nghiệp sinh tại Nhật Bản. Bây giờ, em lại cùng các thầy đã từng dạy em tiếp tục giảng dạy các lớp đàn em kế tiếp. Điều quí nhất mà em đúc rút từ những năm tháng tu nghiệp sinh ở Nhật Bản chính là tinh thần tự giác trong học tập và làm việc. Tính kỷ luật của Nhật là rất cao, họ luôn đánh giá con người qua kỹ năng làm việc, ứng xử với công việc và sẽ không bao giờ chấp nhận sự cẩu thả, bừa bãi. Giờ giấc với họ được tính bằng giây vì vậy những sản phẩm mà họ làm ra cũng phải đạt được độ chính xác gần như tuyệt đối.
Em đã có những ngày làm việc thực sự trên những máy móc thực tế tại công ty. Những sản phẩm mà chúng em làm ra là sự kết hợp giữa lý thuyết cơ bản tại nhà trường và thiết bị, nguyên vật liệu của đơn vị. Ngoài việc tiếp cận với máy móc, môi trường làm việc hiện đại, chúng em còn được hưởng lương cơ bản 1 ngày là 100 ngàn đồng và các chế độ ăn uống sinh hoạt như các các công nhân chính thức khác của nhà máy. Sau khi hoàn thiện các môn học còn lại để nhận bằng tốt nghiệp, chúng em sẽ được nhận vào làm việc ngay với mức lương từ 10-12 triệu đồng/ tháng. Đây là mức lương khá ở Quảng Ngãi vì chúng em còn được công ty cung cấp các bữa ăn chính và giữa giờ. Với thu nhập này em nghĩ sẽ không cần đi làm đâu cho xa mà vẫn có thế có mức ổn định tại quê nhà.
Nguyễn Thanh Hậu, sinh viên năm 2 của khoa Cơ Khí-Động lực vừa có đợt "thực hành có lương" tại công ty HoYa Lens-Khu công nghiệp Vsip Quảng Ngãi.
Năm học 2019, khoa Cơ Khí-Chế tạo tuyển sinh 220 sinh viên cho các ngành là hàn, cắt gọt kim loại, chế tạo cơ khí. Đây là một trong những nguồn nhân lực rất quan trọng phục vụ cho các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian tới.