Thống kê từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh, đến cuối năm 2019, trên địa bàn tỉnh có 42 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp, gồm: 8 trường cao đẳng; 2 trường trung cấp; 13 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên; 2 trường đại học và 17 đơn vị gồm các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Trong số các cơ sở đào tạo, 32 cơ sở công lập và 10 cơ sở thuộc doanh nghiệp với các cơ quan chủ quản khác nhau và được phân bố trên tất cả các huyện, thị xã, thành phố.
Theo báo cáo của các cơ sở đào tạo nghề nghiệp, tổng kinh phí dành cho công tác giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2019 là 712.164,44 triệu đồng, tăng 18,41% so với năm 2018, trong đó: Kinh phí ngoài ngân sách là 607.889,68 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 85,36% tổng kinh phí; Ngân sách Nhà nước cấp là 104.274,77 triệu đồng, chiếm 14,64% tổng kinh phí đào tạo toàn tỉnh.
Tỉnh đã dành kinh phí để đầu tư xây dựng cơ bản, đầu tư nghề trọng điểm Trường Cao đẳng (CĐ) Giao thông Quảng Ninh, CĐ Việt - Hàn, CĐ Nông Lâm Đông Bắc, CĐ TKV, CĐ CN &XD, Cao đẳng nghề Xây dựng, CĐ CN Cẩm Phả, Cao đẳng Y tế Quảng Ninh: 35 nghề (7 trọng điểm quốc tế, 7 TĐ ASEAN, 21 nghề trọng điểm quốc gia). 3 trường được lựa chọn đầu tư trường CĐ chất lượng cao là: CĐ Việt - Hàn, CĐ Nông Lâm Đông Bắc, CĐ Công nghiệp và Xây dựng.
Các cơ sở đã chi cho công tác đào tạo năm 2019 tăng so với 2018, trong đó: Chi đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, đầu tư trang thiết bị tăng 51,40% so với năm 2018 và chi cho xây dựng chương trình giáo trình tăng cao nhất là 70,65% so với năm 2018. Năm 2019, các cơ sở đào tạo đã tiến hành xây dựng, biên soạn 220 chương trình, 212 giáo trình đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, đặc biệt là các chương trình đào tạo cho lao động nông thôn và biên soạn giáo trình cũng như tài liệu phục vụ cho đào tạo.
Đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, nâng cao trình độ và bồi dưỡng công nghệ mới cũng như nghiệp vụ sư phạm, năm 2019, 1.658 lượt nhà giáo đã được đào tạo bồi dưỡng. Đến nay, tổng số nhà giáo cơ hữu và tham gia đào tạo nghề nghiệp năm 2019 trong toàn hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp tỉnh Quảng Ninh là 1.671 người. Đối với khối Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, số nhà giáo đạt chuẩn là 81,25% (65/80); tương tự đối với khối trường đại học có hoạt động giáo dục nghề nghiệp là 78,11% (232/297) và đối với khối các cơ sở khác (đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp) là 76,67% (138/180).
Một điểm nổi bật trong công tác giáo dục nghề nghiệp tại Quảng Ninh năm 2019 là tiếp tục đẩy mạnh đào tạo nghề nghiệp gắn với doanh nghiệp. Các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh thường phối hợp trong việc: Giới thiệu học sinh, sinh viên vào làm việc tại doanh nghiệp; tổ chức cho học sinh, sinh viên đi thực tập tại doanh nghiệp; nhà trường phối hợp doanh nghiệp cùng tham gia tư vấn và tuyển chọn nhân lực. Nhà trường cùng với doanh nghiệp tiến hành sơ tuyển ban đầu để HSSV yên tâm học tập. Nhà trường có trách nhiệm giảng dạy lý thuyết, còn doanh nghiệp chịu trách nhiệm hướng dẫn thực tập và cam kết đầu ra đối với HSSV; ký hợp đồng để tổ chức đào tạo và cung ứng cho các doanh nghiệp; phối hợp xây dựng chương trình đào tạo; phối hợp với doanh nghiệp khảo sát nhu cầu lao động để xây dựng chương trình sát với các hoạt động sản xuất của doanh nghiệp; phối hợp bồi dưỡng kỹ năng nghề cho lao động tại doanh nghiệp thông qua các hoạt động như: Đánh giá kỹ năng nghề, bồi dưỡng nâng bậc cho công nhân; cử cán bộ, nhà giáo đến tham quan dây chuyền sản xuất...
Bên cạnh đó, năm 2019, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh và tổ chức triển khai, thực hiện nhiều cơ chế, chính sách, biện pháp để nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Trong đó tiếp tục phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh triển khai các hoạt động trong Biên bản Ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm - An toàn lao động đến năm 2020. Kết quả, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã giới thiệu, cung ứng 20.693 lao động cho các doanh nghiệp; phối hợp (hợp đồng đào tạo) tổ chức đào tạo 2.863 lao động cho các doanh nghiệp; phối hợp bồi dưỡng kỹ năng nghề cho 101 nhà giáo; phối hợp bồi dưỡng dưỡng kỹ năng nghề nâng bậc cho 7.605 lao động của doanh nghiệp; phối hợp xây dựng 108 chương trình đào tạo.
Bằng việc triển khai đồng bộ các giải pháp, năm 2019, công tác giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh tiếp tục có nhiều khởi sắc, ngày càng thu hút nhiều học sinh trên địa bàn và các vùng lân cận tham gia học nghề, tuyển sinh đạt và vượt kế hoạch năm. Trình độ trung cấp đã có chuyển biến tích cực so với năm 2018.
Tỷ lệ người học có việc làm sau đào tạo đã khẳng định phần nào về hiệu quả, chất lượng công tác đào tạo nghề nghiệp ở tỉnh Quảng Ninh, là thước đo để tỉnh, mà cụ thể là cơ quan quản lý, các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nắm bắt thời cơ, dựa vào các chủ trương, chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo, hỗ trợ của tỉnh phát huy mọi nguồn lực, nâng cao chất lượng đào tạo nhằm cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao, theo nhu cầu của thị trường và doanh nghiệp.
Tổng số tuyển sinh, đào tạo nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt 36.818 người, bằng 102,23% kế hoạch năm 2019. 5 nhóm ngành, nghề có kết quả tuyển sinh tốt là: Nhóm Vận hành chiếm tỷ trọng cao trong tổng số tuyển sinh, chiếm 50,04%; Nhóm nghề Điện nước - Sửa chữa - Cơ khí; Nhóm nghề mỏ - hỗ trợ nghề mỏ; Nhóm Du lịch - Dịch vụ; Nhóm Nông - Lâm - Ngư nghiệp. Nhờ đó đã góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh năm 2019 đạt 80%. Tổng số học sinh, sinh viên và học viên tốt nghiệp năm 2019 là 31.580 người. Số người học được giải quyết việc làm sau khi tốt nghiệp là 24.911 người, đạt 79% tổng số người học tốt nghiệp, trong đó: 7.919 người có hợp đồng với doanh nghiệp (bằng 31,79% số người học có việc làm), 608 người học được cơ sở đào tạo giới thiệu việc làm (bằng 2,44%).