Từ năm 2021 đến nay, nhiều chương trình, chính sách mới trong lĩnh vực lao động, việc làm đã được tỉnh ban hành và triển khai với những nội dung mới chưa có tiền lệ, đáp ứng thực tiễn quan hệ lao động - việc làm của thị trường lao động, phù hợp các quy định, hướng dẫn của trung ương, nổi bật là Quyết định số 4103/QĐ-UBND ngày 3/11/2020 về Chương trình việc làm tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Với vai trò nòng cốt, Sở LĐ-TB&XH Quảng Ninh đã nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh giao chỉ tiêu về đào tạo việc làm để các địa phương xây dựng triển khai các hoạt động hỗ trợ tạo việc làm gắn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tích cực phối hợp với các địa phương đẩy mạnh các hoạt động truyền thông trọng tâm, trọng điểm hỗ trợ về việc làm. Trong đó, lồng ghép các chính sách tuyển dụng, thu hút lao động, thông tin thị trường lao động, đặc điểm và xu thế của thị trường lao động trong, ngoài nước, các thị trường lao động truyền thống, thị trường lao động mới và các chương trình xuất khẩu lao động… Trên cơ sở đó, các địa phương đều căn cứ kế hoạch để xây dựng, ban hành các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ, giải quyết việc làm.
Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh Quảng Ninh đã giải quyết việc làm cho 144.500 lao động, bình quân đạt 28.900 lao động/năm; trong đó chỉ tiêu tạo việc làm tăng thêm là 92.700 lao động, lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng là 2.049 người... Số người được tạo việc làm tăng thêm những năm qua tập trung chủ yếu vào khu vực công nghiệp - xây dựng (52%), thương mại - dịch vụ (48%); lao động khu vực nông - lâm - ngư nghiệp đã đảm bảo mức thay thế, chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với xu hướng xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Các hoạt động hỗ trợ giải quyết việc làm đã nâng cao vai trò của quản lý nhà nước về việc làm, thúc đẩy và nâng cao chất lượng việc làm, tăng cường kết nối cung - cầu lao động, cải thiện cơ hội tìm kiếm việc làm, góp phần quan trọng trong việc tạo việc làm, duy trì việc làm bền vững, tăng thu nhập cho người lao động (NLĐ) và phát triển thị trường lao động trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, tổ chức các sàn giao dịch việc làm nhằm tăng thêm cơ hội làm việc cho NLĐ trên địa bàn tỉnh được thực hiện tích cực. Trên địa bàn tỉnh hiện có hai nhóm đơn vị có chức năng hoạt động dịch vụ việc làm là Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Ninh (Sở LĐ-TB&XH) và 3 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm được cấp phép hoạt động. Các đơn vị có chức năng thực hiện kết nối cung - cầu lao động thông qua công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động và thực hiện kết nối định kỳ hằng tháng tại các sàn giao dịch. Đây là những kênh quan trọng, tạo điều kiện thuận tiện cho NLĐ có cơ hội bình đẳng trong tìm kiếm việc làm.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 16 KCN, tổng diện tích trên 17ha, với 107 dự án đang hoạt động tại các KCN (70 dự án FDI, 37 dự án trong nước). Hằng năm, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp sản xuất tại KCN rất lớn. Theo thống kê của Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, năm 2023 nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông của doanh nghiệp tại các KCN là 12.980 lao động.
Mục tiêu giai đoạn 2021-2025 mỗi năm tạo việc làm tăng thêm cho từ 13.000-15.000 lao động. Riêng năm 2022, toàn tỉnh đã thực hiện giải quyết việc làm cho 39.600 lượt lao động, trong đó tạo việc làm tăng thêm cho khoảng 13.200 lao động. Số người đã được tạo việc làm tăng thêm tập trung chủ yếu vào khu vực công nghiệp - xây dựng (55,03%) và thương mại, dịch vụ (44,97%). Trong 9 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đã tạo việc làm tăng thêm cho khoảng 16.000 lao động (đạt 80% kế hoạch năm).
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác giải quyết việc làm, thời gian tới Sở LĐ-TB&XH sẽ thực hiện nghiên cứu và xây dựng hệ thống thông tin về thị trường lao động. Tăng cường công tác phối hợp triển khai với các sở, ngành liên quan trong việc hỗ trợ, tạo việc làm. Thực hiện hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút lao động, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm và nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Chú trọng việc xúc tiến, quảng bá trong đào tạo nghề, xây dựng thương hiệu cho cơ sở đào tạo nghề; tăng cường hiệu quả kết nối, đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi số trong việc kết nối thông tin thị trường lao động. Đồng thời, tiếp tục tạo điều kiện tối đa cho người lao động tham gia tuyển chọn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để đảm bảo hoàn thành mục tiêu đã đề ra.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ tăng cường công tác truyền thông, nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện chương trình; hỗ trợ phát triển thị trường lao động; hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện học nghề, tìm kiếm việc làm; vay vốn tạo việc làm từ quỹ quốc gia về việc làm; hỗ trợ đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài...