Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Quốc hội xem xét, thông qua Luật Việc làm (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 9

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Theo Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Luật Việc làm (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV.

Ngày 30/5, tiếp tục Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

An toàn thực phẩm mới chỉ quản được phần ngọn

Góp ý về chương trình xây dựng pháp luật năm 2025, đại biểu Trần Thị Thanh Lam (đoàn Bến Tre) cho biết, báo cáo của Chính phủ 4 tháng đầu năm 2024 cho thấy cả nước có 24 vụ với 835 người ngộ độc thực phẩm, 3 người chết và chưa có dấu hiệu dừng lại trong thời gian gần đây.

Le Thanh Long.jpg
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long giải trình, làm rõ thêm về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.

“Có thể nói, công tác quản lý an toàn thực phẩm hiện nay mới được quản lý trên ngọn, chưa quản lý nội dung này từ gốc, tức là khi xảy ra hậu quả các ngành chức năng mới vào cuộc.

Trong công nghiệp, công tác quản lý thành phẩm tương đối thuận lợi hơn, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề cần xem xét điều chỉnh, nhất là trong quy trình đăng ký, kiểm tra, giám sát sản phẩm, bảo quản...”, đại biểu Lam thẳng thắn.

Theo đại biểu Lam, Quốc hội khóa XIV đã có giám sát tối cao việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016.

Qua giám sát đã nhận diện nhiều tồn tại, hạn chế và có đề xuất nhóm giải pháp khắc phục cũng như có nhiều kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan và các địa phương trong việc tổ chức thực hiện tốt chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, công tác quản lý về an toàn thực phẩm vẫn còn rất nhiều bất cập. 

Để khắc phục những hạn chế bất cập trong quản lý an toàn thực phẩm hiện nay phù hợp tình hình thực tế, đại biểu đề nghị đưa Luật An toàn thực phẩm, bổ sung vào chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2025.

Đề cập đến vấn đề quản lý thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng, đại biểu Thái Thị An Chung (đoàn Nghệ An) nói: Mới đây, Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nhằm nhận diện tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đánh giá thực trạng mua bán, sử dụng cũng như công tác quản lý nhà nước về phòng chống tác hại của thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.

Qua phiên giải trình cho thấy một nghịch lý là tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại Việt Nam ngày càng tăng, nhất là trong giới trẻ.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh năm 2023 từ nhóm tuổi 13 -17 đã tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm, ở nhóm tuổi 13 - 15 đã tăng từ 3,5% năm 2022 lên 8%.

Tuy nhiên, phản ứng chính sách của chúng ta lại rất chậm. Bộ Y tế cho rằng khó khăn, vướng mắc hiện nay là Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012 chưa điều chỉnh các loại thuốc lá mới xuất hiện sau khi luật ban hành cho nên thiếu một cơ chế pháp lý nhận diện và quản lý. 

“Tuy nhiên, trong dự thảo chương trình trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2024 trình Kỳ họp thứ 7 vẫn thấy thiếu vắng dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Đề nghị Chính phủ và Bộ Y tế sớm trình Quốc hội bổ sung vào chương trình xây dựng luật năm 2025 dự án luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá và có thể áp dụng quy trình thủ tục rút gọn xem xét, thông qua tại 1 kỳ họp để bảo vệ tương lai của thế hệ trẻ”, đại biểu Chung nói.

Xem xét, thông qua 12 dựa án Luật tại Kỳ họp thứ 9

Trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, năm 2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 đối với 12 dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, bao gồm: Luật Chuyển đổi giới tính; Luật Việc làm (sửa đổi); Luật Hóa chất (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Luật Điện lực (sửa đổi); Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; Luật Nhà giáo; Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; đồng thời, trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình tại một kỳ họp dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2026, điều chỉnh Chương trình năm 2025 (nếu có).

10 dự án luật sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 bao gồm: Luật Cấp, thoát nước; Luật Quản lý phát triển đô thị; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Dẫn độ; Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; Luật Tương trợ tư pháp về dân sự; Luật Tương trợ tư pháp về hình sự; Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi); Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và Luật Đường sắt (sửa đổi) như tiến độ do Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề xuất.

Về chương trình giám sát của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường năm 2024, Quốc hội tiếp tục thực hiện giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội” ngay sau khi Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi) được thông qua để góp phần đưa các luật này sớm đi vào cuộc sống.

Về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 2 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 1 chuyên đề để giám sát tối cao.

Trong đó, chuyên đề 1 sẽ giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành.

Chuyên đề 2 giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Quốc hội dành 2,5 ngày chất vấn 4 nhóm vấn đề

Trong tuần làm việc thứ 3, Quốc hội sẽ tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7. Theo đó, phiên chất vấn sẽ diễn ra trong 2,5 ngày (từ ngày 4 đến 6/6), tập trung vào 4 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Kiểm toán, Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

Cụ thể, với nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường, nội dung chất vấn sẽ tập trung vào: Việc quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên biển quốc gia; tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về an ninh nguồn nước; giải pháp phòng, chống tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu, suy giảm, ô nhiễm nguồn nước; giải pháp nghiên cứu, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng và tài nguyên, khoáng sản quý hiếm...

Với nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực công thương, nội dung chất vấn tập trung vào: Công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử; giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, thúc đẩy việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trước bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường; việc thực hiện chính sách, pháp luật phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, nhất là trong phục vụ chế biến nông, lâm, thủy sản, phát triển nông nghiệp, nông thôn...

Với nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực kiểm toán, nội dung chất vấn sẽ tập trung vào: Trách nhiệm và giải pháp khắc phục tình trạng các doanh nghiệp, dự án được kiểm toán nhưng vẫn xảy ra sai phạm; việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán nhà nước; giải pháp khắc phục tình trạng chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm toán...

Với nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, nội dung chất vấn tập trung vào công tác tuyển chọn, đào tạo và chế độ chính sách đối với vận động viên thể thao, nghệ sĩ trong các lĩnh vực nghệ thuật; giải quyết việc làm cho vận động viên, nghệ sĩ sau thời kỳ thi đấu, biểu diễn đỉnh cao; việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch trong năm 2024 và những năm tiếp theo; giải pháp phát triển sản phẩm du lịch đêm; chính sách đặc thù, thu hút đầu tư cho các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi...

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ (hoặc Phó Thủ tướng Chính phủ được ủy quyền) sẽ làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

 

Châu Giang

Báo Lao động Xã hội số 66