Sau 3 năm triển khai thực hiện, nhìn chung cấp ủy, chính quyền địa phương đều quan tâm chỉ đạo trong việc tổ chức thực hiện chính sách và sự phối hợp giữa các ban, ngành, các Hội đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về Bảo hiểm xã hội nói chung, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nói riêng để mở rộng, phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Thực hiện quy định của Luật ATVSLĐ và Nghị định 37/2016/NĐ-CP, hầu hết các trường hợp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã xác định tỷ lệ suy giảm sức khỏe đều được hưởng chế độ trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật, cụ thể: Trong giai đoạn 2016 – 2018, các cơ quan bảo hiểm xã hội đã chi khám giám định thương tật bình quân là hơn 1,9 tỷ đồng/năm; chi trợ cấp bình quân là gần 148 tỷ đồng/năm; chi hỗ trợ chuyển đổi nghề bình quân là gần 67 tỷ đồng/năm; chi hỗ trợ phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong năm 2018 là 200 triệu đồng; năm 2017 phê duyệt hỗ trợ kinh phí huấn luyện từ bảo hiểm xã hội là hơn 96 tỷ đồng cho 38.276 người; năm 2018 phê duyệt hỗ trợ huấn luyện ATVSLĐ cho người tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc là gần 43 tỷ đồng… Tuy vậy, việc triển khai còn vướng mắc, chậm do một số quy định về tài chính, thủ tục hành chính quá phức tạp.
Mục đích chính của Luật ATVSLĐ là mở rộng đối tượng sang cả khu vực lao động không có hợp đồng lao động, chuyển mạnh từ bị động giải quyết hậu quả sang chủ động phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Để thực hiện tốt hơn chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc, các cấp, ngành cần tích cực sử dụng hiệu quả nguồn tối đa 10% từ nguồn thu Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng năm (500 tỷ đồng/năm) để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, người lao động trong cả nước phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Mở rộng nội dung hỗ trợ, nâng mức bồi thường trợ cấp; Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sang khu vực không có quan hệ lao động (Dự kiến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ xây dựng dự thảo trình Chính phủ vào năm 2020). Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc, thực hiện chế độ, chính sách tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại các đơn vị sử dụng lao động, các cơ quan có thẩm quyền liên quan đến giải quyết đóng, hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm, đảm bảo quyền lợi của người lao động.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã xây dựng dự thảo trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 37/2016/NĐ-CP theo hướng: Bỏ bớt thủ tục hành chính; quy định rõ hơn, thuận lợi hơn mức hỗ trợ (cao hơn); quy trình xác định đối tượng được hưởng nhanh hơn, chính xác hơn, quy trình thực hiện thuận lợi hơn, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tốt hoạt động phòng ngừa, giảm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Cụ thể:
Khám, chữa bệnh nghề nghiệp. Hiện nay, doanh nghiệp rất ngại, thậm chí trốn khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động vì việc khám này rất tốn kém so với khám sức khỏe bình thường. Khi phát hiện ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp lại phải tốn kém rất nhiều chi phí chữa bệnh cho người lao động. Bên cạnh đó, sẽ phải cải thiện điều kiện lao động, môi trường lao động. Chính vì lý do đó nên quy định hỗ trợ khám, chữa bệnh nghề nghiệp là giúp doanh nghiệp giảm chi phí nhưng vẫn đảm bảo được quyền lợi, chế độ cho người lao động.
Phục hồi chức năng cho người lao động. Khi người lao động không may bị tai nạn lao động, bị suy giảm chức năng của các bộ phận cơ thể, người lao động khó làm được công việc bình thường, dễ bị sa thải, mất việc làm. Quy định hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi chức năng cho người lao động là rất nhân văn, vừa giúp dpanh nghiệp giảm chi phí phục hồi, giúp người lao động phục hồi chức năng có thể tiếp tục làm công việc phù hợp, có thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình. Đặc biệt giúp người lao động trong doanh nghiệp yên tâm công tác, gắn bó.
Điều tra lại các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo đề nghị của cơ quan Bảo hiểm xã hội. Trước đây chưa có quy định này, khi Đoàn điều tra tai nạn lao động đưa ra kết luận điều tra, có trường hợp Bảo hiểm xã hội không đồng tình, nên có thể gây thiệt hại cho doanh nghiệp, nhất là chế độ chính sách không thực hiện được, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động và Quỹ Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhưng khó tổ chức điều tra lại vì chưa có quy định của pháp luật nên không có kinh phí cho hoạt động này. Vì vậy, quy định này sẽ giải quyết được dứt điểm vướng mắc nêu trên.
Hỗ trợ huấn luyện ATVSLĐ. Đây là hoạt động rất quan trọng trong phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Bởi vì khi NLĐ được huấn luyện ATVSLĐ theo đúng các quy định của Luật ATVSLĐ, Nghị định 44/2016/NĐ-CP và huấn luyện các giải pháp làm việc an toàn tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất , họ sẽ hiểu các rủi ro, biết cách phòng tránh nguy cơ có thể xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với họ. Biết bảo vệ mình và đồng đội xung quanh, đem lại hạnh phúc cho gia đình của họ khi không xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Tránh được tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là tránh được mất đi sức khỏe, tính mạng; giảm chi phí, thiệt hại cho doanh nghiệp; đem lại hạnh phúc cho bản thân, gia đình, góp phần phát huy hiệu quả của Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Nghị định sửa đổi Nghị định số 37/2016/NĐ-CP đã trình Chính phủ ban hành. Với hành lang pháp lý ngày càng hoàn thiện, chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sẽ ngày càng phát huy hiệu quả, bảo vệ sức khỏe, tính mạng người lao động, hỗ trợ doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, góp phần đảm bảo an toàn, trật tự, phát triển xã hội.