Trên cơ sở rút kinh nghiệm từ kỳ thi thử lần thứ nhất, trong 2 ngày 27 và ngày 28/11 Ban tổ chức đã tiến hành thi thử lần 2, qua đó đánh giá, rút kinh nghiệm để chuẩn bị tốt nhất cho Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia sắp tới. Tại lần thi thử thứ 2 này Ban tổ chức đã kiểm tra, đánh giá kết quả thi thử của 6 nghề: Quản trị hệ thống mạng; thiết kế đồ họa; phát triển ứng dụng di động; giải pháp phần mềm CNTT; robot di động; công nghệ web. Trong đó, đặc biệt trao đổi sâu vào các vấn đề kỹ thuật gồm: Kết nối vào hệ thống, kiểm tra hệ thống công nghệ thông tin vào hệ thống, nhập dữ liệu, đánh giá bài thi, làm bài, nộp bài, chấm điểm trên hệ thống… Cuộc họp đã đưa ra các giải pháp nhằm giải quyết ngay các vấn đề về kết nối camera, khắc phục lỗi chia sẻ màn hình, và các vấn đề kỹ thuật liên quan từ các điểm thi về trung tâm điều hành kỳ thi.
Ông Trần Đức Doanh- Trưởng tiểu ban giám khảo nghề công nghệ web cho biết: Vẫn còn 1 số trục trặc kết nối, camera một số điểm thi chưa kết nối được, kết nối với máy ảo vẫn còn tình trạng chập chờn. Đề nghị các điểm thi nhanh chóng kết nối với ban tổ chức và khắc phục chia sẻ màn hình.
Ông Lê Hồng Kỳ - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP Kỹ thuật Vĩnh Long (Hội đồng thi Quốc gia số 1 – đơn vị đăng cai thi thử) thông tin, đơn vị đăng cai đã kiểm tra kết nối camera để tiểu ban giám khảo làm việc đã ổn định.
Theo ông Kim Hồng Hưng, Phó trưởng tiểu ban Tuyên truyền thông tin và phòng chống Covid-19 của Kỳ thi, với quan điểm bảo vệ tối đa cho quyền lợi của thí sinh, vấn đề kỹ thuật cần được giải quyết tốt hơn. Vấn đề nộp bài cần có phương án bảo đảm cho các thí sinh nộp bài thành công, bảo đảm công khai minh bạch trong quá trình chấm thi, thi, làm bài, nhập điểm. Thông tin truyền thông báo chí tiếp cận rất hạn chế, đề nghị các điểm thi chuyển hình ảnh về ban tổ chức, chắt lọc hình ảnh đẹp tạo hiệu ứng cho truyền thông... Về vấn đề phòng chống covid-19, các điểm thi cần có biện pháp phòng chống, bảo đảm quy định 5K và các quy định khác của Nhà nước, có phương án bảo đảm an toàn và quyền lợi cho thí sinh tạo hiệu ứng cho truyền thông giáo dục nghề nghiệp...
Về vấn đề an ninh cho Kỳ thi, đại diện A03 cho biết: Đã xây dựng phương án bảo đảm an toàn an ninh mạng, thi trực tuyến đòi hỏi những vấn đề khó khăn hơn khi trong quá trình thi có thể xảy ra đứt gãy đường truyền, lên kịch bản cho những tình huống phát sinh ngoài mong muốn
Bà Phạm Thị Hường, Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội cho biết thêm: Qua đợt 1 thi thử, vấn đề kỹ thuật cần được giải quyết tốt hơn... Đã phắc phục nhiều bất cập trong công tác chuẩn bị. Các yêu cầu về băng thông, đường truyền đã ổn định. Đơn vị đăng cai và BTC bảo đảm quyền lợi và tính minh bạch nhất cho các thí sinh dự thi.
Theo Ban tổ chức Kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia, để bảo đảm các khâu điều hành thông suốt, Ban tổ chức đã thành lập tiểu ban online, tập trung nhân lực phục vụ cho kỳ thi. Thống nhất quan điểm bảo vệ tối đa cho quyền lợi của thí sinh, bảo đảm công khai minh bạch trong quá trình chấm thi, thi, làm bài, nhập điểm. Xây dựng phương án bảo đảm an toàn an ninh mạng, kịch bản ứng phó những tình huống phát sinh ngoài mong muốn. Đồng thời xây dựng phương án phòng chống dịch trong kỳ thi, bảo đảm quy định 5K, bảo đảm an toàn thí sinh trong quá trình tham dự kỳ thi. Ban tổ chức cũng đề nghị các điểm thi chắt lọc hình ảnh đẹp để tạo hiệu ứng cho truyền thông giáo dục nghề nghiệp.
Ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết: Do diễn biến dịch bệnh phức tạp và yêu cầu thích ứng nhanh chóng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Kỳ thi kỹ năng nghề Quốc gia năm nay được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Đây là hình thức thi kỹ năng nghề chưa có tiền lệ, rất thách thức và ứng dụng nhiều công nghệ phức tạp, làm thay đổi truyền thống và quan niệm… Vì vậy, công tác chuẩn bị được tra soát và đánh giá rất kỹ đến từng chi tiết để giảm thiểu rủi ro có thể phát sinh trong quá trình tổ chức kỳ thi. “Với sự chuẩn bị kỹ càng, chuyên nghiệp, chúng tôi hy vọng kỳ thi sẽ được tổ chức thành công tốt đẹp”, ông Trường nhấn mạnh.