Cũng trong sáng ngày 7/9, Ban tổ chức Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc đã có buổi gặp mặt báo chí để thông tin về hội thi.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tám, Vụ trưởng Vụ Cơ sở vật chất và thiết bị (thuộc Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp – Bộ Lao động, thương binh và Xã hội), Phó trưởng ban tổ chức Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ 6 năm 2019, Hội thi năm có 58 tỉnh, thành phố tham dự. Tổng số thiết bị đăng ký dự thi là 396 thiết bị của 216 cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Tác giả, nhóm tác giả dự thi đều là những nhà giáo có kỹ năng nghề cao và đã từng thiết kế, chế tạo thành công những sản phẩm đạt chất lượng, đang được áp dụng cho công tác đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Các thiết bị đăng ký dự thi tập trung ở 4 nhóm nghề, gồm: Công nghệ Kỹ thuật điện, điện tử viễn thông (184 thiết bị, chiếm 47% số lượng); Công nghệ Kỹ thuật cơ khí (114 thiết bị, chiếm 29%); Máy tính và Công nghệ thông tin (23 thiết bị); Nhóm Tổng hợp có 75 thiết bị tham dự Hội thi, bao gồm các nghề, như: Y tế, Xử lý nước thải, Nuôi trồng thủy sản, Thú y, Kỹ thuật xây dựng, Du lịch, khách sạn, nhà hàng, Sản xuất chế biến,…
Các tỉnh, thành phố có số lượng thiết bị tham gia dự thi nhiều, như: Hà Nội (28 thiết bị), Hải Phòng (22 thiết bị), Nghệ An (16 thiết bị), Vĩnh Phúc (15 thiết bị), thành phố Hồ Chí Minh, Gia Lai, Đắk Lắk (11 thiết bị), Quảng Nam, Thanh Hóa, Đồng Nai (thiết bị). Riêng Đoàn chủ nhà Thừa Thiên – Huế tham dự Hội thi với số lượng thiết bị là 20.
Trên cơ sở số lượng các thiết bị đăng ký dự thi theo các nghề và nhóm nghề, Ban tổ chức Hội thi đã thành lập 13 Tiểu ban giám khảo để chấm thi. Mặt khác, các thiết bị sẽ được đánh giá, chấm điểm theo thang điểm 100 và theo các tiêu chí về: tính sư phạm; tính khoa học, kỹ thuật và sáng tạo; tính ứng dụng và sự trình bày của người thi.
Ông Đỗ Năng Khánh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Trưởng Ban tổ chức Hội thi, Hội thi Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc 2019 là cơ hội để đội ngũ giáo viên, học sinh và sinh viên phát huy tiềm năng trí tuệ, sức sáng tạo trong việc tạo nên các thiết bị đào tạo có chất lượng phù hợp với chương trình đào tạo, sát với thực tế sản xuất để ứng dụng vào thực tiễn dạy và học, đồng thời tiết kiệm kinh phí đầu tư mua sắm thiết bị.
Đây cũng là dịp để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trao đổi, học hỏi lẫn nhau về kinh nghiệm sáng chế và cải tiến thiết bị đào tạo, tạo phong trào tự làm thiết bị rộng rãi trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thông qua hội thi, ban tổ chức sẽ lựa chọn các thiết bị đào tạo tự làm có chất lượng để phổ biến nhân rộng cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong cả nước, góp phần phát huy hiệu quả về chất lượng đào tạo.
Cũng theo ông Khánh, Hội thi năm nay có 1 số điểm mới so với các kỳ thi lần trước, như: giải thưởng của Hội thi năm nay sẽ được xét giải theo nhóm nghề; việc chấm thi được tiến hành công khai, giữa các giám khảo không có sự tranh luận để thống nhất ý kiến mà cho điểm độc lập bằng phương pháp bỏ phiếu kín, kết quả chỉ được công bố trong Lễ bế mạc hội thi.
Mặt khác, để đảm bảo công bằng trong chấm thi, danh sách cán bộ chấm thi đối với từng loại thiết bị được giữ kín thông tin cho đến sát thời điểm tổ chức chấm thi. Ngoài ra, đây cũng là lần đầu tiên có số Đoàn dự thi lớn, tăng gấp 10% so với Hội thi trước.
Theo Tiến sĩ Phạm Văn Quân, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường cao đẳng Công nghiệp Huế (đơn vị đăng cai tổ chức Hội thi), để phục vụ tốt nhất cho Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ 6 năm 2019, trong hơn 1 tháng qua, Nhà trường đã gấp rút chuẩn bị cơ sở vật chất, phòng ốc cũng như nhân lực, bảo đảm Hội thi diễn ra thành công tốt đẹp nhất. Trường cũng đã bố trí lịch tạm nghỉ học cho sinh viên, học sinh trong thời gian diễn ra Hội thi; bố trí sinh viên tham gia đội tình nguyện viên để phục vụ, hướng dẫn các Đoàn thi khi đến cố đô Huế.