Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Sắp có Đề án thu hút người nước ngoài đến Việt Nam chữa bệnh

Trong năm 2019 có khoảng 20.000 lượt người nước ngoài điều trị nội trú tại các bệnh viện ở Việt Nam.

Theo VOV, Bộ Y tế đang trong quá trình xin ý kiến về Đề án “Thu hút người nước ngoài, người Việt Nam sống ở nước ngoài và người Việt Nam có thu nhập cao khám chữa bệnh chất lượng cao ở Việt Nam giai đoạn 2020 - 2030”.

Theo khảo sát chưa đầy đủ của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) năm qua có khoảng 20.000 lượt người nước ngoài điều trị nội trú tại các bệnh viện của nước ta. Tuy nhiên, lại có tới 40.000 người Việt Nam ra nước ngoài điều trị với chi phí hơn 2 tỉ USD mỗi năm.

Mặc dù các bác sĩ Việt Nam đã thực hiện được nhiều kỹ thuật cao trong lĩnh vực răng hàm mặt, thụ tinh ống nghiệm, điều trị đột quỵ, mổ nội soi và ghép tạng, nhưng nhìn chung tại các bệnh viện lớn còn quá tải bệnh nhân và chỉ có 5,5% bệnh viện có khu điều trị quốc tế chất lượng cao.

Nhằm khắc phục tình trạng vừa nêu, tới đây, Bộ Y tế ban hành Đề án “Thu hút người nước ngoài, người Việt Nam sống ở nước ngoài và người Việt Nam thu nhập cao khám chữa bệnh chất lượng cao ở Việt Nam giai đoạn 2020 - 2030.

Trong đó, định hướng cho các bệnh viện đầu ngành, tuyến cuối ưu tiên phát triển kỹ thuật, dịch vụ chất lượng cao, thay vì thực hiện nhiều kỹ thuật thông thường như hiện nay; đồng thời nâng cao năng lực khám chữa bệnh ban đầu của hệ thồng y tế cơ sở.

Ông Dương Huy Lương, Phó trưởng phòng quản lý chất lượng, Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết: “Nhiều người khi đi ra nước ngoài chữa bệnh, họ nói rằng họ đi không phải vì trình độ bác sĩ Việt Nam yếu kém mà chất lượng dịch vụ chăm sóc bệnh nhân còn thấp.

Khi ra nước ngoài chữa bệnh, ngay từ chân máy bay họ đã được xe đón theo lịch hẹn để về bệnh viện khám, điều trị. Chính vì vậy y tế Việt Nam không chỉ phải phát triển về chuyên môn mà còn phải nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc người bệnh”.

Còn theo báo Một thế giới, bác sĩ nước ngoài muốn khám bệnh tại Việt Nam phải nói rành tiếng Việt.

Đó là một trong những phương án được đưa ra trong dự thảo Luật Khám, chữa bệnh sửa đổi đang được Bộ Y tế lấy ý kiến. Dự kiến dự thảo Luật Khám, chữa bệnh sửa đổi này sẽ được Quốc hội thông qua vào tháng 10/2020 tới.

Sắp có Đề án thu hút người nước ngoài đến Việt Nam chữa bệnh - Ảnh 1.

Nhân viên y tế người nước ngoài hành nghề tại một cơ sở y tế ở Việt Nam - Ảnh: PV

Theo phương án này của dự thảo Luật Khám, chữa bệnh sửa đổi quy định người hành nghề là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trực tiếp khám, chữa bệnh cho người Việt Nam phải biết tiếng Việt thành thạo. Tất cả các chỉ định điều trị, kê đơn thuốc của những bác sĩ này phải được ghi bằng tiếng Việt.

Để xác định người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trực tiếp khám, chữa bệnh cho người Việt Nam phải biết tiếng Việt thành thạo được xác định bằng việc những người này được các cơ sở đào tạo chuyên ngành do Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ định kiểm tra và công nhận.

Do đó, những người nước ngoài, người Việt Nam định cư tại nước ngoài muốn được cấp chứng chỉ hành nghề tại Việt Nam ngoài đáp ứng những quy định chung như bác sĩ người Việt thì những bác sĩ này còn phải thành thạo tiếng Việt.

Chia sẻ về điều này tại Hội nghị góp ý dự thảo Luật Khám, chữa bệnh sửa đổi khu vực phía Nam, ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng, bác sĩ nước ngoài khám, chữa bệnh tại Việt Nam phải có phiên dịch đang gây ra nhiều bất cập.

Người phiên dịch nào phải gắn với bác sĩ đó, nhưng thực tế không một phiên dịch nào có thể gắn bó suốt đời với một bác sĩ. Trong khi đó, phiên dịch hiện nay theo quy định của Liên hợp quốc cũng chỉ có 6 thứ tiếng. Vì thế rất khó có thông dịch viên hoàn hảo để đáp ứng cho tất cả bác sĩ các quốc gia, nên rất cần bác sĩ nước ngoài hành nghề ở quốc gia nào thì phải biết tiếng của quốc gia đó.

Ngoài ra, những người nước ngoài muốn đến một quốc gia nào đó để khám, chữa bệnh cũng cần phải biết tiếng của quốc gia đó. Điều này đã được nhiều quốc gia ở Đông Nam Á thực hiện. "Trong quá trình khai thác bệnh sử, bệnh nhân đó phải chịu trách nhiệm về việc này. Do đó, bệnh nhân phải biết tiếng của quốc gia sở tại, nơi mình đến khám, chữa bệnh để giúp bác sĩ nắm chính xác bệnh sử của bệnh nhân”, ông Quang nói.

Bên cạnh đó, trong dự thảo Luật Khám, chữa bệnh sửa đổi lần này cũng đưa ra nhiều điểm mới khác. Đặc biệt, khi xảy ra sự cố y khoa gây tai biến đối với người bệnh có tranh chấp cần giải quyết theo đề nghị của người bệnh hoặc người đại diện của người bệnh thì Hội đồng chuyên môn được thành lập theo trình tự từ cơ sở y tế để xảy ra sự cố y khoa đến Sở Y tế, Bộ Y tế. Nếu Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế kết luận vẫn không được 2 bên chấp nhận thì có thể đưa vụ việc ra tòa để phán quyết.

Dự thảo cũng nghiêm cấm người nhà bệnh nhân quay phim, chụp ảnh, ghi âm trong cơ sở khám, chữa bệnh (trừ trường hợp được người đứng đầu cơ sở khám, chữa bệnh đồng ý); người nhà bệnh nhân xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng hoặc xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhân viên y tế được xem là chống người thi hành công vụ và được xử lý theo pháp luật về chống người thi hành công vụ...