Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Sơn La: Tăng cường đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (Đề án 1956), huyện Phù Yên (Sơn La) đã tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh công tác tư vấn, dạy nghề, giải quyết việc làm..., góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giúp người lao động tìm được việc làm phù hợp với năng lực, trình độ.

Huyện Phù Yên (Sơn La) hiện có hơn 84.300 người trong độ tuổi lao động, chiếm 71% tổng dân số. Nguồn lao động dồi dào, nhưng chủ yếu vẫn là lao động chưa qua đào tạo; nhiều lao động không đáp ứng được trình độ chuyên môn, kỹ thuật của các doanh nghiệp. Triển khai Đề án 1956, huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo của huyện và các xã; phân công nhiệm vụ cho các thành viên thực hiện khảo sát, điều tra chất lượng nguồn nhân lực, nhu cầu học nghề của lực lượng lao động nông thôn. Qua đó, xây dựng kế hoạch đào tạo nghề theo nhu cầu của người lao động và người sử dụng lao động...

Giai đoạn 2010-2020, với hơn 5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách, huyện đã tổ chức tư vấn, đào tạo nghề cho hơn 9.400 lao động về các lĩnh vực: Y tế bản, may dân dụng, sửa chữa xe máy, chăn nuôi gia súc, nghề thủ công. Nhiều lớp đào tạo nghề đạt hiệu quả tích cực, như: Dệt thổ cẩm ở Huy Tân, Kim Bon; trồng và chế biến nấm ở Gia Phù; làm chổi chít tại Quang Huy và Thị trấn... Ngoài ra, có hơn 12.000 lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp ngoài tỉnh. Qua rà soát, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn huyện tăng từ 15% năm 2010, lên 47% năm 2020.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, huyện đã gắn đào tạo với giải quyết việc làm cho lao động, chủ động liên kết, kết nối với Xí nghiệp giầy Phù Yên, Nhà máy gạch tuynel Phù Yên, Công ty TNHH may Phù Yên tổ chức dạy nghề. Sau đào tạo, hàng nghìn lao động trên địa bàn đã được tuyển dụng vào làm việc và tìm được việc làm phù hợp tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, với mức thu nhập ổn định. Trong đó, tại Xí nghiệp giầy Phù Yên (Công ty cổ phần giầy Ngọc Hà) hằng năm đã đào tạo và tuyển dụng từ 400-500 lao động. Hiện, Xí nghiệp đang tạo việc làm cho hơn 2.300 lao động địa phương, thu nhập ổn định từ 4,5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Chị Đinh Thị Mến, bản Chường Lương, xã Huy Tường, chia sẻ: Năm 2011, tôi tham gia lớp dạy nghề may tại Xí nghiệp giầy Phù Yên. Sau 3 tháng đào tạo, được tuyển vào làm công nhân.

Còn chị Hoàng Thị Hồng, bản Bùa Thượng 1, xã Tường Phù, sau khi tham gia lớp tập huấn kỹ thuật đã chuyển đổi hình thức chăn nuôi từ thả rông sang nhốt chuồng gắn với trồng cỏ. Được biết, trước đây, gia đình chị không quan tâm phòng, chống dịch bệnh, qua lớp đào tạo nghề, chị đã biết cách chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi. Hiện nay, đàn trâu, bò của gia đình phát triển tốt, không bị dịch bệnh.

Cùng với việc dạy nghề, huyện còn triển khai chương trình vay vốn giải quyết việc làm cho lao động. Từ nguồn Quỹ giải quyết việc làm đã giải ngân hơn 9 tỷ đồng, tạo việc làm cho 219 lao động. Đa số các hộ vay vốn đã kết hợp với nguồn vốn tự có hoặc nguồn vốn khác để xây dựng các mô hình phát triển kinh tế đem lại nguồn thu nhập ổn định.

Ông Đào Văn Quang, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, cho biết: Mục tiêu giai đoạn 2021-2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo, học nghề đạt 65%, huyện đang tăng cường khảo sát nhu cầu học nghề để tuyên truyền, tư vấn và hướng dẫn các xã thực hiện chính sách khuyến khích hỗ trợ học nghề, hỗ trợ sản xuất, tín dụng, tạo điều kiện cho người lao động phát triển sản xuất bảo đảm phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thực tế cho thấy, đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Phù Yên là giải pháp quan trọng, thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Thông qua công tác đào tạo nghề đã giúp người lao động lựa chọn ngành nghề phù hợp với điều kiện của gia đình, cũng như khai thác tiềm năng của địa phương để phát triển kinh tế. Đây cũng là điều kiện quan trọng, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới ở Phù Yên.