Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Sửa đổi cơ chế chi trả tiền lương của đơn vị sự nghiệp công lập

(Dân sinh) - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Nghị định quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó đề xuất sửa đổi về cơ chế tính toán, chi trả tiền lương của đơn vị sự nghiệp công lập.

Sửa đổi cơ chế chi trả tiền lương của đơn vị sự nghiệp công lập - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Bộ Tài chính cho biết, theo quy định hiện hành tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP, đơn vị sự nghiệp công lập chi trả tiền lương theo lương ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp do Nhà nước quy định đối với đơn vị sự nghiệp công (không phân biệt đơn vị tự bảo đảm kinh phí hoạt động và đơn vị do ngân sách Nhà nước hỗ trợ một phần hay hỗ trợ toàn bộ chi phí hoạt động). Việc chi trả thu nhập tăng thêm của người lao động sẽ căn cứ vào kết quả hoạt động tài chính trong năm.

Quy định như trên dẫn đến, nhiều đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm kinh phí hoạt động, có nguồn thu cung cấp dịch vụ theo giá thị trường, có khả năng chi trả tiền lương cao hơn quy định của nhà nước cho người lao động nhưng phải đợi sau khi tính toán cân đối chênh lệch thu, chi, nộp các khoản thuế cho Nhà nước theo quy định mới được sử dụng từ quỹ bổ sung thu nhập tăng thêm cho người lao động. Điều này chưa phù hợp với quy định tại Nghị định số 115/2005/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập khi tổ chức khoa học và công nghệ công lập được phép chi trả tiền lương, tiền công thực tế có thể cao hơn mức Nhà nước quy định tùy thuộc vào kết quả hoạt động tài chính của đơn vị và năng lực, trình độ của người lao động; và chưa bình đẳng với các doanh nghiệp khi tham gia cung cấp dịch vụ công là được tính lương trả cho người lao động theo khả năng thực tế, cao hơn mức Nhà nước quy định.

Theo Bộ Tài chính, để khắc phục hạn chế hiện nay, đồng thời trên cơ sở tham chiếu với các quy định cơ chế tài chính đặc thù của các trường đại học đẳng cấp quốc tế (Trường Đại học Việt Đức, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội), Viện khoa học công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (cho phép đơn vị được tính thêm 1 lần tiền lương vào chi phí trước khi hạch toán thu chi); căn cứ giải pháp nêu tại Nghị quyết số 19-NQ/TW về việc phân định cơ chế chi trả tiền lương giữa đơn vị tự bảo đảm kinh phí hoạt động và đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự bảo đảm kinh phí hoạt động; dự thảo Nghị định (Điểm a Khoản 2 Điều 9 và Điểm a Khoản 2 Điều 10) bổ sung quy định như sau:

“Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư thực hiện chi tiền lương cho công chức, viên chức, người lao động theo ngạch, bậc, hạng chức danh nghề nghiệp, chức vụ, vị trí việc làm; các khoản phụ cấp, các khoản đóng góp theo lương do Nhà nước quy định; chi tiền công theo hợp đồng vụ việc (nếu có). Căn cứ vào tình hình thực tế kết quả hoạt động tài chính của đơn vị, Thủ trưởng đơn vị có thể quyết định chi trả tiền lương tối đa thêm 1 lần trên cơ sở tiền lương cấp bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp theo quy định hiện hành của Nhà nước và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Riêng đối với đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên phải có cam kết về tổng mức kinh phí trích lập quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của năm thực hiện không thấp hơn mức kinh phí trích lập Quỹ của năm trước liền kề. Khi Nhà nước điều chỉnh tiền lương cơ sở, đơn vị tự bảo đảm tiền lương tăng thêm từ nguồn thu của đơn vị, ngân sách nhà nước không cấp bổ sung.

Quy định như trên nhằm đảm bảo tính thống nhất chung về cơ chế chi trả tiền lương của đơn vị sự nghiệp công lập; đồng thời tránh tình trạng các đơn vị hạch toán hết vào chi phí tiền lương, không có tích lũy cho Quỹ Phát triển hoạt động sự nghiệp để tái đầu tư cho hoạt động của đơn vị. Trong trường hợp các đơn vị sự nghiệp công lập đã tự chủ về tài chính muốn thực hiện cơ chế chi trả tiền lương theo doanh nghiệp, đơn vị áp dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp (được hướng dẫn bổ sung quy định tại Nghị định này).