Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Sức sống cói Nga Sơn

.

Xứ biển ấy đâu chỉ có cát trắng nắng vàng với những bãi tắm đẹp mơ màng, nức lòng du khách.Mà còn trải dài những cánh đồng cói xanh ngút ngàn. Gần hai thập kỷ, dù có nhiều thăng trầm với cây cói và sản phẩm từ cói nhưng người nông dân và doanh nghiệp trồng cói nơi đây vẫn không ngừng hi vọng tìm được thị trường lớn, ổn định với khát vọng làm giàu từ cây cói. Đi tìm thị trường tạo sức sống cho cây cói Nga Sơn.

Sức sống cói Nga Sơn - Ảnh 1.

Trước đây trong thời kỳ bao cấp, xã nào cũng có làng nghề chế biến hàng cói được duy trì và phát triển gắn liền với với sự hình thành và phát triển của HTX nông nghiệp. Ở thời kỳ này sản phẩm hàng cói được sản xuất ra với khối lượng lớn chủ yếu phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Nga Sơn đã chiếm vị trí xuất khẩu hàng đầu toàn tỉnh với kim ngạch xuất khẩu chiếm trên 80%. Ngày nay, nhờ có sự quan tâm, đầu tư, khuyến khích, nghề cói ở huyện Nga Sơn vẫn được kế thừa và phát triển. Cây cói được trồng trên địa bàn 8 xã Nga Thanh, Nga Liên.Nga Tiến, Nga Thủy, Nga Tân…

Người dân vùng cói Nga Sơn thu hoạch cói.

Dù không phải địa phương duy nhất trồng cói nhưng Nga Sơn là vựa cói lớn nhất nước, từ lâu nơi đây đã được coi là "Vương quốc cói". Các sản phẩm từ cói của Nga Sơn đã chinh phục phần đông khách hàng. Nhiều gia đình trồng cói, làm cói đã khấm khá, giàu có lên từ cói. Vậy nên người ta nâng niu, trân quý cây cói như một báu vật mà tạo hóa đã ban tặng cho những dải đất mặn phù sa ven biển. Giống cói cũng lạ, trong khi nhiều cây trồng không thể thích nghi, thì cói lại đặc biệt phù hợp với thổ nhưỡng phù sa mặn ven biển. Có lẽ bởi vậy mà mà tự ngàn đời qua, đây vẫn là cây trồng độc canh duy nhất ở vùng đất này.

Sức sống cói Nga Sơn - Ảnh 3.

Nghề cói Nga Sơn đã tạo thêm nhiều việc làm cải thiện và nâng cao đời sống của người lao động.

Sức sống cói Nga Sơn - Ảnh 4.

Trong những năm vừa qua, huyện Nga Sơn đã ban hành nhiều cơ chính sách phát triển ngành nghề phù hợp với tình hình thực tiễn, do vậy nhiều ngành nghề truyền thống ở nông thôn đã được khôi phục và phát triển, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao đời sống của người lao động ở các làng nghề và dân cư trên địa bàn. Sản phẩm sản xuất ra cũng ngày càng đa dạng, phong phú hơn về chủng loại, mẫu mã, bao bì.

Ngày nay, nhờ có sự quan tâm, đầu tư, khuyến khích, nghề cói ở huyện Nga Sơn vẫn được kế thừa và phát triển. Cây cói được trồng trên địa bàn 8 xã Nga Thanh, Nga Liên, Nga Tiến, Nga Thủy, Nga Tân…Người dân quanh vùng thu hoạch về để sản xuất các loại vật dụng hằng ngày như: Ró, bị, đệm… Nhằm nâng cao chất lượng, sản lượng cây cói, người dân nơi đây phải vất vả "tái sinh" cây cói bằng cách trồng lại với kĩ thuật, cách thức chăm bón vô cùng khó nhọc, kì công.

Sức sống cói Nga Sơn - Ảnh 5.

Ít có nơi nào trên cả nước có thể trồng được loại cói dài, dai và óng mượt như cói ở Nga Sơn.

Sức sống cói Nga Sơn - Ảnh 6.

Cói đã sơ chế được phơi nắng.

Với lợi thế của các xã nằm dọc bờ biển tạo thành một vùng triều mầu mỡ, ngoài các loại cây trồng ngập mặn, cói được xem là loại cây đủ khả năng thích ứng, sinh trưởng và phát triển tốt với thổ nhưỡng của huyện ven biển Nga Sơn. Đặc biệt, so với cói ở Nga Sơn, ít có nơi nào trên cả nước có thể trồng được loại cói dài, dai và óng mượt như vậy. Với những ưu điểm vượt trội đó, chiếu cói Nga Sơn nổi tiếng xa gần: "Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng/ Vải tơ Nam Định, lụa làng Hà Đông".

Sức sống cói Nga Sơn - Ảnh 4.

Sức sống cói Nga Sơn - Ảnh 8.

Máy dệt chiếu làm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Để nâng cao hiệu quả kinh tế từ nghề trồng và chế biến sản phẩm từ cói, trong những năm qua, huyện Nga Sơn đã khuyến khích các doanh nghiệp, các hộ gia đình đầu tư vốn để mua mới, cải tạo máy dệt chiếu, nâng cao năng suất, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nếu như trước đây, thợ lành nghề phải làm việc kiên trì, liên tục hơn 10 tiếng đồng hồ mới dệt được hai chiếc chiếu nên sản lượng, thu nhập thấp. Tuy nhiên, kể từ khi ứng dụng máy dệt chiếu vào sản xuất, năng suất, chất lượng sản phẩm được cải thiện rõ rệt, không những nâng cao thu nhập cho người dân mà còn góp phần quyết định đến sự sống còn của nghề cói nơi đây.

Sức sống cói Nga Sơn - Ảnh 9.

Gia đình anh Mai văn Chiến thôn 5, xã Nga Liên, có truyền thống là nghề cói.

Nhờ gắn bó với nghề cói mà nhiều gia đình ở Nga Sơn đã tích góp xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm các tiện nghi sinh hoạt hiện đại đắt tiền, đặc biệt là có thêm điều kiện để nuôi con cái ăn học. Đối với những bậc làm cha, làm mẹ ở vùng cói trọng điểm như Nga Tiến, Nga Tân, Nga Thanh, Nga Thủy, Nga Phú, Nga Thái, Nga Điền, Nga Liên, điều vui mừng nhất là hiện nay tất cả các thôn xóm đều có con em theo học tại các trường đại học, cao đẳng. Nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp đã trở về quê lập nghiệp.

Sức sống cói Nga Sơn - Ảnh 10.

Anh Nguyễn Văn Hùng, xã Nga Liên, tốt nghiệp trường ĐH kinh tế quốc dân không ở lại Hà Nội, anh về quê lập nghiệp với mong muốn phát triển nghề cói và đưa các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cói ra các thị trường trong và ngoài nước. Anh Hùng chia sẻ: "Sinh ra và lớn lên trên miền đất cói, ngay từ bé tôi đã có ước nguyện phát triển nghề cói vươn xa hơn nữa, nên ngay khi tốt nghiệp ĐH cùng với vợ tôi quay trở về quê hương lập nghiệp, sau 3 năm từ một xưởng nhỏ bé, làm các sản phẩm 100% thủ công thì đến nay gia đình chúng tôi đã nhập được các dàn máy hiện đại phục vụ cho các công đoạn xử lý cói".

"Từ cây cói tốt tươi ngoài đồng cho đến khi trở thành những chiếc chiếu, chiếc thảm, giỏ xách đẹp đẽ phải trải qua nhiều công đoạn vất vả, thấm đẫm mồ hôi, nước mắt của người trồng cói. Đến nay, công nghệ bán thủ công đã giảm sức lao động đi rất nhiều, năng suất sản phẩm cũng tăng hơn. Doanh thu một năm trừ đi chi phí, gia đình cũng tiếp tục tái đầu tư số lợi nhuận từ 4-500 triệu đồng, tạo việc làm cho gần 1.000 lao động tại địa phương" – anh Hùng cho biết thêm

Gia đình chị Nguyễn Thị Na, thôn 3, xã Nga Liên, chuyển đổi từ trồng cây lúa không hiệu quả sang trồng cói và sản xuất, thu mua các sản phẩm cói, cho thu nhập từ 12-15 triệu đồng/người/tháng, thu nhập bình quân của gia đình chị Na từ nghề cói gần 400 triệu đồng/năm. Từ một gia đình khó khăn của xã đến nay, gia đình chị Na đã trở thành hộ khá của xã và là tấm gương trong hội phụ nữ về công tác XĐGN.

Sức sống cói Nga Sơn - Ảnh 11.

Nga Sơn hôm nay đã có một diện mạo mới.

Về Nga Sơn hôm nay, một vùng quê miền biển đã có một diện mạo mới với hướng đô thị hoá nông thôn, nhiều con đường, nhiều công trình, cơ sở hạ tầng khang trang hơn, hiện đại hơn. Thu ngân sách hàng năm đều vượt mục tiêu kế hoạch đề ra và là một trong những huyện dẫn đầu của tỉnh Thanh Hoá về thu ngân sách. Đặc biệt, huyện Nga Sơn rất quan tâm đến phát triển các làng nghề truyền thống, để nâng cao hiệu quả kinh tế từ nghề trồng và chế biến sản phẩm từ cói, trong những năm qua, huyện Nga Sơn đã khuyến khích các doanh nghiệp, các hộ gia đình đầu tư vốn để mua mới, cải tạo máy dệt chiếu, nâng cao năng suất, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Sức sống cói Nga Sơn - Ảnh 12.

Sức sống cói Nga Sơn - Ảnh 13.

Giờ đây, cói Nga Sơn không chỉ dần khôi phục được thị trường trong nước mà còn đủ sức vươn mình ra thế giới. Sự phát triển của các làng nghề truyền thống, trong đó chủ yếu là nghề cói đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện Nga Sơn theo hướng tích cực, GQVL cho hàng nghìn lao động, tăng thu nhập cho người dân, tạo ra nhiều mặt hàng có giá trị kinh tế cao, đưa kim ngạch xuất khẩu của huyện liên tục tăng, năm sau tăng cao hơn năm trước.

Một số cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu các sản phẩm từ cói bước đầu tạo dựng được uy tín, thương hiệu hàng hóa của mình đối với người tiêu dùng trong nước và từng bước chiếm lĩnh thị trường thế giới như: Mỹ, Tây Ban Nha, Đức, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc... Như Cty Việt Anh, doanh thu năm 2020 đạt gần 2 triệu USD, Cty Việt Trang đạt doanh thu hơn 1 triệu USD… Nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu từ nghề cói.

Phó Chủ tịch UBND huyện Nga Sơn Đỗ Ngọc Duy  cho biết: "Nhìn chung, sự phát triển làng nghề và làng nghề truyền thống trong những năm qua ở Nga Sơn đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nông thôn theo hướng giảm nhanh tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp, tăng giá trị sản xuất công nghiệp và dịch vụ nông thôn, góp phần giải quyết nhiều việc làm cho người lao động, sản xuất tại các làng nghề đã tạo ra nhiều mặt hàng có giá trị kinh tế cao, đưa kim ngạch xuất khẩu của huyện liên tục tăng năm sau cao hơn năm trước. Một số cơ sở sản xuất tại làng nghề  bước đầu đã tạo dựng được uy tín, chất lượng và thương hiệu hàng hóa của mình đối với người tiêu dùng trong  nước và từng bước chiếm lĩnh thị trường ở một số nước: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Đức… đặc biệt là thị trường "khó tính" Mỹ.

Sức sống cói Nga Sơn - Ảnh 14.

Người dân sơ chế cói

Đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu cùng với tập quán canh tác là những yếu tố góp phần tạo ra thương hiệu riêng của cói Nga Sơn. Thương hiệu đó đang ngày càng được bồi đắp, củng cố một cách bền vững, nhất là khi cói Nga Sơn chính thức được Nhà nước bảo hộ thương hiệu. Hiện nay, ở Nga Sơn có gần 20 doanh nghiệp kinh doanh và xuất khẩu cói, thủ công mỹ nghệ, trên 300 hộ gia đình thu mua cói, 15.000 hộ tham gia nghề cói, GQVL cho trên 60.000 lao động tại địa phương. Tính trên toàn huyện Nga Sơn, sản lượng cói sản phẩm đã đạt tới con số trên 20.000 tấn, giá trị sản xuất khẩu cói đạt gần 10 triệu USD/năm. Tỷ lệ hộ nghèo từ 9,34% năm 2015, đến nay giảm xuống còn 0,58%.Nhiều hộ gia đình giàu lên từ nghề cói, xuất khẩu cói. Nhiều ngôi nhà cao tầng được xây dựng, thay đổi diện mạo của cả một vùng quê.

clip cói

"Để giữ gìn và phát triển các làng nghề truyền thống, đặc biệt là nghề cói, huyện Nga Sơn đã tập trung chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo, tổ giúp việc, phân công nhiệm vụ đẩy mạnh phát triển ngành nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống.Tiếp sức cho làng nghề phát triển trong xu thế hội nhập. Trong những năm qua huyện Nga Sơn đã đẩy mạnh công tác xây dựng các khu, cụm công nghiệp làng nghề, đa nghề để giúp các hộ có mặt bằng  mở rộng sản xuất" - ông Đỗ Ngọc Duy cho biết thêm.

Sản phẩm cói sau sơ chế được bó cẩn thận trước khi nhập cho thương lái.

Sức sống cói Nga Sơn - Ảnh 17.

Dàn máy sản xuất cói của gia đình anh Nguyễn Văn Hùng.

Đến nay, Nga Sơn đã xây dựng 3 cụm công nghiệp, làng nghề liên xã với tổng diện tích trên 60 ha. Hiện nay cụm làng nghề thị trấn đã đi vào hoạt động có hiệu quả, 2 cụm còn lại nhất là cụm Tam Linh với diện tích 47,6 ha với nhiều chính sách ưu đãi thu hút các tổ chức, đơn vị doanh nghiệp trong và ngoài nước vào đầu tư xây dựng cơ sở tổ chức sản xuất kinh doanh, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người lao động. Một số nước EU tiêu thụ sản phầm chế biến từ nguyên liệu cói đã tìm kiếm thị trường cung cấp sản phẩm chế biến từ nguyên liệu cói, bèo tây tại thị trường Việt Nam thông qua các doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch, tạo điều kiện cho sản xuất ngành cói của huyện Nga Sơn phát triển. Đi tìm sức sống cho cây cói Nga Sơn trên các thị trường trong và ngoài nước. Và cây cói được xác định là cây chủ lực cho xuất khẩu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Đồng thời, cây cói cũng là động lực vươn lên với khát vọng làm giàu cho người dân nơi đây.

Sức sống cói Nga Sơn - Ảnh 18.

Một góc thị trấn huyện Nga Sơn hôm nay.

Sức sống cói Nga Sơn - Ảnh 19.