Trong đó: Số vụ TNLĐ chết người là 927 vụ (khu vực có quan hệ lao động: 572 vụ; khu vực NLĐ làm việc không theo hợp động lao động: 355 vụ); số người chết vì TNLĐ là 979 người (khu vực có quan hệ lao động: 610 người; khu vực người lao động làm việc không theo hợp động lao động: 369 người); số người bị thương nặng là 1.892 người; nạn nhân là lao động nữ: 2.771 người.
So với năm 2018, số vụ TNLĐ chết người trong khu vực có quan hệ lao động giảm 06 vụ tương ứng với 1,03%. Còn trong khu vực NLĐ làm việc không theo hợp động lao động, số vụ TNLĐ giảm 39 vụ tương ứng với 9,9%. Số người chết vì TNLĐ trong khu vực có quan hệ lao động giảm 12 người tương ứng với 1,93%; trong khu vực NLĐ làm việc không theo hợp động lao động, số người chết vì TNLĐ giảm 48 người tương ứng với 11,5%.
Những địa phương có số người chết vì TNLĐ nhiều nhất trong năm 2019 bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động là: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội; Quảng Ninh, Bình Dương, Thái Nguyên, Hải Dương, Quảng Ngãi, Quảng Nam.
Theo số liệu báo cáo sơ bộ của các địa phương, thiệt hại về vật chất do TNLĐ xảy ra năm 2019 như sau: Chi phí tiền thuốc, mai táng, tiền bồi thường cho gia đình người chết và những người bị thương... là 9.934 tỷ đồng; thiệt hại về tài sản là 533,896 tỷ đồng; tổng số ngày nghỉ do TNLĐ là 138.089 ngày.
Qua phân tích các vụ TNLĐ từ các biên bản điều tra TNLĐ trong khu vực có quan hệ lao động cho thấy: Lĩnh vực dịch vụ chiếm 19,2% tổng số vụ và 22,03% tổng số người chết; lĩnh vực xây dựng chiếm 17,12% tổng số vụ tai nạn và 17,8% tổng số người chết; lĩnh vực khai thác mỏ, khai thác khoáng sản chiếm 10,81% tổng số vụ và 10,17% tổng số người chết; lĩnh vực cơ khí, luyện kim chiếm 9,01% tổng số vụ và 9,32% tổng số người chết; lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng chiếm 8,11% tổng số vụ và 7,63% tổng số người chết.
Loại hình công ty TNHH chiếm 38,74% số vụ tai nạn chết người và 41,53% số người chết; loại hình công ty cổ phần chiếm 30,63% số vụ tai nạn chết người và 29,66% số người chết; loại hình doanh nghiệp nhà nước, đơn vị hành chính sự nghiệp chiếm 29,72% số vụ tai nạn chết người và 19,49% số người chết; loại hình doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh cá thể chiếm 4,5% số vụ tai nạn và 4,24% số người chết.
Trong các yếu tố chấn thương chủ yếu làm chết người nhiều nhất thì TNGT chiếm 30,64% tổng số vụ và 28,81% tổng số người chết; ngã từ trên cao, rơi chiếm 18,92% tổng số vụ và 17,8% tổng số người chết; máy, thiết bị cán, kẹp, cuốn chiếm 15,32% tổng số vụ và 14,41% tổng số người chết; điện giật chiếm 9,01% tổng số vụ và 8,47% tổng số người chết; đổ sập chiếm 7.21% tổng số vụ và 9,32% tổng số người chết.
Nguyên nhân của các vụ TNLĐ do người sử dụng lao động chiếm 47,74% tổng số vụ và 49.99% tổng số người chết; do NLĐ vi phạm quy trình quy chuẩn ATLĐ chiếm 14,41% tổng số số vụ và 14,41% tổng số người chết. Còn lại 37,85% tổng số vụ TNLĐ và 35,6% tổng số người chết, xảy ra do các nguyên nhân khác như: TNGT, nguyên nhân TNLĐ do người khác, khách quan khó tránh.
Trong năm 2019, đã có 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo thống kê TNLĐ đối với NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động; trong đó có 50 địa phương báo cáo có xảy ra TNLĐ, 11 địa phương báo cáo không xảy ra TNLĐ; 2 địa phương chưa có báo cáo: Gia Lai, Bến Tre. Số địa phương gửi báo cáo theo quy định tăng so với năm 2018 là 19,6%.
Căn cứ vào tình hình và nguyên nhân xảy ra TNLĐ trong năm 2019, để chủ động phòng ngừa và hạn chế TNLĐ trong thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và các tổ chức, người sử dụng lao động, NLĐ quan tâm triển khai thực hiện tốt các nội dung chủ yếu sau:
Các bộ, ngành chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc ngành và lĩnh vực quản lý chủ động kiểm tra công tác ATVSLĐ; phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra TNLĐ, sự cố nghiêm trọng như: xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, dệt may, da giày, khai thác mỏ, khoáng sản đặc biệt là các công trình xây dựng trọng điểm, tiếp giáp với khu dân cư, đông người qua lại.
Bộ Y tế tăng cường triển khai hướng dẫn và đôn đốc việc thống kê TNLĐ tại các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế theo Khoản 4 Điều 36 Luật An toàn, vệ sinh lao động và Điều 25 Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 và gửi Bộ LD-TB&XH tổng hợp theo đúng quy định;
UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định ATVSLĐ của các doanh nghiệp trên địa bàn, chú ý đến hoạt động xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn tại doanh nghiệp; thực hiện báo cáo TNLĐ theo Luật An toàn, vệ sinh lao động.
..