Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Tâm lý thích "nhảy việc": Thách thức với công nhân trong thời đại 4.0

Việc thường xuyên nhảy việc và tâm lý thụ động, thiếu tinh thần học hỏi đang khiến cho nhiều công nhân có nguy cơ bị đào thải khi bước vào giai đoạn cao tuổi.

Đời sống tinh thần nghèo nàn

Chúng tôi gặp Hải một công nhân KCN Bắc Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) vào một buổi tối muộn, trên đường trở về căn phòng trọ sau một ngày dài làm việc. Cũng như bao công nhân khác tại các khu công nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội, Hải không nằm ngoài guồng quay công việc từ sáng đến tối, cuối tuần lại tăng ca để kiếm thêm thu nhập. Có lẽ trong cái độ tuổi ngoài đôi mươi, độ “ tuổi vàng” lao động mong muốn lớn nhất của Hải là được làm thêm giờ càng nhiều càng tốt : “Những ngày nghỉ, ở phòng trọ cũng chẳng biết làm gì, em chỉ mong được thêm ca là lương gấp đôi ngày thường. Vừa tận dụng được thời gian nghỉ, vừa có thêm thu nhập”, anh Hải chia sẻ.

Trong khi đó chị Nhung, quê ở Bắc Kạn, làm công nhân tại một công ty KCN Từ Liêm (Hà Nội) đang sống cùng chồng và hai con ở một xóm trọ gần nơi làm việc. Hai vợ chồng đều làm công nhân, tổng thu nhập mỗi tháng hơn 10 triệu đồng, nhưng phải nuôi hai đứa con. “Tiền nhà trọ, ăn ở, chi phí cho bọn trẻ cũng vừa hết, không để ra được đồng nào”, chị Nhung nói. Số tiền hàng tháng tích góp chẳng được là bao nhưng gia đình chị vẫn bám trụ ở thành phố hy vọng vào tương lai của con cái sẽ được thay đổi.

 Nhiều lao động có tâm lý thời vụ, mà ít khi tập trung vào một công việc cố định, rèn luyện tay nghề

Theo kết quả điều tra mới nhất của Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) thực hiện tại 14 tỉnh, thành phố và các cơ sở thuộc 3 ngành đại diện cho 4 vùng lương, 6 vùng địa lý và 8 nhóm sản xuất, dịch vụ cho thấy, có 84% công nhân đang sống trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn; trong đó 12% công nhân có thu nhập không đủ sống, 20,6% công nhân phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ... Thực tế này lý giải vì sao phần lớn lao động đều muốn tăng ca. Tỷ lệ công nhân muốn tăng ca ở các ngành: Dệt may - da giày là 40,5%; điện - điện tử 48,5%; chế biến - chế tạo là 47%...

Chính vì kinh phí eo hẹp, mà đời sống tinh thần của công nhân tại các khu công nghiệp cũng hạn chế đi rất nhiều. Chẳng có thời gian để nghĩ đến việc tìm kiếm người yêu, mục tiêu lớn nhất của Hải vẫn là làm việc để có thu nhập. Trong khi đó, vợ chồng chị Nhung mỗi tháng chỉ giành ra một tối cuối tuần đưa các con đi chơi. “Ngày thường chẳng có thời gian nghĩ đến việc vui chơi, giải trí, đi làm về, mệt mỏi, nhiều lúc chỉ muốn ngủ, giữ sức khỏe để đi làm cả ngày hôm sau” chị Nhung chia sẻ.

Theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại 13 tỉnh, thành phố thì thực trạng kinh tế eo hẹp, thời gian làm việc kéo dài, loại hình giải trí nghèo nàn, thiếu thiết chế văn hóa cơ bản khiến cho công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất không có điều kiện để thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần.  Các khu công nghiệp - khu chế xuất Hà Nội hiện mới có 3/16 khu công nghiệp - khu chế xuất có điểm sinh hoạt văn hóa, thiếu hoàn toàn nhà văn hóa nên chưa thể đáp ứng được nhu cầu vui chơi, giải trí cho hơn 140 nghìn công nhân. Đáng lo hơn khi theo nghiên cứu từ Viện Công nhân và Công đoàn cũng cho thấy, 28% công nhân có xu hướng và lối sống buông thả, thực dụng; 22% sống ích kỷ, chủ nghĩa cá nhân...

Tự hài lòng đồng nghĩa với tự đào thải

Không chỉ chị Nhung, anh Hải mà phần nhiều công nhân tại các KCN hiện nay đều tự chấp nhận cuộc sống hiện tại. Tâm lý chung của những người làm việc trực tiếp tại các phân xưởng như họ là cứ làm tạm rồi “nhảy” việc, chỗ nào trả lương cao hơn thì chuyển sang làm. Tận dụng thời gian còn  đủ có sức khỏe tốt của đời công nhân để hy vọng tích lũy số vốn nho nhỏ phòng thân khi về già.

: Đời sống tinh thần của công nhân tại các KCN còn khá nghèo nàn

Anh Lê Thành tổ trưởng sản xuất, công ty Cơ khi Tinh Nhật KCN Quang Minh một trong những trường hợp hiếm hoi đi từ công việc công nhân rồi trở thành quản lý cho biết: “ Không ai làm công nhân mãi được, vì sức khỏe sẽ đến lúc kém đi chính vì vậy mình phải nỗ lực hết sức, bám xưởng với quyết tâm vươn lên, trở thành thợ lành nghề”. Trong khi đó, những công nhân không khát khao vươn lên thường có tâm lý thời vụ thường có xu hướng nhảy việc, tìm một mức lương cao hơn, mà ít khi tập trung vào một công việc cố định, rèn luyện tay nghề.

Theo khảo sát của Navigos Group - tập đoàn cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự hàng đầu Việt Nam vừa công bố “Báo cáo chân dung nhân lực ngành sản xuất: Thách thức và cơ hội trong nền công nghiệp 4.0”, đưa ra những hạn chế đang tồn tại trong lực lượng lao động tại doanh nghiệp mình, trong đó đang lưu ý là tính thiếu chủ động trong công việc (72% ứng viên lựa chọn); thiếu tinh thần học hỏi (45% ứng viên chọn); thiếu kiến thức chuyên môn (36%)…

Sau nhiều năm làm công nhân, khi không còn đủ sức khỏe, tay nghề không có, đối mặt với những vấn đề như bất ổn về tài chính hệ quả là tăng số người thất nghiệp, đang tạo ra một thực trạng đáng báo động. Nhiều người phải gác lại giấc mơ bám trụ lại thành phố, bà Nguyễn Thị Thoa, (Kim Chung ,Đông Anh, Hà Nội) cho biết: “ Hàng chục năm cho công nhân thuê trọ, tôi chứng kiến không ít công nhân ở khu trọ khi vào khoảng 35 đến 40 tuổi, không thể kiếm công việc mới, không đủ tiền trang trải cuộc sống khiến họ phải rời bỏ thành phố, trở về quê sinh sống mà không tích lũy được đồng nào”.

Chính vì vậy, ngay từ lúc này mỗi công nhân cần sớm thay đổi tư duy thời vụ và chuyên tâm hơn vào rèn luyện công việc, thể hiện quyết tâm gắn bó với công ty thì sẽ có cơ hội vươn lên.

 

Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu công nhân công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) tại một số nơi cũng đã ghi nhận tới 80% phụ nữ trên 35 tuổi làm việc trong các khu công nghiệp bị buộc phải nghỉ việc hoặc tự bỏ việc với lý do chính là do cơ cấu lại sản xuất, hoặc tự nghỉ do không chịu được điều kiện làm việc khắc nghiệt.

Cũng theo kết quả khảo sát này, sau khi bị sa thải, đa phần người lao động làm công việc tự do, buôn bán, công việc nội trợ gia đình, làm ruộng và bán hàng rong. Đặc biệt, đối với lao động nữ, tập trung phần lớn (82,6%) là bán hàng rong và bán nước, 12,1% làm công việc tự do...