Tại phiên họp thứ 37, chiều 24/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Việc làm (sửa đổi).
Một điểm mới thu hút sự quan tâm không kém các vấn đề sửa đổi khác, chính là dự thảo nêu đề xuất giải thể Quỹ quốc gia về việc làm.
Cụ thể, trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, dự thảo Luật đã sửa đổi quy định về nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của pháp luật, góp phần tăng cường nguồn vốn và nâng cao hiệu quả cho vay giải quyết việc làm theo hướng gồm:
Ngân sách Trung ương cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội từ chi đầu tư phát triển (giải thể Quỹ quốc gia về việc làm để đảm bảo phù hợp quy định Luật Ngân sách nhà nước 2015); nguồn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội; nguồn huy động của NHCSXH; nguồn vốn tổ chức, cá nhân khác ủy thác qua ngân hàng chính sách xã hội.
Đồng thời bổ sung quy định HĐND cấp tỉnh, cấp huyện bố trí vốn ngân sách địa phương, giao UBND cùng cấp ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay giải quyết việc làm.
Đóng góp ý kiến tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đồng tình với quy định về nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm tại Điều 8 của dự thảo luật.
Theo đó, Quỹ quốc gia về việc làm sẽ giải thể, chuyển toàn bộ số dư của Quỹ về ngân sách Trung ương để bố trí dự toán qua NHCSXH thực hiện các hoạt động cho vay.
Theo ông Cường, trong thực tế, Quỹ quốc gia về việc làm hiện không cho vay trực tiếp, mà giao cho NHCSXH quản lý, cho vay, báo cáo kết quả thực hiện với Bộ LĐ-TB&XH.
Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, báo cáo kỹ lưỡng đầy đủ hơn về hoạt động của Quỹ, số dư đến thời điểm hiện tại. Hoạt động cấp vốn cho NHCSXH là thực hiện nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, nên cơ quan soạn thảo cần rà soát, thống nhất quy định bố trí chi đầu tư phát triển cả NSTW và ngân sách địa phương cấp cho NHCSXH để cho vay.
Về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh tán thành việc bỏ Quỹ quốc gia về việc làm, chuyển giao cho Ngân hàng Chính sách Xã hội và cho rằng, đây là giải pháp phù hợp, đồng bộ với các quy định về ngân sách.
Thẩm tra các nội dung, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cơ bản nhất trí với mục tiêu và các quan điểm chỉ đạo đã nêu trong Tờ trình. Bà Nguyễn Thúy Anh cho rằng, quy định chuyển nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm thành nguồn vốn vay giải quyết việc làm có tác động trực tiếp đến việc quản lý, bố trí nguồn lực, cơ chế phân bổ, sử dụng nguồn vốn này và thay đổi so với khi đề xuất xây dựng luật.
Vì thế, cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục đánh giá tác động, ưu nhược điểm, những vấn đề phát sinh, làm rõ tính hiệu quả khi thực hiện chuyển đổi này.
Những điều cần biết về Quỹ quốc gia về việc làm Nội dung về Quỹ quốc gia về việc làm được quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 9/7/2015 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm; Được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 74/2019/NĐ-CP ngày 23/9/2019 của Chính phủ và Nghị định số 104/2022/NĐ-CP ngày 21/12/2022 của Chính phủ. Cụ thể như sau: 1. Sử dụng Quỹ quốc gia về việc làm Quỹ quốc gia về việc làm (sau đây gọi chung là Quỹ) được sử dụng cho 2 hoạt động sau: - Cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh và người lao động để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. - Cho vay ưu đãi đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. 2. Quản lý Quỹ quốc gia về việc làm - Bộ LĐ-TB&XH thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với Quỹ quốc gia về việc làm. - UBND cấp tỉnh và cơ quan trung ương của Hội LHPNVN, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Nông dân Việt Nam, Tổng LĐLĐVN, Hội Cựu Chiến binh Việt Nam, Liên minh HTX Việt Nam, Hội Người mù Việt Nam được giao nhiệm vụ quản lý và sử dụng nguồn vốn từ Quỹ theo quy định tại Nghị định này. - Quỹ được giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội quản lý và cho vay theo quy định tại Nghị định này. Ngân hàng Chính sách xã hội báo cáo kết quả thực hiện theo hướng dẫn của Bộ LĐ-TB&XH. |