Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2022 - 2027

(Dân sinh) - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN, Bộ LĐ-TB&XH) đang lấy ý kiến hoàn thiện Dự thảo Đề án “Tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong các cơ sở GDNN giai đoạn 2022 - 2027”. Đây là lần đầu tiên một đề án chính thức, chuyên sâu về phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) trong các cơ sở GDNN được xây dựng.

Tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong các cơ sở GDNN giai đoạn 2022-2027 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Theo Dự thảo Đề án, hoạt động PBGDPL sẽ được triển khai tại tất cả cơ sở GDNN trong cả nước. Trong đó, ưu tiên nguồn lực đầu tư, hỗ trợ cho các vùng, địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.

Đối tượng thụ hưởng của Đề án bao gồm: Người học các ngành, nghề đào tạo trình độ trung cấp, tcao đẳng, sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác tại các cơ sở GDNN. Dự thảo cũng hướng đến các đối tượng là giáo viên, giảng viên giảng dạy môn pháp luật tại các trường trung cấp, cao đẳng; đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên thực hiện công tác tuyên truyền, PBGDPL, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức, nhân viên, người lao động đang làm việc tại các cơ sở GDNN.

Nội dung PBGDPL sẽ tập trung vào các kiến thức cơ bản về Nhà nước và pháp luật, Luật Giáo dục, Luật GDNN, Luật Việc làm, Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành. Chú trọng đến các quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm, chính sách, chế độ đối với cơ sở GDNN, cán bộ quản lý, viên chức, nhà giáo, người dạy, người học, người lao động, phụ huynh người học cùng các nội dung pháp luật liên quan trực tiếp đến ngành, nghề đào tạo, vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp cho người học.

Cùng với đó, tuyên truyền, phổ biến các sự kiện, vấn đề chính trị - pháp lý - kinh tế - văn hóa - xã hội có chủ đề, nội dung liên quan đến GDNN, lao động, việc làm; mô hình, kinh nghiệm, những tấm gương tiêu biểu về PBGDPL trong các cơ sở GDNN.

Để tăng hiệu quả tuyên truyền, dự thảo Đề án chú trọng đổi mới phương thức tuyên truyền theo hướng đa dạng, linh hoạt, sáng tạo, hấp dẫn, hiệu quả. Ưu tiên ứng dụng công nghệ, phần mềm vào công tác dạy và học môn pháp luật, xây dựng giáo trình, bài giảng theo hướng trực quan, hấp dẫn, dễ hiểu, dễ tiếp thu và gắn với thực tiễn.

Cùng với đó, định kỳ tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tham quan thực tế tại các cơ quan, đơn vị thực thi pháp luật để làm đa dạng, phong phú môi trường nghiên cứu, học tập cho cán bộ quản lý, nhà giáo, học sinh, sinh viên trong các cơ sở GDNN.

Ngoài ra, tăng cường tổ chức các hội thi tìm hiểu pháp luật, khuyến khích xây dựng các tiểu phẩm, phóng sự, câu chuyển giải quyết tình huống pháp luật mang ý nghĩa tuyên truyền, phổ biến, giáo dục ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật liên quan đến việc học tập, giảng dạy, công việc của các nhóm đối tượng trong các cơ sở GDNN. Tư vấn, giải đáp thắc mắc về chính sách, quy định của Nhà nước trong lĩnh vực GDNN…