Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Tạo chuyển biến cơ bản trong giáo dục nghề nghiệp

Đó là ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung tại buổi làm việc ngày 9/12 với Tổng cục Dạy nghề về các đề án “Đổi mới giáo dục nghề nghiệp”; "Đổi mới tổ chức hoạt động của Tổng cục Dạy nghề" và nhiệm vụ trọng tâm trong công tác dạy nghề trong thời gian tới.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chủ trì cuộc họp với TCDN  

 

Nhận diện mô hình giáo dục nghề nghiệp

Báo cáo với Bộ trưởng về công tác dạy nghề, ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: Luật Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) ra đời đã hình thành được hệ thống GDNN trong hệ thống giáo dục quốc dân theo 3 cấp trình độ gồm: Sơ cấp, trung cấp và cao đẳng, nhằm đáp ứng về cơ cấu nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế trong giai đoạn mới. Nhiều nội dung mới mang tính đột phá, tiếp cận với GDNN của các nước tiên tiến trên thế giới đã được quy định trọng Luật GDNN.

Theo lãnh đạo TCDN, hiện nay mạng lưới dạy nghề đã phát triển triển rộng khắp cả nước, đa dạng về loại hình, trình độ đào tạo và mô hình hoạt động. Hiện có 1.989 cơ sở GDNN ở tất cả các tỉnh, thành phố  trực thuộc Trung ương đã có trường trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, đã quy hoạch mạng lưới trường chất lượng cao và các nghề trọng điểm trong khu vực và quốc tế. 

Giai đoạn 2011-2015, thực hiện tuyển sinh được 74% so với kế hoạch, chất lượng nhà giáo phát triển nhanh, chương trình dạy nghề ngày càng phát triển, cơ sở vật chất thiết bị dạy nghề từng bước nâng cao, chất lượng GDNN ngày càng có bước chuyển biến lớn…

Báo cáo của TCDN cũng nhấn mạnh, mục tiêu tổng quát phát triển GDNN đến năm 2020, hệ thống GDNN đảm bảo cả về số lượng và chất lượng, cơ cấu trình độ, cơ cấu ngành nghề đào tạo, tập trung nâng cao chất lượng GDNN trong đó một số ngành nghề đạt chuẩn khu vực ASEAN và các nước phát triển. Đáp ứng nhu cầu nhân lực kỹ thuật trực tiếp của thị trường lao động trong nước và hội nhập quốc tế, tạo sự đột phá về chất lượng giáo dục nghề nghiệp…

PGS.TS Cao Văn Sâm-Phó Tổng cục trưởng TCDN phát biểu

Để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, theo PGS.TS Cao Văn Sâm, Phó Tổng cục trưởng TCDN, còn rất nhiều khó khăn ở phía trước, đòi hỏi mỗi cán bộ trong lĩnh vực GDNN phải nỗ lực. Đặc biệt, dưới góc độ quản lý Nhà nước về GDNN, cần đổi mới hoàn thiện các cơ chế chính sách về GDNN. “Cơ chế chính sách phải đồng bộ, phù hợp với thực tiễn đối với đội ngũ giáo viên, người học, cơ sở GDNN, người lao động trước khi tham gia thị trường  lao động…Đẩy mạnh cơ chế tự chủ theo Nghị định số 16 của Chính phủ cho các cơ sở GDNN, đầu tư đồng bộ phát triển các ngành, nghề trọng điểm khu vực và quốc tế”- PGS.TS Cao Văn Sâm phát biểu.

Tiếp thu, hoàn thiện đề án, đổi mới cơ bản về dạy nghề

Tại cuộc họp dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhiều ý kiến đóng góp cũng như các ý kiến kiến nghị của cán bộ chủ chốt của TCDN đã được trao đổi thẳng thắn cởi mở. PGS.TS Cao Văn Sâm cho rằng, để hoàn thành những trọng tránh lớn trong công tác dạy nghề, TCDN rất mong nhận được nhiều ý kiến trao đổi chia sẻ của các cán bộ trong Tổng cục cũng như ý kiến của các đơn vị chức năng của Bộ.

Sau khi lắng nghe ý kiến, kiến nghị, tâm tư nguyện vọng của những cán bộ chủ chốt TCDN, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trên cơ sở tổng hợp những ý kiến, kiến nghị, những vướng mắc…đã phần nào tháo gỡ được những khó khăn, đồng thời cũng là cơ sở để TCDN nhìn nhận lại một cách tổng quan để thực hiện nhiệm vụ có hiệu quả hơn.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chỉ đạo: "Tạo chuyển biến cơ bản trong giáo dục nghề nghiệp"

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đổi mới phát triển công tác GDNN là một trọng tránh lớn mà Đảng, Chính phủ giao cho Bộ LĐ-TB&XH. Quá trình thực hiện làm sao thu hút được đông đảo giới trẻ, làm sao vận động và lan tỏa trong toàn xã hội…đó là vinh dự nhưng cũng là nhiệm vụ không nhỏ. “Khi Chính phủ giao nhiệm vụ, Bộ LĐ-TB&XH nhận quản lý Nhà nước về công tác dạy nghề thì đây là một trọng trách lớn trước Đảng và nhân dân, quan điểm chung của lãnh đạo Bộ là toàn ngành phải tạo ra một nỗ lực rất lớn, có trách nhiệm triển khai đồng bộ các giải phảp, tạo bước cơ chuyến biến cơ bản trong lĩnh vực dạy nghề”-Bộ trưởng nhấn mạnh.

 Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trước mắt TCDN cần thực hiện tốt 1 trong 3 khâu đột phá (trong đó trước nhất là đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao). Mặt khác cần quy hoạch mạng lưới dạy nghề sao cho về chủ trương phát triển mạnh mẽ mạng lưới GDNN.

Về quy hoạch phát triển mạnh mạng lưới GDNN, Bộ trưởng đặt câu hỏi: "Cụ thể phát triển theo hướng nào?", đối với các trường công lập Bộ trưởng cho rằng hạn chế tối đa tình trạng bao cấp như hiện nay. "Tinh thần chung khi các trường công lập khi lập ra là phải tự chủ, không tự chủ toàn phần thì tự chủ một phần và không phải địa phương nào cũng có trường, có khi có 2 tỉnh hay 2 khu vực mới có 1 trường…Mặt khác tất cả các trung tâm ở các địa phương, xu hướng chung là hạn chế tối đa, sau này sẽ là các trường vệ tinh của các trường. Quy hoạch mạng lưới là ưu tiên, khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp vào lĩnh vực GDNN (hạn chế công lập), đối với những trường tư thục nên khuyến khích không khống chế, về thẩm định đối với các trường tư thục thẩm định nhanh khuyến khích ngay, đối với các trường của Bộ GD&ĐT đã thẩm định xong thì không nên tiến hành thẩm định lại, nếu xem đầy đủ hồ sơ thì Bộ sẽ quyết. Các quy trình khác vẫn làm bình thường nhưng không tạo ra sự phiền hà cho các doanh nghiệp, các đơn vị trường. Riêng các trường công lập thì TCDN nên tiến hành kiểm tra kỹ và đặt vấn đề rõ ràng vấn đề tự chủ, chưa toàn phần nhưng trong đề án là phải dần tự chủ có cam kết, có lộ trình…Sau khi làm xong báo cáo lại lãnh đạo Bộ."- Bộ trưởng chỉ đạo.

Liên quan đến vấn đề tiếp nhận các trường từ Bộ GD&ĐT về, Bộ trưởng chỉ đạo: "Những vấn đề tiếp nhận từ Bộ GD&ĐT về, cái nào đánh giá rồi ta không làm lại, tiếp thu nguyên trạng, tất cả hòa đồng mạng lưới, không được phân biệt của anh hay của tôi. Khẩn trương quy hoạch ngay ngoài trường cũ đã quy hoạch thì bổ sung các trường từ Bộ GD&ĐT, trước mắt nên cộng hưởng vào hệ thống trường."

Theo Bộ trưởng, muốn GDNN phát triển thì số lượng học sinh học nghề phải tăng lên, ban đầu không ra chỉ tiêu, khuyến khích các trường việc này, nhưng về lâu dài một số lĩnh vực phải ra chỉ tiêu. Ví dụ một số nghề năng khiếu thì chỉ khuyến khích năm sau cao hơn năm trước…lấy chỉ tiêu để thi đua…. "Mặt khác chúng ta đặt ra chỉ tiêu mỗi năm có bao nhiêu học sinh sẽ học nghề, phải có chỉ tiêu lộ trình. Quan trọng nữa là chất lượng nghề tăng lên, việc làm, thu nhập tăng lên, làm sao tỉ lệ qua học nghề phải được học liên thông, tiến tới phải có học hàm, học vị cao về GDNN. Có làm được những điều cơ bản trên thì nhận thức toàn xã hội mới có hiệu quả."- Bộ trưởng ráo riết.

Một lần nữa Bộ trưởng nhấn mạnh việc đẩy mạnh phân luồng, muốn phân luồng được cần dự báo tốt thị trường, nhất là phân luồng vào cấp 2, dần dần tiến tới 60% -70% người học sẽ chuyển sang học nghề, còn lại 30% học đại học. 

Bộ trưởng cũng yêu cầu, khẩn trương hoàn thiện các văn bản cho học sinh trường nghề được học liên thông, vấn đề này đã được lãnh đạo Bộ GD&ĐT ký công văn cử người tham gia để hai bên phối hợp. "Việc này hoàn thành nhanh trong quý 1/2017, làm quyết liệt để trình Thủ tướng Chính phủ ký, không có liên thông thì học sinh sẽ không theo học trường nghề "- Bộ trưởng chỉ đạo. 

 Đối với các trường TC, CĐ có một số ý kiến băn khoăn về quản lý mã ngành y dược, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, sắp tới trước khi xây dựng chương trình khung Bộ sẽ tổ chức họp để nắm bắt tâm tư và đề xuất của các đơn vị này.

Cũng tại buổi làm việc này, Bộ trưởng yêu cầu TCDN khẩn trương hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục nghề nghiệp; các quy chế, chức năng nhiệm vụ, vận hành bộ máy và thực hiện nhiệm nhiệm vụ chuyên môn điều hành của Tổng cục…. tiếp thu các ý kiến góp ý, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển dạy nghề; tăng cường hợp tác quốc tế, hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo nghề; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong lĩnh vực dạy nghề; tăng cường công tác cải cách thủ tục hành chính trong dạy nghề; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về giáo dục nghề nghiệp .

 

Một số mục tiêu cụ thể, từ 2016 đến 2020, đào tạo mới trình độ trung cấp, cao đẳng cho khoảng 3,2 triệu người (trong đó 10 % được đào tạo các nghề trọng điểm cấp độ quốc gia khu vực và quốc tế), đào tạo sơ cấp và đào tạo thường xuyên khoảng 8,8 triệu người. Đến năm 2020, TCDN  phấn đấu có khoảng 70 trường nghề chất lượng cao, trong đó có khoảng 10 trường tiếp cận trình độ tiên tiến trên thế giới, 100% các nhà giáo dạy các ngành nghề trọng điểm quốc gia, 70% các nghề trọng điểm cấp độ quốc gia được xây dựng chương trình đào tạo dựa trên chuẩn đầu ra, 100% các ngành nghề được ban hành danh mục và tiêu chuẩn thiết bị đào tạo theo từng trình độ đào tạo…