Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Tạo nhiều cơ hội việc làm cho người khuyết tật

Quang Dương
Quang Dương

(Dân sinh) - Có việc làm, người khuyết tật (NKT) không chỉ có cơ hội tiếp xúc với xã hội mà còn có thu nhập, tạo dựng cuộc sống tự lập như Bác Hồ đã dạy “tàn nhưng không phế”. Đây là suy nghĩ cũng như mong muốn của hầu hết những NKT còn khả năng lao động.

Mong muốn có việc làm để tự nuôi sống bản thân

Em T.Q.T, 19 tuổi đến từ quận Tây Hồ là NKT vận động, em bị liệt hai chân do một lần bị ốm, sốt cao ngày bé. Vừa tốt nghiệp cấp 3, em đã đến phiên GDVL Hà Nội để tìm kiếm cơ hội việc làm cho mình.

Khi được hỏi lý do vì sao lại đến tìm việc làm khi vừa mới tốt nghiệp cấp 3, em T cho biết: “Em không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình mình, có được việc làm em sẽ có thể tự nuôi sống được bản thân, đỡ một phần chi phí cho gia đình".

Em T.Q.T tự tin tham gia phỏng vấn tìm việc làm (Ảnh: Quang Dương).

Em T cũng chia sẻ về ước mơ của mình trở thành một người đầu bếp giỏi, không chỉ nấu các món ăn ngon cho gia đình, bố mẹ mà còn có thể quảng bá tinh hoa ẩm thực của Việt Nam ra thế giới.

Có mặt tại phiên GDVL lồng ghép cho NKT, e L.T.L sinh năm 1997 vừa tốt nghiệp khoá học nghề ngắn hạn về dán nhãn dữ liệu và thiết kế đồ hoạ tại trường cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội cũng bày tỏ mong muốn sẽ tìm được công việc phù hợp với bản thân. 

Có việc làm để tự nuôi sống bản thân là mong muốn của hầu hết những NKT (Ảnh: Quang Dương).

“Tham gia các phiên GDVL như này đã giúp bản thân em tự tin hơn, bởi thấy xã hội còn rất nhiều người quan tâm và mong muốn giúp đỡ những NKT như chúng em, có rất nhiều việc làm phù hợp để những người kém may mắn như em có thể hoà nhập với cộng đồng", em chia sẻ.

Giải quyết việc làm cho NKT, trách nhiệm của cả cộng đồng xã hội

Ông Nguyễn Tây Nam, Phó Giám đốc sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết, thành phố Hà Nội có khoảng hơn 100.000 người khuyết tật, trong đó có khoảng hơn 30.000 người có khả năng lao động, đặc biệt nhiều người trong số đó với bản tính cần cù, khéo léo, nghị lực vượt khó và khát khao được làm việc để khẳng định bản thân.

Họ luôn mong muốn có được việc làm phù hợp, có thu nhập để tự chăm lo cho chính mình và đóng góp cho sự phát triển của xã hội. 

Vì vậy, việc hỗ trợ giải quyết việc làm cho NKT một công việc phù hợp để giúp anh chị em tự tin vượt lên hoàn cảnh, hòa nhập cộng đồng là việc làm có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đồng thời còn ghi nhận vai trò của NKT trong đời sống xã hội.

“Giải quyết việc làm cho NKT không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước, mà đó còn là trách nhiệm của cả cộng đồng xã hội. Vì vậy, cộng đồng doanh ng iệp phát huy trách nhiệm hơn nữa để cùng Nhà nước và toàn xã hội mang cơ hội việc làm đến cho NKT, để không ai bị bỏ lại phía sau”, Phó Giám đốc sở LĐ-TB&XH Hà Nội nhấn mạnh.

Doanh nghiệp sẵn sàng tạo mọi điều kiện tốt nhất, môi trường làm việc tốt nhất cho lao động là NKT (Ảnh: Quang Dương).

Về phía doanh nghiệp thường xuyên tham gia tuyển dụng người lao động là NKT, bà Trần Thị Thuần, Giám đốc Hợp tác xã Tâm Ngọc cho biết, Hợp tác xã thường xuyên tuyển dụng các vị trí việc làm nhân viên spa và nhân viên Tin học. 

Theo bà Thuần, NKT có nhu cầu được làm việc, nếu chưa có nghề sẽ được đào tạo nghề miễn phí, sau. Khi học xong thì được tuyển dụng vào làm việc tại chuỗi spa An Phúc của Tâm Ngọc với mức lương từ 2,5 đến 8 triệu đồng/tháng.

Ông Nguyễn Kim Khôi, Giám đốc công ty TNHH Xã hội 3/12, một doanh nghiệp xã hội chuyên trợ giúp những người yếu thế cũng thông tin, tại phiên GDVL do Trung tâm DVVL Hà Nội phối hợp với Hội NKT Hà Nội tổ chức, chúng tôi  tuyển dụng không giới hạn NKT vì đã có đầu ra, hiện nay đang có 18 NKT làm việc với mức lương 7 - 8 triệu đồng/tháng.

“Tại công ty không chỉ nhận những lao động đã có tay nghề, những bạn đến học nghê được đào tạo miễn phí, còn được doanh nghiệp hỗ trợ ăn trưa và một khoản tiền tối thiểu 500.000 đồng/tháng”, ông Khôi cho hay.

Đại diện Hội NKT Hà Nội cũng cho rằng, tạo việc làm cho NKT chính là con đường bền vữnggiúp người khuyết tật thực sự hòa nhập vào đời sống. Có việc làm, người khuyết tật không chỉ có cơ hội tiếp xúc với xã hội mà còn có thu nhập, tạo dựng cuộc sống tự lập.

Bà Đỗ Thị Huyền, Chủ tịch Hội NKT TP Hà Nội chia sẻ với báo chí (Ảnh: Quang Dương).

Trong nhiều năm qua, Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội đã luôn hợp tác và phối hợp cùng Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức " Phiên giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động là NKT" nhằm hỗ trợ thanh niên khuyết tật, NKT trong độ tuổi lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm ổn định và thúc đẩy sự quan tâm của toàn xã hội đối với NKT. 

Những phiên giao dịch này đã mang lại nhiều cơ hội cho người khuyết tật có việc làm, tiếp cận những thông tin đầy đủ, chính xác, đáng tin cậy của các đơn vị tuyển dụng, hiểu biết về chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực việc làm của NKT. 

Nhờ đó NKT đạt được những ước mơ trong cuộc sống, có thu nhập kinh tế cho bản thân và gia đình. 

“Các bạn thanh niên khuyết tật đang ngày càng chủ động hoà nhập vào thị trường lao động, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về NKT, thay đổi quan niệm về NKT, nhìn thấy ở họ khả năng tự lập, đóng góp cho gia đình và xã hội, chứ không chỉ nhìn vào những khiếm khuyết của họ”, đại diện Hội NKT Hà Nội nhận xét.

Tin liên quan
10 lợi ích của việc học ngoại ngữ

10 lợi ích của việc học ngoại ngữ

(VTE) - Trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, việc học ngoại ngữ đã trở thành một nhu cầu thiết yếu đối với mỗi người.