Theo TS Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, công tác chuẩn hóa và phát triển kỹ năng nghề cho người lao động đang phải đối mặt với thách thức chưa từng có: Thứ nhất, chuẩn hóa và phát triển kỹ năng cho người lao động ở những việc làm chưa từng có trong hiện tại (ví như Vinfast đang sản xuất máy thở rất gấp cho thị trường trong nước và thế giới, nghề khám chữa bệnh từ xa… phát sinh sau dịch Covid-19 đang diễn ra). Thứ hai, chuẩn hóa và phát triển kỹ năng cho người lao động ở những việc làm ứng dụng công nghệ chưa từng được phát minh (như phát minh mới động cơ lượng tử…) vì vậy phát triển kỹ năng theo hướng cơ bản, nền tảng, liên ngành, xuyên ngành với những phẩm chất nhằm nâng cao sức đề kháng, tính sáng tạo cho người lao động. Phát triển kỹ năng theo hướng hình thành các năng lực của người lao động gồm: Năng lực nhận thức; năng lực thích nghi, năng lực ứng xử nghề nghiệp và giá trị; năng lực ứng xử con người với con người và năng lực học tập suốt đời và thăng tiến nghề nghiệp dựa vào kỹ năng nghề theo khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia (KNNQG). Phát triển kỹ năng nghề nghiệp theo hướng chuẩn hóa, chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, hiện đại, sáng tạo, linh hoạt, công bằng, dân chủ, văn minh và hội nhập theo khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu về dịch chuyển lao động cả chiều dọc và chiều ngang ở trong nước và phạm vi quốc tế...
Về định hướng chuẩn hóa và công nhận, phát triển kỹ năng nghề ở Việt Nam trong thời gian tới, TS Nguyễn Chí Trường cho biết thêm, cần đề xuất quy định Khung năng lực quốc gia và khuyến khích cộng đồng DN công nhận, thừa nhận KNNQG cho người LĐ được cấp chứng chỉ KNNQG trong sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm sắp tới cũng như liên quan luật khác làm cơ sở để chuẩn hóa và thống kê chất lượng nguồn lực lao động quốc gia. Phát triển kỹ năng nghề nghiệp theo hướng chuẩn hóa, chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, hiện đại, sáng tạo, linh hoạt, công bằng, dân chủ, văn minh và hội nhập theo khung trình độ KNNQG, đặc biệt chú trọng đối với lực lượng lao động là thanh niên. Đẩy mạnh thí điểm và thành lập các Hội đồng ngành có sự tham gia của các bên liên quan với đội ngũ chuyên nghiệp, ổn định cho hệ thống. Đẩy mạnh xây dựng và ban hành các bộ tiêu chuẩn KNNQG theo xu thế mới của kỹ năng thích ứng với thời kỳ mới. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT và thực hiện chuyển đổi số trong quản lý và điều hành hệ thống đánh giá cấp chứng chỉ KNNQG. Đánh giá, cập nhật và bổ sung danh mục các công việc cần phải có chứng chỉ KNNQG để đảm bảo an toàn sức khỏe cho NLĐ và cộng đồng; thúc đẩy phân luồng, hướng nghiệp, học tập suốt đời và thăng tiến nghề nghiệp của người lao động dựa vào kỹ năng theo khung trình độ KNNQG. Tăng cường hợp tác quốc tế về kỹ năng nghề và công nhận lẫn nhau giữa Việt Nam và các quốc gia về kỹ năng nghề.
Theo Ban tổ chức, sau tập huấn, học viên nắm được những căn cứ pháp lý gồm: Luật Việc làm 2013, các văn bản hướng dẫn và những đặc điểm chính của hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG; bối cảnh và tiếp cận chuẩn quốc tế về đánh giá và công nhận KNN trong khu vực và quốc tế để tham gia biên soạn KNNQG. Khung trình độ KNNQG và mối quan hệ với khung trình độ quốc gia. Mục đích TCKNNQG và nguyên tắc, quy trình biên soạn TCKNNQG; một số kỹ thuật biên soạn TCKNNQG như phân tích nghề, phân tích công việc, xác định năng lực, năng lực thành phần và tiêu chí thực hiện để thực hiện biên soạn TCKNNQG đúng và đạt được yêu cầu. Biết và sử dụng được kinh nghiệm nghề nghiệp, năng lực chuyên môn của bản thân vào các nguyên tắc, quy trình biên soạn TCKNNQG một cách có phương pháp, đúng kỹ thuật để biên soạn TCKNNQG đúng, đầy đủ theo thực tế của hoạt động sản xuất, kinh doanh của nghề.