Thái Nguyên là một trong 3 trung tâm đào tạo nguồn nhân lực lớn của cả nước, đóng vai trò vừa là trung tâm đào tạo, vừa là trung tâm nghiên cứu, chuyển giao khoa học - kỹ thuật.
Trong 9 tháng năm 2024, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh Thái Nguyên đã đạt 76%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt 37,7% - vượt kế hoạch đến năm 2025 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt là 75% và có bằng cấp chứng chỉ đạt 32%.
Các ngành, nghề đào tạo đang được mở thêm và bám sát nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp và thị trường lao động, từng bước phù hợp với sự phát triển các ngành nghề, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Cùng với việc nâng cao chất lượng đào tạo, liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn thường xuyên tổ chức các buổi tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh, định hướng nghề cho lao động nông thôn…
Các cơ sở GDNN trên địa bàn tập trung đẩy mạnh gắn kết đào tạo với doanh nghiệp, đưa học sinh, sinh viên đến trải nghiệm và thực tập tốt nghiệp và làm việc trong môi trường doanh nghiệp. Việc ký kết hợp đồng đào tạo với các doanh nghiệp đem lại lợi ích và hiệu quả thiết thực.
Nhà trường và doanh nghiệp cũng có các chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên trong quá trình đào tạo và thực tập. Nhiều doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ học bổng cho học sinh, sinh viên, hỗ trợ ký kết hợp đồng tư vấn, nghiên cứu khoa học với nhà trường để đào tạo nhân lực có tay nghề cao phục vụ doanh nghiệp.
Thông qua các hoạt động gắn kết GDNN với doanh nghiệp, cơ chế phối hợp 3 bên (Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp) được hình thành và vận hành hiệu quả trong thực tiễn.
Hiện, hơn 200 doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh đã ký kết hợp tác với một số cơ sở GDNN của tỉnh trong liên kết, đào tạo nghề. GDNN từ nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động không chỉ bảo đảm nguồn nhân lực lao động kỹ thuật cho nền kinh tế mà còn góp phần giải quyết việc làm, nâng cao mức sống cho người dân; tạo cơ hội cho lao động nông thôn có thêm nghề mới.
Công tác GDNN trên địa bàn vẫn còn khó khăn, vướng mắc cần khắc phục. Trong đó, chất lượng đào tạo ở một số lĩnh vực chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Chất lượng, hiệu quả đầu tư cho công tác phát triển GDNN chưa cao, sự gắn kết giữa Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp chưa thật sự chặt chẽ.
Hình thức, phương pháp tổ chức đào tạo chậm đổi mới, chưa đa dạng, linh hoạt để đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường lao động. Công tác đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho người lao động chưa được chú trọng. Việc chuyển giao, nhân rộng các chương trình theo chuẩn quốc tế còn khó khăn, thiếu đồng bộ…
Việc nâng cao chất lượng GDNN trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên không chỉ để bảo đảm nguồn nhân lực đáp ứng thị trường lao động còn làm thay đổi năng lực tư duy sản xuất cho lao động trẻ, qua đó tạo nên thế hệ năng động, sáng tạo, có tác phong công nghiệp phù hợp với thời đại 4.0.
Đây vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ mà Kế hoạch phát triển GDNN đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hướng đến.
Phương Minh
Báo Lao động và Xã hội số 144