PV: Thưa ông, hiện tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có diễn biến phức tạp trên thế giới, điều này đã tác động như thế nào đến các DN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa?
Sau tết Nguyên đán 2020, tỷ lệ công nhân (CN) quay trở lại làm việc tại các DN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đạt tới hơn 98%. Điều này chứng tỏ giữa người lao động (NLĐ) và chủ sử dụng lao động có mối quan hệ rất tốt. Cụ thể, các DN đã thực hiện tốt chính sách đối với NLĐ nên đã giữ chân được NLĐ, đồng thời cũng thể hiện ý thức gắn bó của NLĐ đối với DN đã được nâng lên, NLĐ đã thực hiện đúng quy định về lịch nghỉ tết theo quy định của các DN.
Dịch Covid-19 đến nay đã ảnh hưởng lớn đến tất cả các loại hình DN trong cả nước nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng. Nó không chỉ ảnh hưởng đến quy mô sản xuất, mà còn ảnh hưởng đến tâm lý của NLĐ. Trước tình hình đó, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Thanh Hóa đã ban hành 5 văn bản để hướng dẫn và chỉ đạo cho tất cả các cấp công đoàn, đặc biệt là các công đoàn cơ sở trong các DN thực hiện tốt các việc sau: Tuyên truyền, phổ biến theo khuyến cáo của Trung ương, Chính phủ, Bộ Y tế và Tỉnh ủy đến NLĐ về mức độ nguy hại của dịch bệnh Covid-19, để CN, NLĐ không được chủ quan, thực hiện đúng khuyến cáo; không được đến chỗ đông người, đi làm phải đeo khẩu trang, vào DN phải đo thân nhiệt; thực hiện nghiêm khai báo y tế, từ đó giúp NLĐ tự bảo vệ sức khỏe cho mình và bảo vệ cho cộng đồng. Đến thời điểm này, các DN trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện CN, NLĐ nào nhiễm, hoặc nghi nhiễm dịch Covid-19.
PV: Dich bệnh Covid-19 đã tác động không nhỏ đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các DN, liệu NLĐ có nguy cơ mất việc làm hay không, thưa ông?
Hiện nay, đa phần các DN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn đang duy trì, ổn định được sản xuất, đảm bảo việc làm cho NLĐ. Tất cả các chế độ quyền lợi của CN, NLĐ vẫn được các DN thực hiện đầy đủ, đúng theo quy định như: Lương, phụ cấp chuyên cần, xăng xe, hỗ trợ nhà nghỉ, nuôi con nhỏ... So với năm 2019, đến nay thu nhập của CN, NLĐ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hầu như không thay đổi, vẫn giữ mức thu nhập khoảng gần 6 triệu/người/tháng. Tuy nhiên, do tác động của dịch bệnh Covid-19 nên nguyên liệu đầu vào sản xuất thiếu, sản phẩm tiêu thụ chậm, nên hầu hết các DN không huy động làm tăng ca như trước tết; không huy động làm thứ 7, chủ nhật; một số DN đang vận dụng giải quyết chế độ nghỉ phép cho CN, NLĐ theo luật lao động hiện hành.
Công ty TNHH Sakurai Việt Nam đóng tại Khu công nghiệp Lễ Môn, TP.Thanh Hóa và Công ty TNHH giầy Alena Việt Nam đóng tại cụm công nghiệp xã Định Liên, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa vẫn đảm bảo tốt việc làm, chế độ đầy đủ cho người lao động. (Ảnh Hoàng Minh)
Xác định, dịch Covid-19 là yếu tố khách quan đã tác động xấu đến tình hình sản xuất của các DN, nguy cơ DN phải thu hẹp sản xuất, NLĐ có nguy cơ mất việc làm là điều chúng tôi cũng đã đặt ra. Chính vì vậy, LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu các tổ chức công đoàn cơ sở tuyên truyền cho CN, NLĐ hiểu, và chia sẻ những khó khăn của DN. Thời điểm này, nếu như DN chậm trả tiền lương, chậm trả các chế độ khác thì NLĐ cũng phải chấp nhận, chia sẻ với DN, không được lấy lý do đó để kích động, không phối hợp với các DN, gây mất an ninh, trật tự trên địa bàn.
Mặt khách, LĐLĐ tỉnh cũng yêu cầu các tổ chức công đoàn cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động CN, NLĐ, nếu dịch bệnh Covid-19 kéo dài, buộc DN phải thu hẹp sản xuất, hoặc phải tạm ngừng sản xuất mà dẫn đến một số bộ phận CN, NLĐ phải nghỉ việc thì cũng phải vui vẻ, chấp hành. Đây là lúc thể hiện sự đồng hành, chia sẻ khó khăn của các tổ chức công đoàn với DN và NLĐ.
Tuy nhiên, nếu vì bất khả kháng do dịch bệnh Covid-19 gây ra mà DN thiếu nguyên liệu, không tiêu thụ được sản phẩm, dẫn đến việc phải giảm CN, NLĐ, thì yêu cầu chủ sử dụng lao động phải thông tin cho chủ tịch công đoàn cơ sở về kế hoạch sản xuất, kế hoạch cắt giảm NLĐ, cũng như chính sách hỗ trợ, đền bù đối với CN, NLĐ bị mất việc làm, để công đoàn cơ sở tuyên truyền, phổ biến đến từng CN, NLĐ hiểu, cùng hợp tác theo đúng quy định của Bộ Luật lao động hiện hành.
Theo thống kê của các công đoàn cơ sở, ngay từ đầu năm các DN trên địa bàn đã tuyển dụng thêm khoảng 1.500 lao động vào thử việc (chưa ký hợp đồng lao động) để phát triển sản xuất, đảm bảo đúng tiến độ các đơn hàng. Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19 kéo dài, nguyên liệu đầu vào thiếu, sản phẩm tiêu thụ chậm, nên các DN đã dừng thử việc đối với số lao động đang trong thời gian thử việc nói trên.
Theo báo các từ các công đoàn cơ sở, một số DN đã lên kế hoạch, nếu như dịch Covid-19 vẫn kéo dài, nguyên liệu sản xuất vẫn thiếu, sản phẩm chưa tiêu thụ được, thì buộc DN phải chấm dứt hợp đồng đối với số CN, NLĐ ký hợp đồng lao động có thời hạn 1 năm.
PV: Trong bối cảnh khó khăn do tác động của bệnh dịch Covid-19, để NLĐ đồng hành, chia sẻ với những khó khăn của DN, LĐLĐ tỉnh đã có những giải pháp gì thưa ông ?
Trước những khó khăn của các DN do tác động của dịch bệnh Covid-19, LĐLĐ tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo đích danh Chủ tịch LĐLĐ các huyện phải nắm sát tình hình sản xuất, kinh doanh của các DN trên địa bàn hoặc ngành mình quản lý. Đặc biệt, LĐLĐ tỉnh yêu cầu chủ tịch LĐLĐ các huyện, ngành phải xuống làm việc trực tiếp với các DN có đông CN, NLĐ để nắm bắt kịp thời khó khăn của các DN, xem DN có kiến nghị gì với Đảng và Nhà nước, với các ngành chức năng để kịp thời tháo gỡ cho DN. Qua đó, công đoàn cơ sở phải nắm bắt việc cắt giảm (nếu có) số lao động để kịp thời có giải pháp phù hợp.
Nếu do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 mà phải cắt giảm CN, NLĐ thì yêu cầu từng DN phải đưa ra số lượng bị cắt giảm cụ thể, đối tượng nào bị cắt giảm; chính sách hỗ trợ của CN, NLĐ bị cắt giảm phải đảm bảo theo đúng quy định Bộ luật lao động hiện hành. Chủ DN phải thông tin cho công đoàn phổ biến cho NLĐ, đồng thời công đoàn còn giám sát xem DN thực hiện có đúng, đảm bảo quyền lợi cho CN, NLĐ không.
LĐLĐ tỉnh yêu cầu các DN tiếp tục thực hiện tốt việc đo thân nhiệt cho CN, NLĐ, đồng thời yêu cầu CN, NLĐ phải thực hiện đúng khuyến cáo của Bộ Y tế về công tác phòng, chống dịch Covid-19, không được phát tán những thông tin sai sự thật, thông tin chưa được kiểm chứng về dịch bệnh Covid-19.
Theo quy định, trong quý 1/2020, tất cả các DN phải tổ chức hội nghị NLĐ, nhưng trước tình hình dịch bệnh phức tạp, LĐLĐ tỉnh đã yêu cầu không tổ chức hội nghị tập trung như mọi năm. LĐLĐ tỉnh đã có văn bản yêu cầu các DN xây dựng các phương án và giải pháp bằng văn bản về đánh giá việc thực hiện Nghị quyết của NLĐ; rà soát, bổ sung các nội quy, quy chế; các chế độ chính sách hỗ trợ cho NLĐ, sau đó chuyển lại cho Ban chấp hành công đoàn cơ sở. Trên cơ sở đó, công đoàn cơ sở truyền đạt lại cho CN, NLĐ và định hướng cho họ tham gia vào các nội dung sửa đổi, rồi tổng hợp từ các tổ sản xuất, chuyển lên Ban chấp hành công đoàn làm việc cụ thể với chủ DN về tâm tư nguyện vọng của CN, NLĐ.
Dịch bệnh Covid-19 vẫn đang có diễn biến phức tạp, tuy nhiên với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, của Tỉnh ủy Thanh Hóa, hy vọng dịch bệnh Covid-19 sẽ sớm được đẩy lùi. Với những chính sách mà Chính phủ mới ban hành nhằm hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn cho các DN, tôi tin các DN sẽ vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm mới cho NLĐ.
Xin trân trọng cảm ơn ông!