"Phấn đấu đến năm 2025, Thanh Hoá đào tạo nghề nông nghiệp cho gần 40.000 lượt lao động, góp phần đưa tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo lên 55%; trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt trên 30%” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Đầu Thanh Tùng cho biết.
Những năm qua, tại tỉnh Thanh Hóa, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn đã hướng vào thế mạnh và nhu cầu của từng địa phương. Nhiều địa phương trong tỉnh đã triển khai các mô hình dạy nghề có hiệu quả như: nghề trồng nấm, may công nghiệp, nghề mây tre đan, trồng hoa, mộc dân dụng, thêu ren…
Để đáp ứng yêu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tỉnh Thanh Hóa đã sắp xếp, kiện toàn hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Hiện nay, toàn tỉnh có 66 cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, nhất là ở cấp huyện được tăng cường. Đội ngũ giáo viên dạy nghề của các cơ sở dạy nghề công lập cơ bản đạt chuẩn theo quy định.
Trường Trung cấp nghề miền núi Thanh Hóa với chức năng nhiệm vụ được giao là đào tạo và chuyển giao công nghệ, khoa học kỹ thuật cho người lao động 11 huyện Miền núi phía tây tỉnh Thanh Hóa và các vùng phụ cận.
Từ năm 2012 đến nay nhà trường đã áp dụng việc thực hiện đào tạo theo mô hình 9+, vừa học nghề vừa học văn hóa, đối tượng đào tạo là học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, do vậy việc tổ chức đào tạo của nhà trường luôn được tiếp cận, linh hoạt đổi mới cả về phương pháp và chương trình đào tạo.
Hiện nay, tổng số học sinh của nhà trường vừa học trung cấp vừa học hệ giáo dục thường xuyên là 1.492 học sinh.
Hiệu trưởng trường TC nghề miền núi Thanh Hoá Phạm Yên Trường chia sẻ: “Trong năm, nhà trường có 326 học sinh tốt nghiệp trung cấp, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung cấp đạt 100%.
Kết quả học sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông Quốc gia và đậu tốt nghiệp năm 2023 là 264 học sinh, đạt tỷ lệ 100%. Học sinh sau khi tốt nghiệp TCN được nhà trường tư vấn, giới thiệu việc làm tại các công ty, nhà máy, xưởng sản xuất tương ứng với trình độ tay nghề đã học, 100% học sinh đều có việc làm thu nhập ổn định”.
Trong giai đoạn 2021-2025, Thanh Hóa đặt mục tiêu đào tạo nghề phi nông nghiệp chiếm khoảng 70%, đào tạo nghề nông nghiệp chiếm khoảng 30%; đào tạo mới chiếm khoảng 60%.
Để đạt được mục tiêu này, Thanh Hóa sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đồng thời, rà soát các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hoá Vũ Thị Hương cho biết: "Giai đoạn 2021-2023, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tỉnh Thanh Hoá đã tuyển sinh và đào tạo trên 250.000 người, góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt trên 73%, trong đó 29% có văn bằng, chứng chỉ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Đầu Thanh Tùng chia sẻ, với mục tiêu tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp, tạo bước đột phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tỉnh Thanh Hoá phấn đấu đến năm 2045 trở thành tỉnh có chất lượng giáo dục nghề nghiệp trong nhóm dẫn đầu cả nước.
Ngô Thu Hương