Theo báo cáo, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 3.938 DN đang tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho 168.432 lao động. Con số này chỉ đạt 46,9% về số DN và đạt 70,32% số người lao động. Trong đó, các DN FDI thực hiện các chế độ bảo hiểm và trích nộp kinh phí công đoàn nghiêm túc hơn các loại hình DN khác.
Thanh Hóa nên quyết liệt hơn đối với những DN cố tình chây ỳ nợ BHXH (ảnh minh họa)
Hiện LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa đang tích cực phối hợp với cơ quan BHXH tỉnh khắc phục tình trạng này, trong đó có việc chuẩn bị khởi kiện các DN cố tình chây ỳ BHXH, kinh phí công đoàn. Theo ông Tẫn, đa phần các DN cố tình chiếm dụng số tiền đóng BHXH cho người lao động lên tới hàng chục, hàng trăm triệu đồng/tháng để đầu tư sản xuất, kinh doanh, sinh lợi nhuận, trong bối cảnh nguồn vốn vay bị hạn chế.
Khi bị ngành BHXH nhắc nhở thì các đơn vị nợ BHXH thường khất lần, trì hoãn, thậm chí đối phó bằng nhiều hình thức khác nhau. Có một số DN khi người lao động đòi quyền lợi được hưởng chế độ tham gia đóng BHXH thì vội vàng nộp “tạm” một phần BHXH đang nợ đọng để ngành bảo hiểm làm thủ tục thanh toán, chi trả cho người lao động. Sau khi vấn đề trước mắt được giải quyết, các đơn vị này lại tiếp tục chây ỳ.
Theo quy định của pháp luật mức phạt hiện tại đối với DN là quá thấp, dẫn đến không đủ sức “răn đe” các DN, trong khi đó, các ngành chức năng phối hợp chưa tốt, thiếu đồng bộ nên tình trạng nợ đọng BHXH ngày càng kéo dài.