Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Thanh Hoá: Hơn 85% lao động nông thôn có việc làm sau đào tạo nghề

Sau 8 năm thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT), tỉnh Thanh Hoá đã tổ chức được 1.691 lớp dạy nghề cho 51.529 LĐNT, tỷ lệ lao động học xong có việc làm đạt trên 85%.

Theo số liệu từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hoá, sau 8 năm (từ 2010- 2017), thực hiện công tác đào tạo nghề cho LĐNT theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Thanh Hoá đã tổ chức được 1.691 lớp dạy nghề cho 51.529 LĐNT với tổng kinh phí là 185.617,781 triệu đồng.

Nghề mây tre đan ở xã Định Tường, Yên Định, Thanh Hoá giúp hàng trăm LĐNT có việc làm cho thu nhập ổn định.

Đối với nghề nông nghiệp, lao động học nghề xong có thể áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. Nhiều tổ hợp tác sản xuất, hợp tác xã trên địa bàn giải quyết việc làm cho LĐNT đã được thành lập, từng bước cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Đối với nghề phi nông nghiệp, cơ sở dạy nghề chủ yếu là những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tổ chức dạy nghề, cung ứng nguyên vật liệu và bao tiêu sản phẩm cho lao động trong lúc nông nhàn như các nghề  mây giang xiên, thêu ren đính cườm, mây tre đan, may công nghiệp.

Các địa phương đã gắn đào tạo nghề với chương trình xây dựng nông thôn mới, góp phần từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng lao động nông nghiệp sang lao động phi nông nghiệp. Chất lượng đào tạo nghề ngày càng được nâng cao, tỷ lệ lao động học xong có việc làm đạt trên 85%.